Lượn Slương là một làn điệu dân ca độc đáo, đặc sắc của người Tày vùng Việt Bắc nói chung và tỉnh Cao Bằng nói riêng. Hiện nay do tác động của cơ chế thị trường, thế hệ trẻ người dân tộc Tày ít người quan tâm đến thể loại dân ca cổ truyền này, khiến cho điệu lượn Slương có nguy cơ mai một và mất hẳn. Vì vậy, các ngành chức năng tỉnh Cao Bằng cần có những giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị nhân văn của thể loại dân ca độc đáo này.
Theo Thạc sĩ Hoàng Thị Nhuận, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Cao Bằng, qua những nghiên cứu về Văn hóa học, Dân tộc học, Văn học dân gian và những văn tự Nôm của người Tày thì lượn Slương khởi nguồn từ huyện Thạch An (tỉnh Cao Bằng) rồi lan truyền đến các vùng lân cận thông qua giao lưu văn hóa tại các lễ hội Xuân hoặc các cuộc hẹn hò giao duyên của thanh niên làng, bản. Lượn Slương được truyền từ đời này qua đời khác theo phương thức truyền khẩu. Do có lịch sử lâu dài nên lượn Slương được coi là pho di sản văn hóa độc đáo quý báu của người Tày.
Thạc sĩ Hoàng Thị Nhuận cho biết thêm, giá trị của lượn Slương nằm ở sự độc đáo về nội dung và nghệ thuật của điệu lượn này. Lượn Slương gồm ba phần là lượn đi đường, lượn sử và lượn chúc mừng. Lượn Slương (nghĩa là lượn Thương) là bộc bạch niềm thương nhớ. Niềm nhớ thương của một tình yêu đã nặng sâu nặng. Cách diễn đạt của lượn Slương mang đậm sắc màu độc thoại hơn là những dấu hiệu hình thức của ngôn ngữ đối thoại…
Lượn Slương phát triển mạnh nhất vào giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Sau đó, cả nước bước vào các cuộc kháng chiến chống giặc ngoài xâm, lượn Slương cũng lắng xuống. Tuy nhiên, lượn Slương vẫn sống âm thầm trong lòng những cụ già yêu thích điệu lượn đặc trưng của dân tộc và mong muốn được phục hồi điệu hát cổ truyền này.
Bà Đinh Thị Đà, 77 tuổi, ở xã Đức Xuân, là một trong những người lớn tuổi nhất của huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, còn yêu và hát điệu lượn Slương. Bà Đà cho biết, trước đây khi còn trẻ bà đã được các cụ bà trong bản dạy hát lượn Slương. Bà lớn lên cùng điệu lượn ngọt ngào, yêu thương đó. Lượn Slương cứ ngấm vào con người cho đến khi bà đi học, đi làm. Cuộc sống tất bật, hai cuộc kháng chiến trường kì cũng làm bà ít hát điệu hát cổ truyền của dân tộc mình.
Đến năm 1985, khi nghỉ hưu, bà Đà bắt đầu sưu tầm và ghi chép lại các bài lượn. Năm 2013, khi Nhà nước có chính sách khôi phục văn hóa các dân tộc thì bà Đà cùng một số người yêu điệu lượn thành lập các nhóm hát lượn Slương xã Đức Xuân, huyện Thạch An. Nhóm hát của bà Đà gồm 8 thành viên, trong đó có hai người 80 tuổi là những người yêu thích văn hóa dân gian, cùng nhau sưu tầm và hát lượn. Nhóm hát lượn của bà Đà thường xuyên đi biểu diễn hát lượn trong các buổi giao lưu ở các thôn, xã trên địa bàn huyện, tham gia các cuộc thi hát dân ca của tỉnh Cao Bằng.
Theo bà Đà, qua những buổi biểu diễn, bà nhận thấy nhiều người Tày vẫn còn yêu thích điệu lượn Slương bởi nội dung những bài lượn Slương là ca ngợi tình cảm giữa con người với con người; giáo dục, khuyên bảo con người sống tốt với nhau... Mặc dù vậy, bà Đà cũng lo lắng, khi lớp người trẻ ở Đức Xuân không ai hát được điệu lượn Slương. Nếu không có người hát được thì sự cảm nhận về điệu hát ngọt ngào, đầy tình yêu thương này không còn... Vì vậy, bà Đà cũng như những người còn biết hát điệu lượn Slương mong muốn các ngành chức năng làm công tác văn hóa trên địa bàn tỉnh Cao Bằng cần có giải pháp phục dựng, hình thành các lớp dạy hát điệu lượn Slương để điệu hát cổ truyền này được bảo tồn và phát huy trong cuộc sống ngày nay.
Anh Nông Văn Cấp, 44 tuổi, ở xã Đức Xuân, huyện Thạch An cho biết, anh là người yêu các làn điệu dân ca dân tộc Tày như hát Then, hát Phong slư, lượn Slương… Biết lượn Slương từ lúc 18 tuổi, theo anh Cấp, lượn Slương có giai điệu ngọt ngào, yêu thương, sâu lắng. Ngày trước làng bản nào có đám đến lượn thì chứng tỏ làng bản đó giàu có, trù phú và mến khách. Lượn Slương được hát vào ban đêm trong không gian nhà sàn, bên bếp lửa. Ngày nay, một số điệu lượn Slương đã được biểu diễn ở đám cưới, trong các buổi sinh hoạt văn nghệ của thôn, bản. Trước thực trạng điệu lượn này có thể mất đi, anh Cấp tập trung sưu tầm và ghi chép các bài lượn của các cụ trước đây. Cùng với đó, anh đang cố gắng truyền dạy cho một số bạn trẻ yêu các làn điệu dân ca dân tộc Tày để thế hệ sau này phát huy được những giá trị của lượn Slương…
Bàn về giải pháp bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca dân tộc Tày, ông Vũ Tuấn Nghĩa, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thể thao huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện đang có một số lớp giảng dạy một số làn điệu dân ca dân tộc Tày, Nùng. Các lớp dạy dân ca này bước đầu phát huy hiệu quả, lôi cuốn được một số bạn trẻ tham gia.
Ngành Văn hóa huyện Thạch An cũng xác định, thời gian tới, huyện sẽ đưa dân ca Tày vào giảng dạy trong học đường một cách hệ thống, bài bản, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ, được tiếp cận với văn hóa truyền thống, văn hóa dân gian, dân ca các dân tộc. Đây là hành động mang tính chiến lược, đúng đắn, thiết thực nhằm không ngừng bảo tồn và phát huy, phát triển dân ca các dân tộc trong huyện… Cùng với đó, huyện kết hợp với các ngành chức năng phục dựng lại các điệu dân ca đang có nguy cơ mai một và mất hẳn.
Chu Hiệu
Tên gọi khác: Thổ.
Dân số: 1.626.392 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).
Nhóm địa phương: Thổ, Ngạn, Phén, Thu Lao và Pa Dí.
Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ Thái - Ka Ðai).
Lịch sử: Người Tày có mặt ở Việt Nam từ rất sớm, có thể từ nửa cuối thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên.
Hoạt động sản xuất: Người Tày là cư dân nông nghiệp có truyền thống làm ruộng nước, từ lâu đời đã biết thâm canh và áp dụng rộng rãi các biện pháp thuỷ lợi như đào mương, bắc máng, đắp phai, làm cọn lấy nước tưới ruộng. Họ có tập quán đập lúa ở ngoài đồng trên những máng gỗ mà họ gọi là loỏng rồi mới dùng dậu gánh thóc về nhà. Ngoài lúa nước người Tày còn trồng lúa khô, hoa màu, cây ăn quả... Chăn nuôi phát triển với nhiều loại gia súc, gia cầm nhưng cách nuôi thả rông cho đến nay vẫn còn khá phổ biến. Các nghề thủ công gia đình được chú ý. Nổi tiếng nhất là nghề dệt thổ cẩm với nhiều loại hoa văn đẹp và độc đáo. Chợ là một hoạt động kinh tế quan trọng.
Ăn: Trước kia, ở một số nơi, người Tày ăn nếp là chính và hầu như gia đình nào cũng có ninh và chõ đồ xôi. Trong các ngày tết, ngày lễ thường làm nhiều loại bánh trái như bánh chưng, bánh giày, bánh gai, bánh dợm, bánh gio, bánh rán, bánh trôi, bánh khảo... Ðặc biệt có loại bánh bột hấp dẫn nhân bằng trứng kiến và cốm được làm từ thóc nếp non hơ lửa, hoặc rang rồi đem giã.
Mặc: Bộ y phục cổ truyền của người Tày làm từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm, hầu như không thêu thùa, trang trí. Phụ nữ mặc váy hoặc quần, có áo cánh ngắn ở bên trong và áo dài ở bên ngoài. Nhóm Ngạn mặc áo ngắn hơn một chút, nhóm Phén mặc áo màu nâu, nhóm Thu Lao quấn khăn thành chóp nhọn trên đỉnh đầu, nhóm Pa Dí đội mũ hình mái nhà còn nhóm Thổ mặc như người Thái ở Mai Châu (Hòa Bình).
Ở: Người Tày cư trú ở vùng thung lũng các tỉnh Ðông Bắc, từ Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang đến Lào Cai, Yên Bái. Họ thích sống thành bản làng đông đúc, nhiều bản có tới hàng trăm nóc nhà.
Ngôi nhà truyền thống của người Tày là nhà sàn có bộ sườn làm theo kiểu vì kèo 4, 5, 6 hoặc 7 hàng cột. Nhà có 2 hoặc 4 mái lợp ngói, tranh hay lá cọ. Xung quanh nhà thưng ván gỗ hoặc che bằng liếp nứa.
Phương tiện vận chuyển: Với những thứ nhỏ, gọn người Tày thường cho vào dậu để gánh hoặc cho vào túi vải để đeo trên vai, còn đối với những thứ to, cồng kềnh thì dùng sức người khiêng vác hoặc dùng trâu kéo. Ngoài ra, họ còn dùng mảng để chuyên chở.
Quan hệ xã hội: Chế độ quằng là hình thức tổ chức xã hội đặc thù theo kiểu phong kiến sơ kỳ mang tính chất quý tộc, thế tập, cha truyền con nối.
Trong phạm vi thống trị của mình quằng là người sở hữu toàn bộ ruộng đất, rừng núi, sông suối... vì thế có quyền chi phối những người sống trên mảnh đất đó và bóc lột họ bằng tô lao dịch, bắt phải đến lao động không công và tô hiện vật, buộc phải cống nạp. Chế độ quằng xuất hiện từ rất sớm và tồn tại dai dẳng mãi đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Cưới xin: Nam nữ Tày được tự do yêu đương, tìm hiểu nhưng có thành vợ thành chồng hay không lại tuỳ thuộc vào bố mẹ hai bên và "số mệnh" của họ có hợp nhau hay không. Vì thế trong quá trình đi tới hôn nhân phải có bước nhà trai xin lá số của cô gái về so với lá số của con mình. Sau khi cưới, cô dâu ở nhà bố mẹ đẻ cho đến khi có mang sắp đến ngày sinh nở mới về ở hẳn bên nhà chồng.
Sinh đẻ: Khi có mang cũng như trong thời gian đầu sau khi đẻ, người phụ nữ phải kiêng cữ nhiều thứ khác nhau với ước muốn được mẹ tròn, con vuông, đứa bé chóng lớn, khoẻ mạnh và tránh được những vía độc hại.
Sau khi sinh được 3 ngày cúng tẩy vía và lập bàn thờ bà mụ. Khi đầy tháng tổ chức lễ ăn mừng và đặt tên cho trẻ.
Ma chay: Ðám ma thường được tổ chức linh đình với nhiều nghi lễ nhằm mục đích báo hiếu và đưa hồn người chết về bên kia thế giới. Sau khi chôn cất 3 năm làm lễ mãn tang, đưa hồn người chết lên bàn thờ tổ tiên. Hàng năm tổ chức cúng giỗ vào một ngày nhất định.
Nhà mới: Khi làm nhà phải chọn đất xem hướng, xem tuổi, chọn ngày tốt. Trong ngày vào nhà mới chủ gia đình phải nhóm lửa và giữ ngọn lửa cháy suốt đêm đến sáng hôm sau.
Thờ cúng: Người Tày chủ yếu thờ cúng tổ tiên. Ngoài ra còn thờ cúng thổ công, vua bếp, bà mụ.
Lễ tết: Hàng năm có nhiều ngày tết với những ý nghĩa khác nhau. Tết Nguyên đán, mở đầu năm mới và tết rằm tháng 7, cúng các vong hồn là những tết lớn được tổ chức linh đình hơn cả. Tết gọi hồn trâu bò tổ chức vào mùng 6 tháng 6 âm lịch, sau vụ cấy và tết cơm mới, tổ chức trước khi thu hoạch là những cái tết rất đặc trưng cho dân nông nghiệp trồng lúa nước.
Lịch: Người Tày theo âm lịch.
Học: Chữ nôm Tày xây dựng trên mẫu tự tượng hình, gần giống chữ nôm Việt ra đời khoảng thế kỷ XV được dùng để ghi chép truyện thơ, bài hát, bài cúng... Chữ Tày-Nùng dựa trên cơ sở chữ cái La-tinh ra đời năm 1960 và tồn tại đến giữa năm 80 được dùng trong các trường phổ thông cấp I vùng có người Tày, Nùng cư trú.
Văn nghệ: Người Tày có nhiều làn điệu dân ca như lượn, phong slư, phuối pác, phuối rọi, vén eng... Lượn gồm lượn cọi, lượn slương, lượn then, lượn nàng ới... là lối hát giao duyên được phổ biến rộng rãi ở nhiều vùng. Người ta thường lượn trong hội lồng tồng, trong đám cưới, mừng nhà mới hay khi có khách đến bản. Ngoài múa trong nghi lễ ở một số địa phương có múa rối với những con rối bằng gỗ khá độc đáo.
Chơi: Trong ngày hội lồng tồng ở nhiều nơi tổ chức ném còn, đánh cầu lông, kéo co, múa sư tử, đánh cờ tướng... Ngày thường trẻ em đánh quay, đánh khăng, đánh chắt, chơi ô...
Theo cema.gov.vn