Với mong muốn bảo tồn và phát huy tiềm năng, thế mạnh cây sâm Nam núi Dành - “sản vật quý” ở địa phương, chị Nguyễn Thị Kim Dung (sinh năm 1986), Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành Liên Chung, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang dành nhiều tâm huyết cho cây trồng này.
Chị là thí sinh duy nhất của tỉnh vừa tham gia và giành giải Nhì Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc năm 2023 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức với dự án khởi nghiệp “Xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị và thương mại hóa các sản phẩm từ sâm Nam núi Dành”.
Đưa “sản vật tiến Vua” thành cây trồng chủ lực
Cây sâm Nam được tìm thấy tại khu vực ven sườn núi Dành, có nhiều công dụng. Một số hộ dân đã mang về trồng tại xã Liên Chung.
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành khuyến nông và phát triển nông thôn, năm 2011, chị Nguyễn Thị Kim Dung về công tác tại xã Liên Chung với vai trò là cán bộ khuyến nông. Lúc đó, Liên Chung là xã nghèo nhất huyện, thu nhập của người dân chủ yếu từ làm nông nghiệp.
Qua thời gian công tác và làm dâu tại đây, chị nhận thấy một số hộ còn lưu giữ được giống cây sâm Nam - cây trồng quý được sử sách ghi lại từng là “sản vật tiến Vua”, có giá trị kinh tế cao. Từ đó, chị nung nấu ý định phát triển và mở rộng diện tích, đưa cây trồng này trở thành cây xóa đói, giảm nghèo, làm giàu của người dân Liên Chung.
Năm 2019, Trung tâm Giống cây trồng tỉnh Bắc Giang về nghiên cứu, chọn tạo cây đầu dòng để nhân giống. Cơ duyên đến, cuối năm 2020, chị Dung đã tập hợp các hộ trồng sâm trên địa bàn xã thành lập Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành Liên Chung với 17 thành viên, diện tích ban đầu 4,5 ha.
Chị Dung cho biết, việc thành lập Hợp tác xã để liên kết, cùng nhau sản xuất cây sâm theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường. Qua đó, quảng bá, giới thiệu và tạo ra nhiều sản phẩm từ sâm, góp phần nâng cao giá trị kinh tế từ loại cây trồng này.
Thời điểm đó, việc phát triển Hợp tác xã gặp nhiều khó khăn, do mới thành lập nên thiếu vốn, máy móc sản xuất. Các thành viên e ngại, lo lắng về hướng đi của cây sâm Nam nhất là đầu ra nên chưa mạnh dạn đầu tư. Sản phẩm của Hợp tác xã phải cạnh tranh với các sản phẩm đã có tên tuổi từ lâu như sâm Ngọc Linh, sâm Hàn Quốc.
Với kiến thức và kinh nghiệm có được trong lĩnh vực nông nghiệp, chị Dung vận động các thành viên khắc phục khó khăn, mở rộng diện tích trồng sâm. Chị thường xuyên tham gia lớp tập huấn nâng cao trình độ, cuộc hội thảo, xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm do huyện, tỉnh tổ chức.
Không phụ công người, năm 2021, vụ hoa sâm đầu tiên của Hợp tác xã được thu hoạch bán với giá cao, trung bình 1 triệu đồng/kg hoa khô, giúp thành viên tin tưởng yên tâm sản xuất và mở rộng diện tích.
Sau gần 3 năm thành lập, Hợp tác xã phát triển ổn định, tạo ra nhiều sản phẩm từ sâm đạt chất lượng, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Hợp tác xã mở rộng diện tích lên tới 20 ha, liên kết với các thành viên khác trên địa bàn xã, nâng tổng diện tích sâm liên kết trên toàn xã lên 45 ha. Hợp tác xã xây dựng được vùng sản xuất sâm đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 5 ha, đồng thời đang xây dựng vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ (5ha).
Năm 2021, sản phẩm “sâm Nam núi Dành” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành Liên Chung được UBND huyện Tân Yên cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý này.
Theo chị Dung, chất lượng của cây sâm Nam núi Dành tương đương sâm Hàn Quốc, chỉ đứng sau sâm Ngọc Linh. Tất cả các bộ phận của cây sâm từ lá, thân, hoa, củ đều được sử dụng. Sâm Nam trồng sau gần một năm bắt đầu ra hoa, vụ hoa sâm kéo dài khoảng 1,5 tháng, từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 10. Trung bình 1ha sâm một năm sẽ cho thu hoạch khoảng 150 - 200 triệu đồng từ hoa. Sau 5 năm, thu nhập từ củ sâm khoảng 4-5 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 3 tỷ đồng/ha.
