Nhờ sự cần cù, chăm chỉ và có hướng đi đúng đắn, nhiều nông dân ở xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên đã biến vùng đất khô cằn, đồi dốc trở thành vùng cây ăn quả "hái" ra tiền, phủ một màu xanh trên đất nông nghiệp kém hiệu quả.
Trong những ngày tháng 8, chúng tôi trở lại xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên được tận mắt chứng kiến nhiều sự đổi thay rõ rệt tại đây, với những vạt đồi trồng lát, những vườn cây ăn quả xanh tốt, phủ một màu xanh biếc mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp bà con các bản nâng cao thu nhập, vươn lên xóa nghèo.
Điển hình như mô hình trồng bưởi, măng lục trúc, thanh long ruột đỏ, mô hình trồng na…. Hiện nhiều diện tích các loại cây ăn quả đã cho thu hoạch, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, giúp các hộ dân trồng tăng thu nhập, ổn định đời sống.
Hiện nay, toàn xã có tổng diện tích trồng na là 120ha, trong đó diện tích đã cho thu hoạch khoảng 40ha, sản lượng đạt khoảng 12 tấn/ha, thu nhập bình quân đạt 250 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, diện tích cây bưởi của toàn xã là 285ha, diện tích cho thu hoạch từ năm thứ 3-5 là 216ha, bình quân cho thu nhập từ 100-150 triệu đồng/ha. Ngoài ra, diện tích cây Thanh Long khoảng 10ha, diện tích cho thu hoạch 6ha, bình quân cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha.
Đang tiến cắt tỉa những trụ thanh long, bà Hoàng Thị Cương, xóm Hợp Nhất, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên dừng tay, tâm sự: Trước đây, chúng tôi từ năm này sang năm khác chỉ gieo trồng một vụ; chi phí giống, phân bón nên thu nhập cả năm không đáng kể.
Chính vì thế, khi địa phương có chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, gia đình tôi đã đầu tư chuyển đổi 1 mẫu đất, gia đình tiến hành trồng trên 1000 cây thanh long ruột đỏ, chăm sóc đúng quy trình, thực hiện khắt khe các bước chăm bón, nhờ vậy toàn bộ sản phẩm thanh long của gia đình đã được thu mua tận vườn.
Hiện nay, thanh long ruột đỏ có giá thành từ 15.000 – 20.000 đồng/kg, tuy nhiên đây là giống cây cho quả thanh long, sau khi trừ các chi phí gia đình tôi cũng lãi từ 30 – 50 triệu đồng/ năm.
Còn đối với gia đình ông Lê Xuân Hải, xóm Cầu Nhọn xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tận dụng địa hình và khí hậu tại địa phương phù hợp với trồng cây na, gia đình ông đã mạnh dạn trồng 700 cây na trên đất đồi.
Ông Hải chia sẻ: So với một số cây trồng khác như ngô, mía, sắn…, cây na mang lại hiệu kinh tế cao hơn gấp 4-5 lần. Để nâng cao giá trị của cây na, nhiều năm trở lại đây chúng tôi đã áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như cắt tỉa cành, tạo tán, sử dụng phân bón có nguồn gốc sinh học.
Quá trình trồng na, chúng tôi thường xuyên nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cán bộ phụ trách nông nghiệp chính quyền địa phương hướng dẫn cách xử lý khi gặp khó khăn, đồng thời cung cấp các kiến thức cũng như cách làm hay để làm sao mô hình đạt hiệu quả tốt nhất, năng suất chất lượng cao.
Đặc biệt là được hướng dẫn cách thụ phấn nhân tạo cho cây na để cây ra quả và thu hoạch theo ý muốn, từ đó tăng năng suất và tạo ra sản phẩm không chỉ có mẫu mã đẹp mà còn có chất lượng thơm ngon, an toàn. Đây cũng là cây trồng đã giúp nhiều hộ gia đình có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Ông Nông Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tràng Xá chia sẻ: Trong những gần đây, nhận thấy hiệu quả từ một số cây ăn quả tương đối cao, cho thu nhập tốt nên xã khuyến khích bà con ở những khu vực có thổ nhưỡng phù hợp phát triển mô hình này. Việc các hộ dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn quả đóng góp rất lớn trong phá triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền để nông dân tập trung chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất an toàn, đảm bảo uy tín với khách hàng và từng bước xây dựng thương hiệu cây ăn quả của xã.
Hoàng Thảo Nguyên