Chuyển biến tích cực trong cải cách hành chính tại Thành phố Hồ Chí Minh - Bài 1

Chuyển biến tích cực trong cải cách hành chính tại Thành phố Hồ Chí Minh - Bài 1
Đã gần hết nhiệm kỳ, với những nỗ lực không mệt mỏi, cải cách hành chính đang tiếp tục được triển khai mạnh mẽ , đầy quyết tâm của lãnh đạo và chính quyền thành phố. Đặc biệt năm 2019 được xác định là năm tăng tốc, đột phá về cải cách hành chính nhằm đạt được các mục tiêu đề ra cho cả nhiệm kỳ 2015-2020. Nhân dịp này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm 5 bài viết  (phát từ 4 - 8/9) phản ánh những kết quả và các giải pháp triển khai hiệu quả trong lĩnh vực cải cách hành chính tại Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua.

Bài 1: Chuyển mình, tăng tốc
Cải cách hành chính được triển khai sâu rộng từ cấp thành phố đến quận huyện, phường, xã, thị trấn, “chảy thấm” vào từng lĩnh vực, công việc của cán bộ, công chức người lao động nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Nhìn lại chặng đường đi qua, cải cách hành chính giai đoạn 2015 - 2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt nhiều kết quả quan trọng, được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao.
Người dân tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ qua hệ thống máy tính tự động tại UBND Quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu
Người dân tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ qua hệ thống máy tính tự động tại UBND Quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu
Những con số ấn tượng 
Theo Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay một số nội dung nhiệm vụ cải cách hành chính cơ bản đã hoàn thành, công tác cải cách thủ tục hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính được thực hiện chủ động và thường xuyên trên các lĩnh vực, đảm bảo tiến độ và chất lượng theo quy định. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin theo quy trình kết nối liên thông đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, thời gian qua hoạt động cải cách hành chính trên địa bàn thành phố diễn ra sâu rộng. Các lãnh đạo đơn vị đã quan tâm hơn đến sáng kiến cải cách hành chính, thực hiện khẩn trương mô hình “Phòng họp không giấy”, đôn đốc các đơn vị chậm trả lời, không có thời hạn chuyển sang có thời hạn sau 15 ngày nhận hồ sơ phải thông tin tiến độ giải quyết.
 
Thành phố đã giới thiệu 5 mô hình và 251 giải pháp hay về cải cách hành chính, nhân rộng mô hình "Bình Thạnh trực tuyến, Hóc Môn trực tuyến” ra nhiều quận, huyện khác. Ngoài ra, lần đầu tiên thành phố ban hành quy chế phối hợp, quy định thời gian và quy trình cụ thể về giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các quận, huyện, sở ngành, thực hiện chi thu nhập tăng thêm gắn với việc hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu đơn vị, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công việc. 

Báo cáo kết quả giữa nhiệm kỳ 2015 - 2020 trong thực hiện Chương trình cải cách hành chính của Thành phố cho thấy, chỉ số cải cách hành chính (PAR index) không ngừng được cải thiện, từ vị trí 18/63 tỉnh, thành năm 2015 đã tăng lên thứ 10/63 trong năm 2018. Trong 6 tháng đầu năm 2019, thành phố rà soát 809 văn bản quy phạm pháp luật để đề xuất điều chỉnh, sửa đổi 242 văn bản, Chủ tịch UBND thành phố đã công bố 22 quyết định với 608 thủ tục hành chính. Tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 được cung cấp là 1.140 hồ sơ, mức độ 4 là 375 hồ sơ.

Thành phố đã tổ chức lại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân dân thành phố, sắp xếp lại các ban quản lý dự án của thành phố, quận huyện, thành lập trung tâm báo chí thành phố, thành lập Trung tâm Quản lý Đường thủy trên cơ sở hợp nhất và tổ chức lại Khu Quản lý Đường thủy nội địa và Trung tâm Đăng kiểm phương tiện thủy, thành lập Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ.
 
Ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm, từ đầu năm 2019 đến nay cải cách hành chính đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như tổ chức trao “Giải thưởng Sáng tạo năm 2019” trong đó có lĩnh vực cải cách hành chính; triển khai thử nghiệm hệ thống “Phòng họp không giấy”, ứng dụng “Giao việc tức thời – nhắc việc thông minh”.

Tổng số hồ sơ nhận giải quyết trong 6 tháng 2019 hơn 10,6 triệu bộ, trong đó đã giải quyết hơn 10,4 triệu  hồ sơ giải quyết đúng hạn (chiếm tỷ lệ 99,69 %). Qua khảo sát đã có 82,33% ý kiến hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố.
 
Các trung tâm như Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, Trung tâm mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, Trung tâm điều hành đô thị thông minh, Trung tâm an toàn thông tin thành phố thuộc đề án đô thị thông minh đã đi vào vận hành ổn định, bước đầu có những kết quả khả quan. Bên cạnh việc công bố khung kiến trúc chính quyền điện tử, thành phố đã thực hiện 807 điểm kết nối vào hệ thống mạng băng thông rộng thành phố (MetroNet) phục vụ việc trao đổi thông tin trong vận hành, liên thông hệ thống thông tin chỉ đạo điều hành các cấp.
 
Chuyển mình, tăng tốc 
Bên cạnh những kết quả quan trọng về cải cách hành chính thành phố đã đạt được, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ rõ một số hạn chế để chính quyền thành phố tập trung tháo gỡ, giải quyết như ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 vẫn chưa đạt so với yêu cầu của Trung ương, công tác cải cách bộ máy hành chính còn thấp.
 
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện nhân cho rằng, cả thành phố muốn chuyển động thì các quận, huyện phải chuyển mình, tăng tốc độ. Từ nay đến cuối năm 2019, phải tách sự đánh giá hài lòng của người dân còn thấp ở lĩnh vực xây dựng, đất đai, đầu tư kinh tế để có giám sát, thực hiện tốt hơn; rà soát và nâng chỉ tiêu triển khai hơn 40% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4; đồng thời ứng dụng mạnh mẽ hơn mô hình “Bình Thạnh trực tuyến”, “Hóc Môn trực tuyến”. Các sở ngành, địa phương còn lại cũng phải tăng tốc.

Ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố xác định đột phá trong cải cách hành chính năm 2019 là phải thực hiện “triệt để, đồng bộ, sâu sắc và tăng tốc”, “chạm đến trái tim của công chức và có các hành động tạo thuận lợi cho người dân”, lấy sự hài lòng của người dân là thước đo cho hiệu quả của công tác cải cách hành chính với mục tiêu cao nhất là phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp.

Vì vậy, những tháng còn lại của năm 2019, thành phố triển khai những việc làm cụ thể như tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, đánh giá hài lòng việc giải quyết thủ tục hành chính tại 3 cấp (thành phố, quận huyện, phường xã thị trấn) theo yêu cầu, gửi nhận văn bản điện tử, thực hiện hiệu quả mô hình “Phòng họp không giấy”, “Ứng dụng giao việc tức thời và nhắc việc thông minh”. Thành phố triển khai đúng tiến độ về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 - 2021, thực hiện đề án xác định vị trí việc làm và thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương.
 
Để tăng tốc hơn nữa trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính cũng đã yêu cầu các đơn vị triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, để trở thành khâu đột phá trong nhiệm vụ của bộ máy chính quyền các cấp.

Theo đó, các đơn vị bám sát các đề án lớn thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù, các đề án được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua. Sở Tài nguyên và Môi trường phấn đấu giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn xuống còn 0,1%, đồng thời công bố các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai xuống tận cấp phường xã. Thành phố cũng sẽ tập trung triển khai đề án đô thị thông minh, Khu sáng tạo phía Đông, thống nhất ứng dụng công nghệ thông tin từ thành phố đến phường, xã, thị trấn theo kiến trúc chính quyền điện tử thành phố.
   
Tinh thần chung của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến người dân. Cải cách hành chính phải đi vào chiều sâu, phục vụ tốt nhất đời sống sinh hoạt của nhân dân và sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, lấy sự hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả trong cải cách hành chính, xem đây là một điểm nhấn quan trọng trong cải cách hành chính./. (Còn tiếp)
               Trần Xuân Tình
             Bài 2: Đơn giản hóa thủ tục
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm