Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An và xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn đang triển khai nhiều giải pháp bảo tồn và phát triển giống lúa tẻ thơm Na Loi, đồng thời xây dựng thương hiệu, gắn sao OCOP vào năm 2022.
Việc khôi phục lại giống lúa đặc sản của địa phương góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây, đồng thời nâng cao nhận thức của người nông dân trong việc phát huy lợi thế để cạnh tranh, tạo ra sản phẩm mang giá trị hàng hóa, xóa đói, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Hàng chục năm nay, giống lúa tẻ thơm được người Thái ở xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn, lưu truyền, gieo trồng trên độ cao trung bình hơn 600 m so với mực nước biển. Giống lúa này thích nghi nhiệt độ trung bình khoảng 20 - 23 độ C và nguồn nước tưới từ các khe núi đá chảy ra rất sạch và mát. Đây là giống lúa có hàm lượng dinh dưỡng cao, dẻo, khi nấu có mùi thơm đặc trưng, vị đậm ngon nên gọi là tẻ thơm (“khẩu cháo hom”).
Lúa tẻ thơm chỉ trồng mỗi năm một vụ. Người dân xã Na Loi gieo mạ vào tháng 6, sau 1 - 1,5 tháng tuổi thì cấy. Cây lúa tẻ thơm sinh trưởng, phát triển nhờ vào nước trời và dưỡng chất tích tụ trong đất, đến tháng 11 thì bắt đầu thu hoạch. Tuy nhiên, giống lúa này lại ít được bà con trồng bởi chất lượng thơm ngon, nhưng năng suất thấp hơn giống lúa truyền thống. Với giống lúa truyền thống, người dân chỉ cần trồng một vụ nhưng ăn được cả năm. Giống lúa tẻ thơm chăm sóc tốt cũng chỉ đạt mức 1 tấn/ha. Mặt khác, do nguồn giống đã có sự thoái hóa trong quá trình canh tác nhiều năm, cùng với việc người dân chưa chú trọng đầu tư, chăm sóc, duy trì bảo tồn giống làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm.
Toàn xã Na Loi hiện có trên 91 ha đất trồng lúa, nhưng chỉ có 2/5 bản của xã Na Loi trồng lúa tẻ thơm với diện tích khoảng 25 - 30 ha. Đặc biệt là loại gạo này có giá bán rất cao, dao động khoảng 25 nghìn - 30 nghìn đồng/kg, tính ra mỗi ha trồng lúa tẻ thơm cho bà con thu nhập vài chục triệu đồng. Là người đầu tiên mang giống lúa này về địa phương gieo trồng, ông Vi Duyên Hồng, bản Na Khướng hiện có hơn 1 ha ruộng, trong đó hơn nửa diện tích được gieo cấy giống lúa tẻ thơm vừa để làm nguồn lương thực cho gia đình vừa để lưu giữ nguồn giống lúa quý truyền thống.
“Bà con ở đây trồng lúa không bón phân, phun thuốc, nhưng lúa vẫn sinh trưởng tốt, chống chịu được các loại sâu bệnh gây hại. Năng suất của lúa tẻ thơm thấp hơn một số giống lúa mới nhưng bù lại, giá bán cao hơn so lúa khác. Bởi vậy, bà con vẫn duy trì sản xuất giống lúa này vừa bảo tồn truyền thống vừa đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương”, ông Vi Duyên Hồng chia sẻ.
Chị Kha Thị Vân, bản Na Khứa, cho biết vụ thu hoạch nào thương lái cũng đến sẵn chân ruộng để chờ mua. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán, gạo tẻ thơm là sản phẩm mà nhiều người đặt hàng mang làm quà biếu tặng.
Nhận thấy giá trị của giống lúa này, xã Na Loi đã cùng với Sở Khoa học và Công nghệ giúp bà con phương pháp xây dựng lúa tẻ thơm thành một sản phẩm đặc trưng, triển khai mô hình cải tạo, khôi phục lại giống lúa tẻ thơm, lựa chọn được giống gốc, làm cơ sở phục vụ cho sản xuất đại trà. Theo bà Pịt Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Na Loi, vì mùi thơm đặc trưng, dẻo và ngon của gạo tẻ thơm, địa phương đang tiến hành xây dựng thương hiệu cho giống lúa này. Để gìn giữ và nâng cao giá trị sản phẩm, chính quyền xã Na Loi đã đẩy mạnh quy hoạch vùng trồng và tăng cường hướng dẫn kỹ thuật cho bà con dân bản, nhằm sản xuất theo hướng đặc sản.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, cán bộ Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An cho hay: “Trước mắt trung tâm thực hiện dự án phục tráng và sản xuất giống lúa tẻ thơm nguyên chủng; thiết lập chu trình sản xuất tối ưu nhất; đồng thời xây dựng thương hiệu, phát triển giống lúa tẻ thơm trở thành đặc sản lúa gạo được sản xuất hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ, góp phần giúp bà con Na Loi cũng như các địa bàn lân cận thay đổi điều kiện sản xuất, nâng cao thu nhập".
Xã Na Loi được xem là “vựa” lúa vùng sâu, vùng xa (giáp Lào) của huyện Kỳ Sơn. Hiện nay, xã Na Loi đang xây dựng giống lúa tẻ thơm thành sản phẩm đặc trưng và hoàn thiện mọi thủ tục xây dựng thương hiệu cho giống lúa tẻ thơm, gắn sao OCOP vào năm 2022.
Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn khẳng định: “Xã Na Loi hiện còn tới gần 70% hộ nghèo và cận nghèo. Việc cải tạo, khôi phục, tăng năng suất cho giống lúa đặc sản của địa phương không những góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, mà còn nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc trong việc phát huy lợi thế để cạnh tranh, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Cuộc sống của bà con các vùng bản đang dần đổi thay không chỉ trong nếp nghĩ, mà cả trong cách làm”.
Bích Huệ