Bài 1: Tiềm năng thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân Trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ thể hiện quyết tâm cải cách và thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân rất mạnh mẽ, trong đó có các cơ chế chính sách về doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể. Theo đó, người dân kỳ vọng những cơ chế chính sách này sẽ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho tất cả các mô hình kinh tế, đặc biệt việc chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp cần phân loại và tuân thủ cơ chế thị trường.
Công nhân CMC vận hành dây chuyền sản xuất gạch ceramic hiện đại . Ảnh: Trung Kiên - TTXVN |
*Cơ sở phát triển doanh nghiệp Việt Nam có gần 5 triệu hộ kinh doanh, với tổng tài sản là 655 nghìn tỷ đồng; doanh thu đạt 2.188 nghìn tỷ đồng và thu hút hơn 7,94 triệu lao động. Trong cơ cấu hoạt động của hộ kinh doanh, có khoảng 80% hoạt động trong ngành công nghiệp - xây dựng; còn 20% trong ngành thương mại dịch vụ, tập trung vào bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, lưu trú, ăn uống. Đánh giá về tiềm năng phát triển, theo Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, ở lĩnh vực pháp luật, hộ kinh doanh có nhiều hạn chế so với doanh nghiệp về quyền kinh doanh như đăng ký tại một địa điểm, hoạt động kinh doanh trong phạm vi quận, huyện; không mở chi nhánh, văn phòng đại diện... Đồng thời, hạn chế quy mô sử dụng lao động (dưới 10 lao động thường xuyên); huy động vốn chủ yến là vay hoặc từ chính thành viên tham gia hộ. Hầu hết các hộ kinh doanh chưa thực hiện chế độ hóa đơn chứng từ, nếu có thì chỉ thực hiện chế độ hóa đơn bán hàng thông thường. Khảo sát thực tế của cơ quan quản lý Thành phố Hồ Chí Minh, có khoảng 275 nghìn hộ kinh doanh cá thể, đang đóng góp khoảng 2% vào ngân sách thành phố.
Dây chuyền sản xuất gạch ceramic hiện đại của Công ty cổ phần CMC. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN |
Còn theo thống kê của Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, đang có hơn 14,8 nghìn hộ kinh doanh có sử dụng hóa đơn; hơn 21,2 nghìn hộ kinh doanh lớn (theo tiêu chí doanh thu trên 100 triệu đồng/tháng), nhưng không có sử dụng hóa đơn. Trước thực trạng trên, bà Nguyễn Thị Cúc, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, sản xuất của hộ kinh doanh luôn đa dạng ngành nghề, nhiều mặt hàng, sản phẩm truyền thống của Việt Nam được gìn giữ, phát triển. Tuy nhiên, phương thức bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng và thanh toán tiền mặt dẫn đến những hạn chế về thị trường tiêu thụ sản phẩm; trình độ quản lý và tiếp cận công nghệ hạn chế. Do đó, hầu hết các hộ kinh doanh có quy mô nhỏ, vốn ít... nên hiệu quả kinh tế chưa đạt được như kỳ vọng. Đội ngũ doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp GDP không lớn, nộp ngân sách ít, nhưng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước nhà, tạo công ăn việc làm, sử dụng khoảng 50% lao động chính thức tại Việt Nam. Vì vậy doanh nghiệp nhỏ và vừa là nền tảng để phát triển doanh nghiệp lớn mạnh và thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển. Theo một số chuyên gia, thuận lợi của chuyển đổi hộ kinh doanh lên mô hình doanh nghiệp là tạo thêm cơ hội cho các hộ cá thể nâng cao vị thế trên thương trường, nâng cao hiệu quả sản xuất cho chủ doanh nghiệp, tăng cường hạch toán kinh tế thông qua công tác giữ sổ sách kế toán. Bên cạnh đó, việc lựa chọn nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế sẽ hạn chế tình trạng nộp thuế trùng và được hoàn thuế. *Cần môi trường kinh doanh an toàn Báo cáo phân tích về hộ kinh doanh năm 2017 của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, cảm nhận của doanh nghiệp về bất lợi của hộ kinh doanh là phải trả lương, thưởng cho người lao động đúng quy định pháp luật (cao hơn so với hộ kinh doanh); tuân thủ chế độ hạch toán, sổ sách, chứng từ kế toán chặt chẽ và phức tạp; chịu sự kiểm tra, thanh tra nhiều hơn; không được thỏa thuận mức thuế phải nộp như hộ kinh doanh... Các hộ kinh doanh cũng đánh giá khó khăn khi kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp là nhà nước thiếu cơ chế khuyến khích, hỗ trợ hộ kinh doanh có thể chuyển thành doanh nghiệp; không nắm rõ quy trình thủ tục; chưa được phổ biến thông tin... Từ những thông tin trên, có thể thấy đối với môi trường kinh doanh tại Việt Nam thì hộ kinh doanh đang có "lợi thế hơn" so với doanh nghiệp. Đơn cử, về thủ tục hồ sơ, thủ tục, lệ phí thành lập hộ kinh doanh cá thể chỉ bằng 50% lệ phí thành lập doanh nghiệp. Hộ kinh doanh cũng chỉ có 6 loại sổ sách kế toán so với hàng chục loại của doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Khách hàng mua sản phẩm tại nhà máy của Công ty cổ phần CMC. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN |
Ông Phan Đức Hiếu, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cải cách môi trường kinh doanh, cần tính đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi muốn chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, hay nói cách khác là muốn "chính thức hóa" hộ kinh doanh thì nên dùng các đòn bẩy "kinh tế" và điều quan trọng nhất là chính nhà đầu tư phải thấy được lợi ích lớn hơn chi phí khi thành doanh nghiệp. Do đó, mục tiêu cải cách phải làm sao đáp ứng được yêu cầu việc gia nhập và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp phải dễ dàng như hình thức hộ kinh doanh. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, cần có một thiết chế về thể chế chính sách cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhằm đáp ứng yêu cầu "vừa không buông lỏng quản lý, vừa không tạo gánh nặng chi phí" đối với đối tượng doanh nghiệp này. Cụ thể, quá trình chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp các yếu tố mang tính quyết định là thuế, tài chính, chế độ kế toán... Bên cạnh đó, trong khi các chính sách hỗ trợ còn hạn chế do điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp, thì việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn và có chi phí thấp nhất là vấn đề cấp thiết đối với cộng đồng doanh nghiệp. Với những phân tích trên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam cho rằng, hiện nay quá trình chuyển đổi hộ doanh nghiệp lên doanh nghiệp chưa có những cơ chế thực thi hiệu quả, đảm bảo quyền lợi cho người kinh doanh như đơn giản thủ tục hành chính thông qua sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật và hành lang pháp lý. Trong đó, mức thuế đối với từng đối tượng doanh nghiệp như hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp lớn chưa được quy định rõ ràng và minh bạch. Riêng mức thuế khoán đối với hộ kinh doanh cá thể đang áp dụng cần được tính toán lại hoặc có thể thay thế bằng quy định tỷ lệ thuế trên doanh thu. Theo ông Lộc, có như vậy, người dân mới thấy được lợi ích của việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, đồng thời sẽ giúp nâng cao chất lượng lao động gồm: điều kiện, thu nhập, an toàn, phúc lợi và tính ổn định. Ngoài ra, thực hiện công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các loại hình kinh doanh, góp phần giải quyết tình trạng kinh tế tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn./.
Bài 2: Vì sao hộ kinh doanh ngại lên doanh nghiệp?