“Mặc giáp” cho sâm Ngọc Linh

“Mặc giáp” cho sâm Ngọc Linh

Sau 50 năm được dược sỹ Đào Kim Long tìm ra sâm Ngọc Linh, đến nay việc bảo tồn nguồn gen quý của sâm Ngọc Linh đã hoàn thành. Hiện, tỉnh Kon Tum đang từng bước biến ước mơ đưa Quốc bảo sâm Ngọc Linh thành quốc kế dân sinh, trở thành thương hiệu quốc tế. Tuy nhiên, để đưa ước mơ trên thành sự thật, các cấp chính quyền trong tỉnh cần có nhiều giải pháp thích hợp.

*Ngăn chặn trục lợi

Với diện tích hơn 1.800 ha sâm Ngọc Linh được trồng ở 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei, đến nay Kon Tum là tỉnh có diện tích sâm Ngọc Linh lớn nhất nước. Là cây có giá trị kinh tế cao, nên việc bảo vệ sâm Ngọc Linh là vô cùng cấp thiết.

Cụ thể, hàng loạt các dấu hiệu trục lợi từ các công ty “mập mờ” với thương hiệu sâm Ngọc Linh để lừa đảo, kêu gọi vốn, lừa người tiêu dùng xảy ra ở khắp các địa phương đã được báo chí phản ánh. Cùng đó, tình trạng mua bán sâm Ngọc Linh và các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh trên mạng tràn lan, khiến người tiêu dùng khó nhận biết. Hiện các loại sâm khác giả Ngọc Linh đã trà trộn lên các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, nơi được xem là thánh địa của sâm Ngọc Linh khiến nhiều người lo lắng.

“Mặc giáp” cho sâm Ngọc Linh ảnh 1Vườn sâm Ngọc Linh tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum). Ảnh: Dương Giang-TTXVN

“Để thế giới biết về sâm Ngọc Linh, quan trọng nhất phải giữ được thương hiệu sâm Ngọc Linh. Phải ngăn chặn sâm không có nguồn gốc xuất xứ trà trộn. Trước tiên phải đảm bảo phát triển được vùng nguyên liệu sạch, đúng chất lượng, giữ được vùng chỉ dẫn địa lý, vùng gốc của sâm Ngọc Linh”, ông Trần Văn Hảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum nêu quan điểm.

Là đơn vị được giao bảo tồn nguồn gen quý suốt 20 năm qua tại Kon Tum, ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô góp ý, để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh, ngăn chặn các hành vi trục lợi, triệt tiêu nạn sâm giả cần phải có cơ chế, hành lang pháp lý chặt để xử lý những cá nhân, công ty, đơn vị quảng cáo thương hiệu sâm Ngọc Linh nhưng không có trồng, nguồn gốc không rõ ràng. Phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thì sẽ không xảy ra tình trạng gian lận thương mại đối với thương hiệu sâm Ngọc Linh.

“Mặc giáp” cho sâm Ngọc Linh ảnh 2Sản phẩm sâm Ngọc Linh củ tại "Phiên chợ Sâm Ngọc Linh, các dược liệu khác gắn với du lịch lần thứ hai", được tổ chức tại Tu Mơ Rông (Kon Tum) tháng 2/2023. Ảnh: Cao Nguyên-TTXVN

Huyện Tu Mơ Rông đang phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, Uỷ ban nhân dân các xã từng bước xây dựng hồ sơ pháp lý của vùng trồng, xác định hộ dân, doanh nghiệp, công ty có hồ sơ khai sinh của cây sâm Ngọc Linh.

Thời gian qua, việc kiểm định sâm Ngọc Linh chủ yếu bằng kinh nghiệm, việc này là không khoa học, không đảm bảo tính pháp lý, vì vậy tỉnh Kon Tum đã đầu tư 13 tỷ đồng đầu tư hệ thống thiết bị nhằm giải quyết vấn đề trên.

Ông Chu Đình Liệu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ khoa học công nghệ tỉnh Kon Tum cho biết, đây là hệ thống thiết bị máy móc kiểm định DNA và kiểm định, phân tích saponin trong sâm Ngọc Linh. Đối với hệ thống thiết bị, phân tích gen để xác định về nguồn gốc các sản phẩm sâm có đúng là sâm Ngọc Linh hay không. Hai hệ thống thiết bị này được tỉnh đầu tư với mục tiêu bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh trong thời gian tới.

