Cần Thơ có thêm 18 sản phẩm OCOP

Thành viên Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP xem xét các sản phẩm. Ảnh: Thu Hiền - TTXVN
Thành viên Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP xem xét các sản phẩm. Ảnh: Thu Hiền - TTXVN

Sáng 14/10, Hội đồng đánh giá và xếp hạng Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thành phố Cần Thơ tổ chức hội nghị đánh giá và xếp hạng lần 2 cho 18 sản phẩm OCOP của 12 chủ thể trên địa bàn quận Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh và Cờ Đỏ.

Cần Thơ có thêm 18 sản phẩm OCOP ảnh 1 Thành viên Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP xem xét các sản phẩm. Ảnh: Thu Hiền - TTXVN

Hội nghị đánh giá, bình chọn các sản phẩm có thể tham gia đánh giá, xếp hạng cấp trung ương, báo cáo kết quả đến UBND thành phố Cần Thơ phân hạng sản phẩm và hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương để phát triển kinh tế.

Theo đó, 18 sản phẩm của các địa phương được đề xuất tham gia đề nghị đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP gồm 6 sản phẩm của quận Thốt Nốt ; 7 sản phẩm của huyện Cờ Đỏ và 5 sản phẩm của huyện Vĩnh Thạnh.

Cần Thơ có thêm 18 sản phẩm OCOP ảnh 2Thành viên Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP xem xét các sản phẩm đan từ lục bình của chị Sơn Thị Lang (phải) - Giám đốc HTX Làng nghề Cờ Đỏ. Ảnh: Thu Hiền - TTXVN

Tại hội nghị, các đại biểu đã trực tiếp tham gia đánh giá sản phẩm; thảo luận kết quả và chấm điểm, xếp hạng sản phẩm và có chung nhận xét các sản phẩm đều được chú trọng đầu tư chất lượng, mẫu mã, nhãn hiệu. Kết quả, có 8 sản phẩm được xếp hạng 4 sao 10 các sản phẩm còn lại xếp hạng 3 sao. Đáng chú ý, sản phẩm Đông trùng hạ thảo sấy khô thăng hoa của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đông trùng hạ thảo Cờ Đỏ Huấn Xoa đạt điểm cao nhất với 80 điểm.

Với kết quả xếp hạng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè chúc mừng các chủ thể của các sản phẩm OCOP trên địa bàn quận Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ.

Cần Thơ có thêm 18 sản phẩm OCOP ảnh 3Thành viên Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP xem xét các sản phẩm. Ảnh: Thu Hiền - TTXVN

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Chương trình sản phẩm OCOP là chương trình kinh tế nông thôn nên mỗi sản phẩm OCOP mang ý nghĩa tri thức, nét văn hóa, đặc trưng truyền thống vùng miền, sáng tạo của chủ sản phẩm.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ mong muốn các chủ sản phẩm OCOP tiếp nhận các ý kiến của thành viên Hội đồng để về nghiên cứu, cải tiến sản phẩm tốt hơn (mẫu mã, chất lượng,...); tiếp tục phát huy nội lực, gia tăng giá trị sản phẩm; giữ vững và phát huy lợi thế thương hiệu đã tạo ra; tạo ra sản phẩm tận dụng được lợi thế của địa phương, đồng thời phát huy văn hóa tri thức, sáng tạo cho sản phẩm địa phương thêm độc đáo; đảm bảo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm; gắn sản phẩm với chuỗi giá trị để sản phẩm bền vững,...

Bên cạnh đó, các chủ thể làm sản phẩm OCOP nên trình bày, đề xuất nguyện vọng để, xã, huyện, thành phố kịp thời hỗ trợ làm sản phẩm thuận lợi.

Cần Thơ có thêm 18 sản phẩm OCOP ảnh 4Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Thu Hiền - TTXVN

Khi được chứng nhận, xếp hạng, các sản phẩm OCOP được nhiều người biết đến, bán được sẽ góp phần giải quyết được việc làm cho lao động địa phương. Vì thế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đề nghị Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông và các huyện đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm địa phương ngày càng tốt hơn; quan tâm xây dựng, thúc đẩy các vùng nguyên liệu xây dựng nguồn nguyên liệu để phát triển sản phẩm và tìm thị trường tiêu thụ; hỗ trợ các chủ thể tiếp cận các chính sách phát triển sản phẩm OCOP (chính sách tín dụng, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ,...).

Đến nay, Cần Thơ có 92 sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó, 58 sản phẩm được công nhận 4 sao và 34 sản phẩm được công nhận 3 sao, quận Ninh Kiều và Thốt Nốt là hai địa phương có nhiều sản phẩm OCOP được công nhận, xếp hạng.

Thu Hiền

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm