Mô hình trồng rau màu đã góp phần giảm nghèo, cải thiện đời sống cho đồng bào Khmer ở ấp Đồng Tranh, xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang).
Vĩnh Thuận là huyện vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng thuộc vùng U Minh Thượng (Kiên Giang), có địa giới hành chính tiếp giáp với các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang, dân số gần 24.000 hộ với hơn 94.000 người. Trong đó, có hơn 1.900 hộ đồng bào dân tộc Khmer (chiếm trên 8% dân số) sống đan xen với người Kinh, tập trung đông nhất xã Vĩnh Bình Bắc, Phong Đông và Tân Thuận, chủ yếu sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản.

Theo ông Huỳnh Tấn Phi, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận, qua thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) trong giai đoạn 2016-2020, đã xuất hiện nhiều mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, như mô hình nuôi tôm càng xanh, tôm - cua kết hợp, đặc biệt là mô hình tôm - lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Qua chuyển đổi thực hiện mô hình tôm - lúa đã cho thấy hiệu quả tích cực, hạn chế rủi ro, cải thiện được môi trường canh tác, phát triển bền vững... Qua đó, xuất hiện nhiều nhân tố điển hình, nhiều mô hình tiêu biểu trong đồng bào dân tộc Khmer với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng như hộ ông Danh Thanh ở ấp Đồng Tranh (xã Vĩnh Bình Bắc), ông Danh Lâu ở ấp Kinh 2 (xã Tân Thuận), ông Danh Sơn Hà ở ấp Bời Lời B (xã Bình Minh)...

Nét mới trong đời sống của đồng bào Khmer gắn chuyển đổi sản xuất thể hiện khá rõ ở xã Phong Đông, địa bàn có đông đồng bào DTTS của huyện Vĩnh Thuận với trên 29% dân số là đồng bào Khmer.

Ông Thái Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Phong Đông cho biết: Bằng những bước đi cụ thể trong chuyển đổi sản xuất với trọng tâm là thực hiện chuyển đổi trên 2.000 ha đất trồng lúa sang mô hình tôm - lúa trong các nông hộ đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn, cuộc sống người dân nơi đây từng bước đổi thay, ngày một khởi sắc.
Tính đến đầu năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của người dân xã Phong Đông tăng lên hơn gấp đôi so với cách đây 5 năm, lên đến hơn 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn hơn 3%.

Ông Huỳnh Tấn Phi, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận, cho biết: Từ hiệu quả của mô hình tôm - lúa và phong trào chuyển đổi sản xuất, đời sống nhiều hộ dân trong vùng đồng bào dân tộc Khmer ở xã Phong Đông nói riêng, huyện Vĩnh Thuận nói chung từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người không ngừng nâng lên; đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm, từ hơn 270 hộ vào năm 2014, giảm xuống còn gần 150 hộ đầu năm 2020, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giúp diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS ngày một khởi sắc, khang trang hơn.


Bên cạnh những thành quả từ xây dựng NTM với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư khá đồng bộ, các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, điện, nước sinh hoạt, vốn vay ưu đãi cho đồng bào Khmer trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận anh hùng đã và đang phát huy hiệu quả…/.
Lê Sen-Phúc Thanh