Cà Mau nâng “chất” cho các sản phẩm OCOP

Cà Mau nâng “chất” cho các sản phẩm OCOP

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, qua kết quả khảo sát thực trạng sản phẩm và chủ thể tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2020, trên địa bàn tỉnh hiện có 25 chủ thể với 33 sản phẩm dự kiến tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện.

Cà Mau nâng “chất” cho các sản phẩm OCOP ảnh 1Ông Mai Lam Phương với mô hình "thanh long ôm gốc mắm" giúp nâng cao thu nhập, tăng diện tích rừng ngập mặn, cải thiện môi trường sinh thái ở địa phương. Ảnh: Huỳnh Anh - TTXVN.

Các sản phẩm được đưa vào chương trình của năm 2020 sẽ là động lực cho sự phát triển lâu dài thời gian tới. Bởi, mục tiêu của đề án đặt ra, đến cuối năm 2020 tỉnh phải tiêu chuẩn hoá ít nhất 25 sản phẩm, dịch vụ hiện có; công nhận, chứng nhận ít nhất 10 sản phẩm đạt 3-4 sao, phát triển, nâng cấp ít nhất 22 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030 sẽ góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo tư duy mới, góp phần quan trọng phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm sẽ tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn và nông dân, dần thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hình thành các liên kết sản xuất, mở rộng quy mô và xây dựng các hệ thống sản phẩm chủ lực của địa phương. Kinh tế hộ nông thôn sẽ chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Đây còn là giải pháp hiệu quả để phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện, đồng thời đưa thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.

Để cụ thể hóa mục tiêu trên, đã qua, đơn vị đã tổ chức 11 lớp đào tạo, tập huấn với 364 lượt người tham dự cho cán bộ quản lý thực hiện Chương trình OCOP các cấp và các chủ thể tiềm năng nắm những quy trình, trình tự, thủ tục, hướng dẫn cụ thể các bước triển khai Chương trình OCOP, lập hồ sơ đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Đồng thời, thuê Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ NhoNho thực hiện thí điểm mỗi huyện 1 sản phẩm để làm mẫu cho các địa phương làm cơ sở thực hiện, điển hình như: Hợp tác xã Nông nghiệp và Thủy sản Ông Muộn (xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau); Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất lúa - tôm Trí Lực (xã Trí Lực, huyện Thới Bình); Hợp tác xã bồn bồn Đông Hưng (xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước); Hợp tác xã nuôi cua Tân Hiệp Phát (xã Lâm Hải, huyện Năm Căn)…

Bên cạnh đó, đơn vị thực hiện thí điểm tập trung hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình OCOP theo quy định để tham gia chấm điểm, công nhận sản phẩm OCOP năm 2020; hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện sản phẩm: Ghi nhãn, kiểu dáng bao bì, truy xuất nguồn gốc, câu chuyện sản phẩm, phương án sản xuất kinh doanh, hợp đồng liên kết, xây dựng website... để nâng hạng trong năm 2021; hỗ trợ xúc tiến thương mại, hướng dẫn các thủ tục và trình tự đăng ký tham gia các hội chợ, đưa hàng vào các siêu thị...

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với các địa phương hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm của các chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP, như: hướng dẫn các thủ tục, hồ sơ liên quan; xây dựng mẫu mã bao bì, nhãn mác, bảo vệ môi trường... để sản phẩm đáp ứng các tiêu chí của Trung ương quy định và yêu cầu của thị trường, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.

Nhằm tiêu chuẩn hóa các sản phẩm, dịch vụ hiện có, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh; thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và Tổ Tư vấn giúp việc của Hội đồng tỉnh. Đồng thời chỉ đạo UBND các huyện, thành phố Cà Mau đẩy nhanh tiến độ Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, đề nghị UBND các huyện, thành phố Cà Mau rà soát, chỉ đạo Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện khẩn trương tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định cấp tỉnh, để tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh trong tháng 11.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện thí điểm phát triển sản phẩm trên địa bàn (theo dõi, kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện…) hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm.

Riêng UBND các huyện như: U Minh, Thới Bình và Phú Tân tập trung chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ hướng dẫn chủ thể hoàn thiện hồ sơ, tổ chức thẩm định trước khi trình Hội đồng cấp huyện tổ chức đánh giá; tăng cường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được tư vấn, hướng dẫn quy trình, thủ tục đánh giá sản phẩm theo quy định. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thành phần, nhằm hỗ trợ các chủ thể tiềm năng phát triển sản phẩm, tạo ra sản phẩm OCOP chủ lực của địa phương.

Ông Lê Văn Sử - Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến tất cả cán bộ, đảng viên và người dân hiểu rõ mục đích, yêu cầu của Chương trình OCOP.

“Chương trình OCOP không thể thiếu cho sự thành công của việc tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, Chương trình OCOP phải lựa chọn sản phẩm đặc trưng của từng vùng, từng địa phương đáp ứng yêu cầu trong nước và mục tiêu xuất khẩu”, ông Lê Văn Sử nhấn mạnh.

Huỳnh Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm