Huyện Tân Yên (Bắc Giang) là phần đất phía nam của huyện Yên Thế, sau này được tách ra thành huyện Tân Yên. Địa phương này có nhiều đồng bào dân tộc anh em cùng chung sống như: Tày, Nùng, Hoa… Núi Dành là dãy núi lớn thứ hai của huyện Tân Yên và chính nơi đây đã sản sinh loài sâm quý…
Tìm hiểu về hiệu quả của cây sâm nam núi Dành, chúng tôi đến Hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ sâm nam núi Dành Liên Chung. Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc HTX, xã Liên Chung (huyện Tân Yên) hiện có hàng trăm hộ trồng sâm. Cây sâm thường cho hoa từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 10. Với giá bán hoa sâm sấy khô từ 0,8 - 1,2 triệu đồng/kg, củ sâm từ 1,5 - 2 triệu đồng/kg (4 - 5 năm tuổi), người trồng có thể thu về hàng trăm triệu đồng/vụ. Điển hình như hộ bà Nguyễn Thị Nhung ở thôn Nguộn, hộ ông Nguyễn Văn Điện ở thôn Lãn Tranh 1…
Sâm nam núi Dành được trồng ở núi Dành thuộc địa bàn hai xã Liên Chung và Việt Lập. Đây là loài dây leo mảnh, thường nằm bò trên mặt đất hoặc phải tựa, cuốn theo cành lá cây khác để vươn lên. Củ sâm có lớp vỏ bên ngoài hơi cứng, bên trong lõi màu vàng nhạt, mùi thơm dịu, vị hơi ngọt. Theo các nhà khoa học, nhóm chất chính trong sâm nam núi Dành là saponin, flavonoid (hoạt chất chống lão hóa) acid hữu cơ, acid amin, trong đó hàm lượng saponin của sâm núi Dành tương đương sâm Hàn Quốc. Đến nay, sâm nam núi Dành đang dần trở thành loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Tính đến cuối năm 2022, huyện Tân Yên phát triển được 71,5 ha diện tích sâm nam núi Dành.
Nhằm nâng cao giá trị cây sâm, huyện Tân Yên xác định xây dựng các chuỗi liên kết để quảng bá thương hiệu cũng như phát triển bền vững giống dược liệu quý này. Hiện tại nhiều hộ dân đã liên kết mở rộng sản xuất, chế biến và cho ra thị trường các sản phẩm từ sâm như: rượu sâm, trà sâm, dầu gội thảo mộc, thuốc viên sáng mắt, nước uống tăng lực… Để hỗ trợ người dân, huyện Tân Yên đã mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc sâm; khuyến khích bà con tận dụng vườn tạp, chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng sâm. Huyện còn thành lập các HTX chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm sâm, góp phần xây dựng liên kết sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu…
Hiện tại, huyện Tân Yên đã có Đề án phát triển sâm nam núi Dành giai đoạn 2022 - 2027 với những nội dung hỗ trợ như: hỗ trợ cấp mã số vùng trồng; quảng bá, xúc tiến thương mại, tem nhãn, bao bì; tập huấn tuyên truyền cho nông dân; hỗ trợ hệ thống tưới tự động cho các mô hình với quy mô 0,5 ha/vùng trở lên. Huyện Tân Yên phấn đấu đến năm 2027, diện tích trồng mới sâm đạt 100 ha, đến năm 2030 đạt trên 150 ha.
Danh Lam