*Liên kết để vươn xa

Về thăm xã Măng Ri huyện Tu Mơ Rông mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Kon Tum phải liên kết 6 nhà trong phát triển sâm Ngọc Linh. Tỉnh Kon Tum phải tiếp tục làm thương hiệu sâm Ngọc Linh bài bản, thành thương hiệu quốc tế. Người dân nên liên kết, thành lập hợp tác xã, liên kết chung đất, chung rừng để làm lớn, không manh mún, nhỏ lẻ, từ đó người dân tự lực, tự cường, liên kết cùng vươn lên.

“Mặc giáp” cho sâm Ngọc Linh ảnh 3Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát vườn sâm Ngọc Linh tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum). Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Để hiện thực hóa ước mơ trên, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô đã rà soát diện tích rừng có thể trồng được sâm Ngọc Linh và tiến hành giao khoán toàn bộ 15.000 ha cho người dân, cộng đồng bảo vệ. Người dân được phép trồng dược liệu, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. “Từ năm 2024 trở đi, công ty bắt đầu cung ứng cây giống cho người dân để trồng cây sâm Ngọc Linh. Sau năm 2030, toàn bộ diện tích rừng công ty giao cho người dân quản lý sẽ được trồng sâm Ngọc Linh” ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô khẳng định.

Hiện tại, để giúp dân ổn định cuộc sống, nhiều năm qua các công ty trồng sâm đã nhận lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân. Ngoài lương tháng, người lao động còn được hỗ trợ lương thực, thực phẩm và một số nhu yếu phẩm, đảm bảo cuộc sống gia đình.

Tại Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, đơn vị có diện tích vườn sâm lớn nhất cả nước còn hỗ trợ mỗi năm 100 cây sâm giống/công nhân để trồng, sở hữu vườn sâm riêng của mình. Việc hỗ trợ sâm giống cho mỗi hộ kéo dài trong 7 năm khi cây thu hoạch củ. Việc làm trên được được công ty thực hiện hơn 10 năm qua.

“Mặc giáp” cho sâm Ngọc Linh ảnh 4Người dân huyện Tu Mơ Rông nhận cây giống Sâm Ngọc Linh. Ảnh: TTXVN phát

Theo anh A Blum, ở xã Măng Ri cho biết, ngoài cây sâm do công ty tặng, người dân còn hỗ trợ nhau hạt giống để trồng. Cùng đó, người dân còn nguồn hạt giống từ chính cây sâm mình trồng (sau 3-4 năm sẽ cho hạt). Hàng năm, tiền thu hoạch lá sâm cũng đem lại nguồn thu cho dân. Người dân mong chính quyền hỗ trợ thêm giống để mọi người có thể trồng sâm.

Những cách làm trên đã giúp người dân nghèo được làm chủ vườn sâm Ngọc Linh của riêng mình.“ Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, người dân phải là người chủ sở hữu của rừng, huyện kêu gọi doanh nghiệp vào hỗ trợ, liên kết cùng dân trong việc trồng, phát triển sâm Ngọc Linh. Theo đó, huyện mở rộng vùng trồng, không trồng manh mún, nhỏ lẻ. Phải để cây sâm Ngọc Linh từ Quốc bảo thành quốc kế dân sinh, giúp dân thoát nghèo, làm giàu bền vững” ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông, địa phương có diện tích sâm Ngọc Linh lớn nhất Kon Tum khẳng định.

“Mặc giáp” cho sâm Ngọc Linh ảnh 5Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra thực tế tại vườn âm Ngọc Linh của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum tại xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum). Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Chứng kiến sự phát triển mạnh của sâm Ngọc Linh sau 50 năm, dược sỹ Đào Kim Long, người đầu tiên tìm ra sâm Ngọc Linh khi thăm lại vườn sâm của người dân ở xã Măng Ri huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Các nhà khoa học đã có hơn 50 công trình nghiên cứu khoa học chứng minh sâm Ngọc Linh là loại sâm tốt nhất thế giới. Hiện nay, cây sâm Ngọc Linh đang trên đà phát triển, ngoài sức tưởng tượng. Tôi cho rằng thương hiệu Sâm Ngọc Linh sau sẽ nổi tiếng trên thế giới. Sau này sản phẩm từ sâm Ngọc Linh xuất khẩu đi ra nước ngoài".

Sau 50 năm được phát hiện, tỉnh Kon Tum đang từng bước cụ thể hóa ước mơ đưa sâm Ngọc Linh, từ một cây thuốc dấu của bà con trở thành một sản phẩm quốc gia, từng bước hiện thực hóa khát vọng đưa Quốc bảo sâm Ngọc Linh vươn xa, trở thành thương hiệu quốc tế.

Cao Nguyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm