Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện hai bài viết chủ đề "Chung tay phát triển văn hóa đọc".
Bài 1: Lớn lên cùng trang sách
Theo các chuyên gia về giáo dục, nếu có thói quen đọc sách, làm bạn với những trang sách bổ ích, lý thú, học sinh các lứa tuổi trong trường phổ thông sẽ phát triển tốt hơn về sự hiểu biết, vốn sống, cách ứng xử, chia sẻ với mọi người, khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ nói và viết của các em cũng được trau dồi đáng kể.
Người bạn thân thiết
Nhiều học sinh hiện nay từ Tiểu học đến Trung học Phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có những cảm nhận, phản hồi tích cực từ sau khi được đọc những cuốn sách mà các em cảm thấy bổ ích, gần gũi và thân thiết như một người bạn thực sự.
Các em học sinh Trường tiểu học Đông A (tỉnh Tây Ninh) đọc sách tại Thư viện thân thiện. Ảnh: Thanh Tân-TTXVN |
Em Nguyễn Hà Nguyễn, học sinh lớp 9, Trường Trung học Cơ sở An Nhơn, quận Gò Vấp chia sẻ: Đọc sách đã phần nào giúp em và các bạn trong lớp cải thiện về ý thức, kỹ năng sống... Điểm số các môn học cũng tăng lên, kỹ năng viết văn tiến bộ hơn. Nhiều người bạn ở lớp của Hà Nguyễn sau khi đến với sách đã trở nên vui vẻ, hòa đồng, cởi mở hơn với bạn bè.
Em Lê Nguyễn Vân Anh, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh (Quận 10) tâm sự: em sinh ra trong một gia đình được cha mẹ yêu thương, cưng chiều. Do vậy, khi thầy cô hay người thân, bạn bè góp ý về những khuyết điểm, em cảm thấy không vui vì cho rằng mọi người không hiểu em.
Sau đó, khi được cô giáo cho mượn quyển sách “Hạt giống tâm hồn 1- Cho lòng dũng cảm và tình yêu cuộc sống”, em đã say sưa đọc và hiểu thêm nhiều điều. Đặc biệt, sau khi đọc câu chuyện về một bạn học sinh khuyết tật được đề cập trong cuốn sách, Vân Anh đã nhận thấy mình quá may mắn. Giờ đây khi làm sai điều gì, Vân Anh đã biết nhận lỗi và sửa chữa, thay đổi bản thân. Vân Anh nhận thấy, sách như một người thầy, người bạn thật sự thân thiết đối với mình.
Em Cao Thanh Hiếu, học sinh lớp 9, Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Du, quận Gò Vấp là một trong những công dân trẻ tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2018. Em đã có nhiều ý kiến thiết thực, bày tỏ mong muốn tới các cơ quan chức năng của thành phố về các giải pháp góp phần tuyên truyền bảo vệ môi trường, nhân rộng mô hình thư viện thông minh tới các quận, huyện...
Theo Thanh Hiếu, chính nhờ việc thường xuyên đọc sách, Hiếu đã có kiến thức để kết quả học tập tốt hơn, nói năng lưu loát, mạnh dạn giao tiếp, phân biệt được những điều đúng, sai, phải, trái. Trung bình mỗi tháng, em đọc khoảng 2-3 quyển sách.
Nguyễn Phương Anh, học sinh lớp 10, Trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn (Quận 10) tâm sự, em là một người không may mắn, có khiếm khuyết về cơ thể. Trước kia, em rất tự ti. Thế nhưng, cho đến khi được đọc cuốn sách “Vượt lên chính mình”, em đã nhận thấy nhân vật được đề cập trong sách là một người có nghị lực, đã vượt qua bệnh tật một cách dũng cảm.
Từ đó, Phương Anh đã rút ra bài học cho bản thân: “Nếu không có sách có lẽ giờ đây tôi đang chìm đắm trong tuyệt vọng. Tôi có thể không hoàn hảo về thể chất, tôi sẽ đọc sách để mình hoàn hảo ở tâm hồn, tư duy...” - Phương Anh viết.
Phụ huynh không nên “truyền lệnh”
Đề cập về sự cần thiết của việc tạo dựng, gợi mở niềm say mê đọc sách cho trẻ em, nhà giáo Lâm Minh Trang, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Văn Trỗi, quận Gò Vấp bày tỏ quan điểm: Hãy để trẻ lớn lên cùng trang sách thay vì ép trẻ đi cùng "sách lớn”.
Các bậc phụ huynh chỉ nên định hướng, gợi mở một cách nhẹ nhàng để các con tự nguyện đến với việc đọc sách chứ đừng “ấn” ngay vào tay con quyển sách và “truyền lệnh”: Đọc đi, vì như thế sẽ không đạt hiệu quả.
Cùng quan điểm phụ huynh chỉ nên gợi mở nhẹ nhàng, không nên “ép” các con đọc quyển sách mà chúng không thích vì sẽ khiến trẻ thấy đọc sách như một cực hình, Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho rằng: Các bậc cha mẹ chỉ nên ngăn ngừa con tiếp xúc với những cuốn sách không lành mạnh, còn chọn đọc quyển sách nào hãy để tùy các con chọn theo sở thích. Lớn lên thay đổi nhận thức qua từng cấp độ, các con sẽ tự điều chỉnh cách chọn và đọc sách của mình. Khi đã say mê một cuốn sách, những điều hay lẽ phải chứa đựng kín đáo trong những trang văn sẽ ngấm vào tâm hồn các con một cách vô hình nhất nhưng cũng vững chắc nhất. Lúc đó, tình cảm sẽ chuyển hóa thành nhận thức một cách tự nhiên.
Theo Nhà văn, được đến nhà sách, tung tăng giữa các dãy kệ đầy sách, say sưa ngắm từng cái bìa sách, hân hoan xem từng trích đoạn trong trang sách, trẻ sẽ cảm nhận được sự “mời gọi” của chữ nghĩa, sẽ như được hít thở bầu khí quyển văn chương trong lành. Vì thế, đi mua sách không còn là chuyện đi mua một món hàng nữa mà sẽ là tham gia vào cuộc phiêu lưu kỳ thú của tâm hồn.../. (còn tiếp)
Thanh Trà
Bài 2: Nhiều động thái tích cực
Bài 2: Nhiều động thái tích cực
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN