Với 1.649 sản phẩm OCOP, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Nhằm thúc đẩy quảng bá thương hiệu OCOP, từ đầu năm tới nay, Hà Nội đã tăng cường tham gia các sự kiện, hội chợ, hội thảo, tuần hàng quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP…
Với 1.649 sản phẩm OCOP, bao gồm 4 sản phẩm 5 sao, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó ngành thực phẩm là 1.071 sản phẩm, ngành đồ uống 35 sản phẩm, ngành thảo dược 17 sản phẩm, ngành thủ công mỹ nghệ 492 sản phẩm, ngành vải và may mặc 34 sản phẩm.
Nhằm thúc đẩy quảng bá thương hiệu OCOP Hà Nội, tháng 3/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội chợ giống, vật tư, thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, OCOP, sản phẩm làng nghề và sinh vật cảnh thành phố Hà Nội năm 2022. Sự kiện quy tụ 100 gian hàng của các chủ thể đến từ 20 tỉnh, thành phố trên cả nước với hàng nghìn sản phẩm OCOP phân hạng từ 3 sao trở lên.
Cuối tháng 4, đầu tháng 5/2022, Hà Nội tham gia chương trình Hội chợ “Diễn đàn sản phẩm OCOP Đồng Tháp và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 chủ đề Liên kết cùng phát triển”. Trong 06 ngày diễn ra Hội chợ, khu gian hàng chung của Hà Nội đã thu hút trên 10 nghìn lượt khách đến tham quan, trao đổi giao thương và mua sắm.
Cuối tháng 5/2022, Hà Nội tham gia Chương trình “Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La”. Trong 05 ngày diễn ra Festival, khu gian hàng chung của Hà Nội thu hút trên 20 nghìn lượt khách đến tham quan, trao đổi giao thương và mua sắm. Theo đánh giá, nhận xét của Ban tổ chức Festival, khách hàng đặc biệt quan tâm đến các sản phẩm nông nghiệp và đồ thủ công mỹ nghệ quà tặng của Hà Nội và rất ấn tượng về cách bố trí, trưng bày sản phẩm tại gian hàng chung của thành phố.
Tính đến nay, Hà Nội đã có 55 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, tạo điều kiện đưa các sản phẩm OCOP đến với người dân nhận diện và tiêu thụ sản phẩm. Đánh giá về kết quả thực hiện Chương trình OCOP, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho rằng, có 3 yếu tố chính góp phần tạo nên thành công bước đầu của chương trình, trong đó trọng tâm là công tác thông tin, tuyên truyền được thành phố tổ chức sâu rộng, từ đó tạo sức lan tỏa, giúp chính quyền các cấp và mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các chủ thể hiểu được ý nghĩa của Chương trình OCOP và tích cực tham gia hưởng ứng.
Quá trình triển khai Chương trình OCOP thời gian qua cho thấy, các địa phương rất tích cực trong việc nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm. Các chủ thể cũng đã ý thức được tầm quan trọng của việc tham gia chương trình đánh giá sản phẩm cấp quốc gia này. Đây được xem là tiền đề rất quan trọng để Hà Nội tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025.
Bài và ảnh: Thu Giang