Ông Dương Thanh Tùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang cho biết, tỉnh sẽ cơ cấu lại sản xuất để nâng cao giá trị ngành trồng trọt. Theo đó, tỉnh bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa 2 vụ để đảm bảo an ninh lương thực; quản lý và sử dụng hiệu quả đất chuyên trồng lúa; chuyển đổi linh hoạt giữa trồng cây lương thực và cây thực phẩm.
Bên cạnh đó, Bắc Giang tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh còn điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung “Bản đồ số hóa các vùng sản xuất tập trung các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng; các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” để phù hợp với Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Từ nay đến năm 2030, Bắc Giang cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo hướng giảm tỷ trọng giá trị sản xuất cây lương thực; tăng tỷ trọng cây ăn quả, cây rau, cây công nghiệp, lúa chất lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường, góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Tỉnh phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành trồng trọt (theo giá so sánh 2010) đạt 2,6%/năm. Đến năm 2030, giá trị sản xuất/ha đất nông nghiệp đạt 155 triệu đồng.
Đến năm 2030, tỉnh dự kiến diện tích đất trồng lúa khoảng 48.748 ha. Đến năm 2050, giữ ổn định diện tích đất lúa 2 vụ cần bảo vệ nghiêm ngặt khoảng 38.000 ha để đảm bảo an ninh lương thực.
Từ nay đến năm 2030, tỉnh đẩy mạnh trồng, chế biến, tiêu thụ và xây dựng nhãn hiệu tập thể cây dược liệu bản địa có lợi thế như: ba kích tím, trà hoa vàng, sâm Nam núi Dành... trên đất đồi rừng tại các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Tân Yên...; phát triển sản phẩm nấm ăn tại các địa phương có triển vọng như Lạng Giang, Yên Dũng, Việt Yên...
Ngoài ra, Bắc Giang hỗ trợ xây dựng, cấp và quản lý mã số vùng trồng với các cây trồng chính (rau, cây ăn quả), đặc biệt là những cây trồng có tiềm năng xuất khẩu khoảng trên 50.000 ha; hỗ trợ xây dựng các cơ sở sơ chế, đóng gói, chế biến sản phẩm và hệ thống kho bảo quản nông sản, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của doanh nghiệp xuất khẩu và thị trường các nước nhập khẩu...
Bắc Giang đã chuyển mạnh diện tích lúa một vụ không ăn chắc, diện tích cây ăn quả hiệu quả kinh tế thấp sang sản xuất rau màu và trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn.
Cùng đó, Bắc Giang quan tâm phát triển các cây trồng chủ lực, đặc trưng, tiềm năng như vải, nhãn, na, cam, bưởi, táo, vú sữa...; thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, gắn với thị trường tiêu thụ, phát triển thương hiệu.
Đến nay, tỉnh đã chuyển đổi 7.236 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm (6.981 ha); chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản (255 ha). Uớc đến hết năm 2023, diện tích gieo trồng lúa của toàn tỉnh đạt trên 96.080 ha; sản lượng thóc ước đạt trên 561.100 tấn. Tổng diện tích lúa chất lượng đạt 45.100 ha, sản lượng trên 274.200 tấn...
Trên địa bàn đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô từ vài chục ha đến vài chục nghìn ha với nhiều loại cây trồng như lúa chất lượng, rau chế biến, rau an toàn, vải thiều, cam, bưởi... Tỉnh đã xây dựng được 165 mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng, rau chế biến, rau an toàn, khoai tây...
Các loại cây trồng sản xuất an toàn và được cấp giấy chứng nhận bảo hộ thương hiệu, đảm bảo chất lượng quả đáp ứng nhu cầu ngày cao của người tiêu dùng và thị trường xuất khẩu; trong đó, tỷ lệ sản xuất thâm canh rau và cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP ước đạt lần lươt 56% và 53%.
Việt Hùng