Để đáp ứng nhu cầu của nhiều phân khúc khách hàng, Hợp tác xã đa dạng hóa sản phẩm từ sâm, tiêu biểu như: Nụ hoa sâm, củ sâm tươi, củ sâm khô, củ sâm ngâm mật ong, củ sâm ngâm rượu. Hiện Hợp tác xã chủ yếu khai thác các sản phẩm về nụ hoa sâm núi Dành, sản lượng hoa năm 2022 đạt khoảng gần 2 nghìn kg hoa khô, giá bán bình quân từ 1 - 1,5 triệu đồng/kg. Đặc biệt, sản phẩm Trà nụ hoa sâm Nam núi Dành của Hợp tác xã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của Bắc Giang năm 2022...
Hợp tác xã đang xây dựng mô hình gà sâm Tân Yên. Với mô hình này, thân và lá cây sâm được người nuôi xay nhỏ trộn lẫn vào thức ăn và pha nước uống cho gà. Hợp tác xã liên kết với các hộ dân trong và ngoài xã nuôi gà theo mô hình này gối lứa từ 5 - 10 nghìn con. Bước đầu ghi nhận gà ăn sâm kháng bệnh tốt, khỏe mạnh, chất lượng thịt thơm ngon, giá thành cao hơn từ 10.000 - 20.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, nuôi gà theo phương pháp này hạn chế việc dùng kháng sinh trong chăn nuôi. Dự kiến Tết Nguyên đán tới, Hợp tác xã xuất bán ra thị trường khoảng 10 nghìn con gà sâm. Hợp tác xã đang hoàn thiện các tiêu chí để đưa sản phẩm gà sâm vào bán bán trong hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch vào cuối năm nay.
Giúp phụ nữ tự chủ hơn về kinh tế
Liên Chung là xã thuần nông, vẫn còn tư tưởng phong kiến. Những năm trước, người đàn ông trong gia đình thường có thu nhập cao (từ làm thợ xây) và nắm giữ chính về tiền bạc. Phụ nữ chủ yếu thu nhập từ trồng trọt dùng để chi tiêu nhỏ trong gia đình. Từ năm 2020, khi diện tích trồng sâm được mở rộng ra địa bàn toàn xã, người dân Liên Chung, đặc biệt là chị em đã có thu nhập thêm từ loại cây trồng này.
Riêng Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành Liên Chung đã tạo việc làm thường xuyên cho 35 lao động nữ với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng. Vào những lúc cao điểm thu hái, Hợp tác xã sử dụng khoảng 200 lao động (thu nhập từ 300 - 500 nghìn đồng/ngày). Qua đó, chị em chủ động hơn về kinh tế, nâng cao vị thế, giữ gìn gia đình ấm no, hạnh phúc.
Với thu nhập từ trồng sâm, đến nay, nhiều hộ trên địa bàn xã có thu nhập cao từ vài chục triệu đồng đến vài tỷ đồng mỗi năm. Địa bàn có 10/10 thôn với hàng trăm hộ trồng cây sâm Nam núi Dành từ 1 - 2 năm tuổi thay thế vườn tạp kém năng suất, chất lượng trước đây.
Chia sẻ về việc tham gia Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc năm 2023, chị Dung cho biết, hiện sản phẩm sâm của Hợp tác xã chủ yếu tiêu thụ ở các cửa hàng đặc sản vùng miền, thực phẩm sạch và điểm du lịch. Cuộc thi góp phần lan tỏa và giới thiệu cho mọi người biết về sản phẩm sâm Nam núi Dành ở Bắc Giang, từ đó, tìm cơ hội phát triển hơn nữa cho sản phẩm này.
Chị Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, sản phẩm sâm Nam có lợi thế hơn là do phù hợp thể chất của người Việt, giá cạnh tranh, mùi vị thanh mát, dễ dùng. Do vậy, chắc chắn, thời gian tới sản phẩm sẽ được đông đảo người tiêu dùng đón nhận. Đến nay, nhiều người ở các địa phương khác như Nghệ An, Đắk Nông, Quảng Ninh…đã mua giống sâm Nam núi Dành về trồng, cây sinh trưởng, phát triển tốt. Chị kỳ vọng cây sâm Nam núi Dành sẽ vươn mình, trở thành cây trồng của người Việt, đưa sản phẩm sâm Nam núi Dành là sản phẩm quốc gia, ngang tầm sâm Hàn Quốc, trở thành niềm tự hào của người dân Bắc Giang.
Chủ tịch UBND xã Liên Chung Dương Minh Hiểu nhận xét, chị Dung là kỹ sư nông nghiệp rất tâm huyết, cùng xã định hướng chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi cho người dân đạt hiệu quả cao. Điển hình như việc mở rộng và phát triển diện tích trồng sâm Nam trên địa bàn giúp người dân Liên Chung có thu nhập cao, đồng thời vượt chỉ tiêu huyện giao cho xã về mở rộng diện tích trồng sâm.
Đồng Thúy