Điểm nổi bật nhất của huyện vùng sâu Vĩnh Thuận (Kiên Giang) là thực hiện rất tốt công tác huy động sức dân để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, góp phần thực hiện tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Thuận Nguyễn Văn Thoàn cho biết, ông tâm đắc nhất trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương những năm qua là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 7/7 xã, thị trấn đã đạt chuẩn nông thôn mới, Vĩnh Thuận đang đề xuất để được công nhận huyện nông thôn mới vào cuối năm 2020.
Bằng nguồn vốn ngân sách phân bổ và các nguồn vốn vận động tài trợ, huy động sức dân, 5 năm qua, Vĩnh Thuận đầu tư xây dựng mới 75 tuyến đường với chiều dài trên 136 km mặt đường nhựa, bê tông và xây mới 49 cây cầu nông thôn với số tiền gần 190 tỷ đồng. Qua đó, đến nay, trên 76% các tuyến đường trục ấp liên ấp được bê tông hóa; 100% tuyến đường từ huyện về trung tâm xã được nhựa hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Huyện đã chuyển gần 5.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả và cây trồng khác, vườn tạp sang nuôi mô hình tôm - lúa cho hiệu quả cao, góp phần giảm hộ nghèo từ trên 10% xuống còn 3,06%.
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Văn Thoàn, Vĩnh Thuận xác định nông nghiệp vẫn là hướng đi chính trong cơ cấu kinh tế. Bởi vậy, thời gian tới, huyện sẽ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm”. Huyện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất và bảo quản sau thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, sinh thái. Huyện nâng cao chất lượng vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo mô hình lúa - màu; xây dựng vùng sản xuất lúa hữu cơ trên đất nuôi tôm theo mô hình tôm - lúa; chọn giống lúa chịu được hạn mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Song song đó, huyện giữ vững và khuyến khích phát triển diện tích trồng màu các loại ở những nơi có điều kiện về nước ngọt phục vụ tưới tiêu; tập trung ưu tiên đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa các loại hình phù hợp với sinh thái, đặc điểm tự nhiên từng tiểu vùng gắn với ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Huyện vận động nhân dân duy trì thực hiện, phát triển có hiệu quả mô hình tôm - lúa kết hợp tôm - cua - cá và các loại thủy sản khác có giá trị kinh tế cao…
Vĩnh Thuận tiếp tục tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh và tích cực huy động các nguồn lực tổng dân, doanh nghiệp, tổ chức từ thiện để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, giao thương hàng hóa và đời sống của nhân dân. Huyện tập trung xây dựng giao thông nông thôn, điện, trường học, nhà cho người nghèo; nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông trục chính từ huyện về xã và đường giao thông nông thôn theo chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Huyện phát triển hệ thống thủy lợi, cống đê bao đảm bảo phục vụ sản xuất và nâng lên năng lực phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu…
Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, trước mắt huyện trú trọng ba khâu đột phá mang tính quyết định gồm tập trung làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là các ngành nghề phục vụ khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện, nhu cầu của thị trường lao động trong, ngoài nước. Huyện huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đô thị văn minh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, hữu cơ, sinh thái mang tính bền vững, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích./.
Lê Sen