Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa thủ đô

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa thủ đô
Phố đi bộ Hồ Gươm thu hút đông đảo khách du lịch. Ảnh: TTXVN
Phố đi bộ Hồ Gươm thu hút đông đảo khách du lịch. Ảnh: TTXVN

Hà Nội có tới 5.900 di tích và hơn 1.700 di sản văn hóa phi vật thể, có thể khai thác để phát triển du lịch văn hóa. Ngành du lịch Hà Nội xác định du lịch văn hóa chính là thế mạnh để xây dựng sản phẩm phục vụ khách du lịch. Trong đó, khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm, phố cổ Hà Nội, làng cổ Đường Lâm… là những địa chỉ không thể bỏ qua khi du khách đến Hà Nội. Nhiều tour du lịch được xây dựng trên nền tảng khai thác các di sản của Hà Nội. Bên cạnh đó, các di sản văn hóa phi vật thể gắn liền với nghệ thuật biểu diễn như rối nước, ca trù, cải lương, chèo, chầu văn… đã quen thuộc với người dân Hà Nội và khách du lịch. Nhà hát rối nước Thăng Long với 365 ngày sáng đèn sân khấu là một minh chứng về sự thành công trong kinh doanh nghệ thuật. Tại Hà Nội, nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn quy mô lớn nhỏ thường xuyên được tổ chức, thu hút sự tham dự của đông đảo khán giả. Hệ thống rạp chiếu phim ở Thủ đô có sự tham gia của cả nhà nước và tư nhân là cơ sở để phát triển công nghiệp điện ảnh…

Tuy nhiên, hoạt động khai thác văn hóa tạo ra nguồn lợi kinh tế ở Hà Nội còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa đồng bộ. Dù hệ thống di tích nhiều nhưng ngành du lịch mới khai thác ở một số điểm đến tiêu biểu, số lượng rạp chiếu phim phong phú nhưng chỉ một vài rạp tập trung đông khách, trong số di sản văn hóa phi vật thể mới chỉ có rối nước là hút người xem. Hệ thống nhà hát tuy nhiều nhưng đa phần đều vắng khách, hoạt động khó khăn. Lĩnh vực mỹ thuật, triển lãm, nhiếp ảnh, kiến trúc… hoạt động kinh tế chưa rõ nét. Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa được kỳ vọng sẽ giảm bớt những tồn tại, tạo điều kiện cho các lĩnh vực này phát triển.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, ngành công nghiệp văn hóa sẽ tăng dần doanh thu qua từng năm, tạo nhiều việc làm, nâng cao năng lực hưởng thụ văn hóa cho nhân dân Thủ đô. Ngành điện ảnh phấn đấu sản xuất được từ 3 – 5 phim truyện nhựa mỗi năm; từ 4 – 6 phim cho mỗi loại phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình; đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa các rạp chiếu phim để có từ 0,8 – 1,2 triệu lượt người xem phim mỗi năm. Ngành nghệ thuật biểu diễn đạt khoảng 5 triệu USD, trong đó nghệ thuật truyền thống phấn đấu mỗi năm dàn dựng và biểu diễn từ 15 – 20 vở mới cho các loại hình chèo, cải lương, kịch nói và các loại hình nghệ thuật đương đại. Đối với nghệ thuật chuyên nghiệp phấn đấu mỗi năm có từ 3.500 – 4.000 buổi biểu diễn. Ngành du lịch văn hóa chiếm từ 10 – 15% trong tổng doanh thu từ du lịch. Hà Nội cũng tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, tiềm năng gồm: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, thời trang, du lịch văn hóa. Đồng thời, thành phố định hướng và từng bước phát triển các ngành: Kiến trúc, thiết kế, xuất bản, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội.

Trong điều kiện hoạt động công nghiệp văn hóa ở Hà Nội còn nhỏ lẻ, việc đạt được mục tiêu trên sẽ là nan giải, đòi hỏi các đơn vị, tổ chức phải thực sự cố gắng. Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Hà Nội cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa, trong đó cần xác định rõ các doanh nghiệp chính là đối tượng trung tâm của ngành công nghiệp này, từ đó xây dựng cơ chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi nhất cho ngành công nghiệp văn hóa.

Các chuyên gia văn hóa cho rằng, ngoài việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thành phố cần hoàn thiện các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực văn hóa. Nguồn nhân lực cũng là yếu tố quyết định hiệu quả phát triển công nghiệp văn hóa. Vì vậy, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyên gia, văn nghệ sĩ chất lượng cao cũng cần được quan tâm.

Ông Nguyễn Văn Trực, Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, ngành Văn hóa Thủ đô đang tích cực triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa. Ngành sẽ phối hợp với các ban, ngành chức năng trong triển khai các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.
Đinh Thuận
TTXVN

Có thể bạn quan tâm