Phú Thọ phát triển và nâng tầm chất lượng sản phẩm OCOP

Khách hàng tham quan, lựa chọn sản phẩm tại các gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN
Khách hàng tham quan, lựa chọn sản phẩm tại các gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay tỉnh Phú Thọ có 78 sản phẩm, nhóm sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó có 30 sản phẩm hạng bốn sao, 48 sản phẩm hạng ba sao. Thành công bước đầu trong kế hoạch phát triển và nâng cao hiệu quả mỗi xã một sản phẩm đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng, Phú Thọ nói chung.

Nâng tầm sản phẩm OCOP

Chương trình OCOP đã tạo làn gió mới cho khu vực kinh tế nông thôn, tạo đà thúc đẩy và nâng cao năng lực của các chủ thể, nhất là khu vực làng nghề, các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Phú Thọ. Nhiều vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm được hình thành. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn, là giải pháp để thực hiện nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới.

Phú Thọ phát triển và nâng tầm chất lượng sản phẩm OCOP ảnh 1Khách hàng tham quan, lựa chọn sản phẩm tại các gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, chương OCOP phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương. Thông qua thực hiện chương trình, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, là giải pháp quan trọng thực hiện xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu. Do vậy, tỉnh đang tập trung nâng cao chất lượng, phát triển sản phẩm OCOP trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Bên cạnh việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp để trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm... nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, nhất là thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp.

Theo đó, tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP năm 2021 và những năm tiếp theo, đồng thời, giao các huyện, thành, thị xã rà soát thực trạng sản phẩm hiện có tại các địa phương, dự kiến sản phẩm đặc sản truyền thống, sản phẩm đặc trưng có lợi thế thực hiện Chương trình OCOP; thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm theo đúng quy định…

Theo ông Trần Tú Anh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, Phú Thọ là tỉnh có nhiều cây, con, sản phẩm nông, lâm, thủy sản phong phú, mang tính đặc trưng, đặc sản với nhiều lợi thế để triển khai Chương trình OCOP mang bản sắc riêng. Tiêu biểu như bưởi Đoan Hùng, chè xanh, chuối phấn vàng, hồng không hạt Hạc Trì, hồng không hạt Gia Thanh, gạo nếp Gà Gáy Mỹ Lung, khoai tầng vàng, cá sông Đà, gà nhiều cựa...

Để tạo chỗ đứng, nâng tầm cho sản phẩm OCOP, ngành nông nghiệp tỉnh đã liên kết với các hoạt động tour, tuyến du lịch, lễ hội… nhằm tuyên truyền, quảng bá, thúc đẩy phát triển Chương trình OCOP cũng như nông sản nói chung của tỉnh; tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội liên kết vùng, hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp.

Cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương cũng nhanh chóng bắt tay vào xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa lớn, có giá trị kinh tế cao; từ kinh tế hộ đơn lẻ sang mô hình hợp tác xã, liên kết, liên doanh theo chuỗi giá trị ngành hàng.

Đặc biệt là sự thay đổi từ sản xuất theo kinh nghiệm mang nặng tính truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; từ năng suất lao động thấp sang áp dụng hàm lượng khoa học - công nghệ cao; từ coi trọng về số lượng sang coi trọng chất lượng, giá trị, lợi nhuận, gắn với an toàn thực phẩm của sản phẩm nông sản... nhằm từng bước xây dựng sản phẩm OCOP Phú Thọ thành thương hiệu, lợi thế có khả năng cạnh tranh trên thị trường đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội tiêu và từng bước hướng tới xuất khẩu…

Tạo bước đột phá cho ngành du lịch “cất cánh”

Với lợi thế nhiều danh lam, thắng cảnh và tiềm năng về du lịch cộng đồng, tỉnh Phú Thọ đã và đang tập trung thực hiện Chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch.

Các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa thiết thực, bổ sung không gian trải nghiệm của du khách mỗi khi về với đất Tổ; góp phần tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, ẩm thực, du lịch, vùng đất Tổ Vua Hùng, con người và các sản phẩm của Phú Thọ đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước; góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc từ thời kỳ Hùng Vương dựng nước, từ đó thúc đẩy du lịch Phú Thọ và ngành kinh tế nông nghiệp phát triển...

Phú Thọ phát triển và nâng tầm chất lượng sản phẩm OCOP ảnh 2Các gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ phối hợp tổ chức Tuần lễ quảng bá, giới thiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch tỉnh Phú Thọ năm 2022. Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa dịp Giỗ tổ Hùng Vương năm 2022.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ cho biết, khu quảng bá thu hút gần 90 gian hàng của 12 tỉnh tham gia; trong đó có 53 gian hàng là các sản phẩm đặc trưng của các đơn vị trong tỉnh, 32 gian hàng của các đơn vị ngoài tỉnh với hơn 1.000 sản phẩm nông sản; trong đó có hơn 600 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên.

Trong dịp này, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức Hội nghị xúc tiến giới thiệu điểm tham quan mua sắm sản phẩm OCOP, kết nối xây dựng tour du lịch trải nghiệm “Về miền Đất Tổ”. Đây là hoạt động có ý nghĩa góp phần hình thành điểm tham quan, mua sắm phục vụ nhân dân và du khách về với vùng Đất Tổ, góp phần đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ du lịch, tăng mức chi tiêu của du khách khi đến Phú Thọ. Từ đó, liên kết phát triển du lịch vùng miền, mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội du lịch cho các hãng lữ hành trong tình hình hiện nay.

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Phú Thọ, thời gian qua, du lịch Phú Thọ không ngừng triển khai các kế hoạch quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp (OCOP) thông qua nhiều hoạt động quảng bá du lịch online, quảng bá trên nền tảng công nghệ. Các sản phẩm tiếp cận gần hơn với thị trường và du khách, từ đó, đem đến sự hài lòng về chất lượng dịch vụ dành cho khách du lịch đến với Phú Thọ trong thời gian sắp tới.

Theo lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn Phú Thọ, mục tiêu của Chương trình OCOP không chỉ là tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, mà còn khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của địa phương. Quan trọng là khi các sản phẩm của mỗi làng, mỗi xã được “đóng dấu” OCOP phải là những sản phẩm rất đáng tự hào, là một “sứ giả” mang nét đặc trưng riêng của con người, vùng đất Phú Thọ.

Những năm gần đây, nông nghiệp tỉnh Phú Thọ đã có bước chuyển biến mạnh từ lượng sang chất, hình thành các vùng sản xuất tập trung, mang tính hàng hóa.

Đến nay, toàn tỉnh có 90 vùng trồng lúa chất lượng cao với tổng diện tích 8,7 nghìn ha; 159 vùng sản xuất chè xanh với tổng diện tích 2,45 nghìn ha; 147 vùng sản xuất bưởi với tổng diện tích 720 ha; 34 vùng rau với tổng diện tích 375 ha; hàng chục doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi lợn quy mô lớn và trên 800 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại; 75 làng nghề, nhiều nghề truyền thống và trên 500 hợp tác xã… Đây là những lợi thế để Phú Thọ tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP trong những năm tiếp theo.

Toàn Đức

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm