Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận

Không chỉ mang lại thu nhập ổn định, giúp đồng bào dân tộc thiểu số từng bước vươn lên thoát nghèo, việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Bình Thuận. Đây là tiền đề để địa phương tiếp tục thực hiện tốt việc phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản, giúp bà nông dân cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.

vuon-tao-o-phu-lac-tuy-phong.jpg
Cây táo xanh được trồng ở xã Phú Lạc (huyện Tuy Phong, tỉnh BÌnh Thuận). Ảnh: baobinhthuan.vn

Xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong hiện có hơn 2.550 hộ gia đình, với 10.700 nhân khẩu; trong đó 70% là đồng bào Chăm. Là địa bàn thuần nông, những năm qua chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, ý nghĩa của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa các loại cây trồng, nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Để thành công trong sản xuất, địa phương đã vận động nhân dân chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật- công nghệ, xây dựng các mô hình kinh tế mới hiệu quả để người dân học tập phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Mô hình trồng táo trong nhà màng là một điển hình.

Cây táo xanh được trồng ở xã Phú Lạc khoảng 4 năm trở lại đây. Dù xuất hiện muộn nhưng cây táo xanh đang dần khẳng định tính ưu việt trên mảnh đất đầy nắng và gió.

Ông Kinh Văn Tập, thôn Lạc Trị là một trong những hộ mạnh dạn chuyển đổi đất trồng thanh long sang trồng cây táo xanh. Ông Tập gắn bó với cây táo được 4 năm nay. Ông Tập cho biết, trồng táo xanh không khó mà chi phí đầu tư ít hơn các loại cây trồng khác. Táo sau thời gian trồng khoảng 7 tháng là bắt đầu cho trái và trung bình mỗi năm cho 3 lứa trái. Cây táo có tuổi thọ cao, có cây lên đến vài chục năm nên thời gian khai thác kéo dài. Hơn hết cây táo rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

Theo ông Tập, táo xanh ở Phú Lạc hiện được thị trường ưa thích bởi ít dùng thuốc bảo vệ thực vật, trái to, giòn, ngọt đậm đặc trưng của xứ nhiều nắng. Với năng suất đạt từ 5- 7 tấn/sào/năm cùng giá thu mua tại vườn dao động khoảng 10.000- 15.000 đồng/kg, cây táo đang mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Theo Ủy ban nhân dân xã Phú Lạc, cây táo xanh đang dần chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu cây trồng, mở ra một triển vọng mới cho nông dân trong vùng. Đến nay, năng suất và diện tích táo liên tục tăng qua các năm. Nếu như năm 2020, diện tích trồng táo có 14 ha thì đến năm 2024 đã có 93 hộ chuyển đổ sang cây táo với diện tích 32 ha. Song song với phát triển diện tích, bà con nông dân đã áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc trồng táo cho năng suất cao hơn, chất lượng hơn, bằng cách trồng táo trong nhà lưới kết hợp với hệ thống tưới phun, tiết kiệm nước. Cách làm này nhằm phòng trừ côn trùng gây hại đặc biệt là ruồi vàng đục trái và giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, một số tổ hợp tác, tổ nghề nghiệp trồng táo ở Phú Lạc được thành lập với mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu sạch hướng đến trái tươi và các sản phẩm chế biến từ táo được công nhận sản phẩm OCOP, khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng nhiều hơn, nâng cao giá trị kinh tế cho đồng bào nơi đây.

Cùng với cây táo xanh, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây nho.

vuon-nho-o-phu-lac-tuy-phong.jpg
Cùng với táo, nho trồng ở xã Phú Lạc (huyện Tuy Phong) đã trở thành đặc sản của địa phương. Ảnh: baobinhthuan.vn

Với các giống mới, được thị trường ưa chuộng như: hồng nhật, móng tay, mẫu đơn, nho kẹo… cây nho cũng đang trở thành cây trồng chủ lực ở Phú Lạc. Hiện nay, toàn xã có gần 40 ha sản xuất nho các loại.

Vừa chăm sóc vườn nho hồng nhật gần 1 năm tuổi, diện tích hơn 2 sào với 700 gốc nho anh Đàng Anh Tú, thôn Vĩnh Hanh, xã Phú Lạc cho biết: Khoảng 2 tuần nữa thì vườn nho sẽ cho trái chín. Với giá dao động 90.000 - 100.000 đồng/kg tại vườn, gia đình anh đang đặt nhiều kỳ vọng vào lứa nho đầu tiên này.

Theo anh Đàng Anh Tú, diện tích đang trồng nho này trước đây gia đình trồng hành tím lấy củ. Nhưng hành tím tốn nhiều chi phí phân thuốc, lại thường mất mùa thời tiết bất thường, giá cả lại bấp bênh. So với hành tím thì cây nho có khoản đầu tư ban đầu cao, tốn công chăm sóc nhưng bù lại ít phân thuốc và mang tính lâu dài. Cây nho có thể cho thu hoạch mỗi năm 2 vụ và liên tục trong vòng 5 năm.

Một số chủ vườn nho cho biết, trước đây người dân ở địa phương đã từng gắn bó với cây nho nhưng vì bị mất giá, thời tiết không thuận lợi nên nhiều người quay lưng, phá bỏ cây nho. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, các giống nho mới, nho ghép cho năng suất cao, dễ chăm sóc hơn, kháng bệnh… nên được người dân cải tạo vườn, đầu tư sản xuất giống nho mới. Hiện tại một sào nho giống mới như: hồng nhật, móng tay, mẫu đơn... đem lại năng suất khoản 1,5 tấn/vụ/ năm. Trừ chi phí, nông dân có lãi khoản 150.000.000 đồng/năm.

Hiện tại xã Phú Lạc còn chuyển đổi nhiều diện tích lúa kém hiệu quả sang phát triển các loại cây ăn trái, hoa màu… đem lại thu nhập ổn định cho nông dân. Địa phương đã định hướng cho Ban điều hành các thôn, các tổ hợp tác, hợp tác xã và bà con nông dân phát triển các loại cầy trồng mới kinh tế cao phù hợp thổ nhưỡng của từng thôn, từng vùng.

Theo người dân ở xã Phú Lạc, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng là nhờ Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa, kiên cố hóa các công trình thủy lợi, các kênh mương nội đồng, hệ thống giao thông nông thôn. Có nước về, giao thông thuận lợi thì mọi vấn đề khó, khổ trước đây của thời tiết bỗng dưng trở thành lợi thế của những cây trồng.

Ông Huỳnh Tấn Sinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Lạc cho biết: Trên cơ sở quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp, quy hoạch nông thôn mới, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tổ chức lại sản xuất, áp dụng giống mới trên cả cây trồng và vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật, cơ giới hoá vào sản xuất; đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng trên địa bàn.

Hồng Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm