Tánh Linh là huyện miền núi của tỉnh Bình Thuận, đồng bào các dân tộc sống chủ yếu bằng nghề nông với tổng diện tích đất trồng lúa hơn 11.000 ha.
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại xã Huy Khiêm (huyện Tánh Linh, Bình Thuận) |
Để nâng cao chất lượng và trá trị sản xuất nông nghiệp tại địa phương, trong giai đoạn 2011-2015, Tánh Linh đã triển khai xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo mô hình cánh đồng lớn tại 27 khu vực đồng lúa của 10 xã, thị trấn trên địa bàn với tổng diện tích lên đến 3.000 ha.
Thi công kênh dẫn nước phục vụ sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn trên địa bàn huyện Tánh Linh (Bình Thuận) |
Kênh dẫn nước phục vụ canh tác lúa tại xã Đồng Kho (Tánh Linh, Bình Thuận) |
Theo ông Võ Văn Ty, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tánh Linh, để hình thành vùng lúa chất lượng cao như hôm nay, hàng năm, huyện đều đặn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất cho bà con nông dân; đầu tư gần 32 tỷ đồng xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất lúa như kênh mương thủy lợi, giao thông nội đồng để đảm bảo nguồn nước tưới, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, vận chuyển vật tư, sản phẩm sau khi thu hoạch.
Đóng gói sản phẩm lúa hữu cơ chất lượng cao tại hộ gia đình ông Nguyễn Anh Đức, thành viên HTX nông nghiệp Đức Bình (xã Đức Bình, Tánh Linh, Bình Thuận) |
Qua hai năm thực hiện, Tánh Linh đã liên kết với các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng cánh đồng lớn trên diện tích canh tác 850 ha, giúp thu nhập của nông dân trong vùng tăng từ 2-3 triệu đồng/ha/vụ.
Nhà máy xay xát lúa tại xã Huy Khiêm (Tánh Linh, Bình Thuận) |
Ngoài hiệu quả kinh tế, góp phần cải thiện và nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc, chương trình sản xuất lúa chất lượng cao giúp bà con nông dân thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất nhỏ lẻ chuyển sang sản xuất theo mô hình tập trung, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất lúa như: thâm canh lúa theo quy trình canh tác lúa cải tiến SRI, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ để tạo ra sản phẩm lúa gạo sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Qua đó, từng bước củng cố và phát triển các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp làm đầu mối liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.
Ông Nguyễn Văn Thành (giữa), thành viên HTX nông nghiệp Hưng Thịnh Tánh Linh cùng cán bộ nông nghiệp huyện Tánh Linh (Bình Thuận) trao đổi về kỹ thuật trồng lúa chất lượng cao |
Giống lúa OM 4900 do viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long cung cấp được trồng trên cánh đồng lớn Tánh Linh (Bình Thuận |
Ông Nguyễn Văn Thành, thành viên HTX Hưng Thịnh Tánh Linh (thị trấn Lạc Tánh, Tánh Linh, Bình Thuận) cho biết: Từ khi tham gia mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ chất lượng cao vào giữa năm 2018, những người trồng lúa như gia đình ông giảm được chi phí đầu tư nhờ đồng lúa ít sâu bệnh. Qua đó, nâng cao chất lượng cây lúa và sản phẩm lúa gạo, thu nhập tăng và ổn định hơn nhiều so với phương thức canh tác sử dụng phân hóa học như trước đây.
Cánh đồng lúa hữu cơ của gia đình ông Nguyễn Văn Thành, thành viên HTX nông nghiệp Hưng Thịnh Tánh Linh (thị trấn Lạc Tánh, Tánh Linh, Bình Thuận) |
Thu hoạch lúa tại thị trấn Lạc Tánh (Tánh Linh, Bình Thuận) |
Chương trình sản xuất lúa sạch chất lượng cao của huyện Tánh Linh (Bình Thuận đã từng bước thiết lập được mối liên kết “bốn nhà”, gây dựng được niềm tin cho nhà nông. Từ đó, bà con nông dân mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hạn chế sử dụng hóa chất trong canh tác, giúp cải tạo đồng đất theo hướng sản xuất ổn định, bền vững; tạo ra sản phẩm gạo hữu cơ sạch, vừa mang lại lợi nhuận cao cho nông dân, vừa góp phần tạo dựng và khẳng định thương hiệu gạo của huyện vùng cao Tánh Linh (Bình Thuận).
Bài & ảnh: Phúc Thanh (DT&MN/TTXVN)
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN