UBND thành phố Cần Thơ vừa ban hành quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, xếp hạng 15 sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thành phố Cần Thơ năm 2022. Với 15 sản phẩm OCOP của 7 chủ thể đều được UBND thành phố xếp hạng 4 sao đã nâng tổng số sản phẩm OCOP của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hộ dân và hợp tác xã được đánh giá, xếp hạng trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến nay là 56 sản phẩm, gồm: 40 sản phẩm 4 sao và 16 sản phẩm 3 sao.
Đây là lần đầu tiên tất cả sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng đạt 4 sao. Cụ thể, chả lụa Kim Ngân, chả chiên Kim Ngân giò thủ Kim Ngân của hộ kinh doanh Kim Ngân (huyện Vĩnh Thạnh); sợi sấy thăng hoa Đông trùng hạ thảo Agrimush của Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Giọt Phù Sa và sầu riêng Tân Thới (huyện Phong Điền); giá sạch Hồng Nhung của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hồng Nhung và nước mắm cá sặc Tư Hon của hộ kinh doanh Trần Văn Hoan (quận Ô Môn).
Riêng quận Ninh Kiều có 8 sản phẩm gồm: trà hòa tan Đinh lăng Hygie, trà hòa tan Gừng Mật ong Hygie, trà hòa tan Gừng Chanh Sả, trà hòa tan Diếp cá Hygie, trà hòa tan Rau om tía của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hygie&Panacee; nước mãng cầu gai, nước xoài, nước thanh long ruột đỏ của Công ty trách nhiệm hữu hạn chế biến Trái cây Năm Hiếu.
Theo ông Lê Văn Tính, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Cần Thơ, việc phát triển các sản phẩm OCOP góp phần thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí "Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất", tác động trực tiếp đến các tiêu chí then chốt trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố như: thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm, tổ chức sản xuất..., nên được thành phố đặc biệt quan tâm.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, thành phố Cần Thơ đánh giá và xếp hạng cho 15 sản phẩm OCOP. Kết quả này nâng tổng số sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng toàn thành phố lên 56 sản phẩm. Hiện nay, quận Ninh Kiều và Thốt Nốt là hai địa phương có nhiều sản phẩm OCOP được công nhận, xếp hạng sao.
Ông Lê Văn Tính cũng cho biết, trong 170 sản phẩm OCOP tiềm năng của thành phố Cần Thơ điều tra trước đây, càng ngày các sản phẩm được các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã đầu tư, hoàn thiện mẫu mã, chất lượng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Theo tìm hiểu, các doanh nghiệp, cá thể cho biết, khi sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 - 4 sao giúp doanh thu tăng lên khoảng 25%, lợi nhuận của từng sản phẩm gần 80%.
Thời gian qua, nhằm hỗ trợ các sản phẩm đặc trưng, đặc thù địa phương, Sở Công Thương thành phố Cần Thơ đã phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các sự kiện, chương trình xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp xuất khẩu trong nước và các sàn thương mại điện tử nước ngoài, tạo cơ hội cho các chủ thể OCOP quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Theo đó, hiện đã đưa được 56 sản phẩm OCOP của thành phố tham gia các sàn lazada, tiki, shopee, voso, postmart.
Nhằm phát huy vai trò của Chương trình OCOP trong việc hỗ trợ, thúc đẩy việc hoàn thiện các tiêu chí về nông thôn mới, Văn phòng điều phối nông thôn mới Cần Thơ đang phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn các chủ thể chuẩn bị hồ sơ thủ tục để đánh giá và xếp hạng thêm 53 sản phẩm tiềm năng trong 6 tháng cuối năm 2022; đồng thời, trình Trung ương công nhận sản phẩm OCOP đạt 5 sao (sản phẩm khô cá tra một nắng).
Thu Hiền