Bảo đảm mở cửa trường học an toàn; lên kế hoạch chăm sóc điều trị trẻ mắc COVID-19

Trường THCS Nguyễn Trãi, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long phân luồng các hướng đi vào lớp cho học sinh. Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN
Trường THCS Nguyễn Trãi, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long phân luồng các hướng đi vào lớp cho học sinh. Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 16h ngày 24/2 đến 16h ngày 25/2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 78.795 ca mắc mới, trong đó 21 ca nhập cảnh; 78.774 ca ghi nhận trong nước (tăng 9.655 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 54.345 ca trong cộng đồng).

Bảo đảm mở cửa trường học an toàn; lên kế hoạch chăm sóc điều trị trẻ mắc COVID-19 ảnh 1Trường THCS Nguyễn Trãi, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long phân luồng các hướng đi vào lớp cho học sinh. Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.120.301 ca mắc, trong đó có 2.355.619 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; 3.235 bệnh nhân nặng đang điều trị; 39.962 ca tử vong

Tính đến ngày 24/2 đã có 192.865.977 liều vaccine được tiêm. Trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 176.110.836 liều: mũi 1 là 70.849.206 liều; mũi 2 là 67.187.585 liều; mũi 3 là 1.441.597 liều; mũi bổ sung là 13.628.967 liều; mũi nhắc lại là 23.003.481 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.755.141 liều: mũi 1 là 8.620.184 liều; mũi 2 là 8.134.957 liều.

Bảo đảm an toàn cho trẻ em khi trở lại trường

Tại Phiên giải trình về tình hình tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh COVID-19 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, với hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương đã ban hành những kịch bản, lộ trình, các phương án, tổ chức diễn tập, chuẩn bị các điều kiện... quyết tâm đưa học sinh trở lại trường học.

Khẳng định tiếp tục nhất quán trong việc chỉ đạo đưa học sinh quay trở lại trường học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh đây là xu hướng tất yếu, không thể khác được.

Về câu hỏi đảm bảo an toàn của trẻ em quay lại trường học, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Tuyên cho biết, qua làm việc, Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh, thời điểm nay đưa ra quan điểm coi dịch COVID-19 như cúm mùa là quá sớm; dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa thể chấm dứt trong năm 2022 và có nguy cơ xuất hiện biến chủng mới.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ đến trường, Bộ Y tế đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban hành các văn bản về hướng dẫn công tác phòng, chống dịch trong trường học. “Cơ bản nhất hiện nay là các địa phương tổ chức thực hiện như thế nào? Bộ Y tế và Bộ Giáo dục không có văn bản nào cấm đưa học sinh đến trường mà chỉ có hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch khi đến trường; căn cứ cấp dịch để dạy trực tuyến hay trực tiếp phù hợp từng địa bàn của tỉnh. Sau khi xuất hiện các ca mắc trong trường học, các địa phương tự ra văn bản quyết định dừng học trực tiếp tại trường”, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.

Sử dụng thuốc Molnupiravir an toàn, hiệu quả

Chiều 25/2, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, để đảm bảo nguồn cung ứng và tăng cường khả năng tiếp cận thuốc mới trong điều trị COVID-19, ngày 17/2/2022, Bộ Y tế đã có Quyết định số 69/QĐ-QLD cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện đối với 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir sản xuất trong nước, cụ thể: Thuốc Molnupiravir 200mg của Công ty CP Hoá - Dược phẩm Mekophar; Molnupiravir 400mg của Công ty TNHH Liên doanh StellaPharm; Molnupiravir 400mg của Công ty Cổ phần dược phẩm Boston Việt Nam.

Để đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) khuyến cáo người dân cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng thuốc Molnupiravir để điều trị COVID-19.

Theo Cục Quản lý Dược, Molnupiravir được sử dụng để điều trị COVID-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành dương tính với xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.

Molnupiravir dùng trên bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu chứng dưới 5 ngày; không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp.

Đặc biệt, Molnupiravir không được sử dụng để dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng COVID-19.

Đối với phụ nữ có thai và cho con bú, Molnupiravir không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ có khả năng mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.

Bên cạnh đó, dựa trên khả năng xảy ra các phản ứng có hại cho trẻ sơ sinh từ Molnupiravir, không khuyến cáo cho con bú trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.

Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, Molnupiravir không được phép sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn.

Đối với nam giới, Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng, mặc dù rủi ro được coi là thấp. Vì vậy, nam giới hoạt động tình dục với phụ nữ có khả năng sinh đẻ nên sử dụng một phương pháp tránh thai tin cậy trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng.

Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) khuyến cáo người dân chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sĩ theo đúng chỉ định, các giới hạn sử dụng và các cảnh báo, thận trọng của thuốc nêu trên. Trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc, cần thông báo ngay cho bác sỹ hoặc dược sỹ để được tư vấn và xử trí kịp thời.

Đặc biệt lưu ý người dân không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường, chỉ sử dụng các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để đảm bảo chất lượng, hiệu quả điều trị và sức khỏe của chính mình.

Hướng dẫn chăm sóc, điều trị COVID-19 ở trẻ em


Tại Hướng dẫn mới về chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ em do Bộ Y tế vừa ban hành trẻ em mắc COVID-19 mức độ nhẹ có thể lựa chọn phương pháp điều trị không dùng thuốc như sau: Nằm phòng cách ly, hoặc theo hướng dẫn cách ly tại nhà của Bộ Y tế. Áp dụng phòng ngừa chuẩn, đeo khẩu trang với trẻ ≥ 2 tuổi. Uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải oresol. Đảm bảo dinh dưỡng: bú mẹ, ăn đầy đủ. Vệ sinh thân thể, răng miệng, mũi họng. Tập thể dục tại chỗ và tập thở ít nhất 15 phút/ngày (trẻ lớn).

Bên cạnh đó, cần đo thân nhiệt tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ sốt; Đo SpO2 (nếu có) tối thiểu 02 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ mệt, thở nhanh/khó thở.

Khai báo y tế hàng ngày (qua điện thoại hoặc phần mềm quy định), báo nhân viên y tế khi có triệu chứng bất thường

Trẻ có triệu chứng bất thường như Sốt > 38 độ C; Tức ngực; Đau rát họng, ho; Cảm giác khó thở; Tiêu chảy; SpO2 < 96%; Trẻ mệt, không chịu chơi; Ăn/bú kém cần báo nhân viên y tế.

Khi trẻ có dấu hiệu chuyển nặng cần báo cấp cứu 115 hoặc đội phản ứng nhanh tại xã phường để được cấp cứu tại nhà hoặc đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Các dấu hiệu gồm: Thở nhanh; Li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống; Khó thở, cánh mũi phập phồng; Tím tái môi, đầu chi; Rút lõm lồng ngực; SpO2 < 95%.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản khẩn gửi các đơn vị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh về việc tăng cường chăm sóc, thu dung điều trị trẻ mắc COVID-19.

Thời gian qua, trên địa bàn Thành phố ghi nhận số trẻ em mắc COVID-19 có xu hướng tăng. Theo dữ liệu giám sát từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), từ ngày 14/2 đến ngày 22/2, số trẻ mắc COVID-19 tăng gấp 3 lần so với khoảng thời gian từ ngày 7/2 đến ngày 13/2.

Nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ, nhất là trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm chủng, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn khẩn trương triển khai các hoạt động thu dung, điều trị trẻ mắc COVID-19.

Cụ thể, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường sàng lọc khi tiếp nhận trẻ đến khám, chữa bệnh vì triệu chứng sốt, kèm hoặc không kèm các triệu chứng hô hấp khác, cần thực hiện xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 sớm (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR) để phát hiện, cách ly điều trị kịp thời.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng khuyến khích thành lập khoa COVID-19 tại các bệnh viện chuyên khoa nhi, hoặc đơn vị chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại khu vực cách ly dành cho người mắc của bệnh viện. Trong giai đoạn hiện nay, khi phát hiện trẻ có xét nghiệm tầm soát dương tính và có chỉ định nhập viện điều trị, các đơn vị cần liên hệ ngay tới Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 để chuyển viện kịp thời... Trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm vaccine phải được xem là nhóm nguy cơ, nhất là trẻ em có bệnh nền như béo phì, các bệnh lý bẩm sinh...

Bệnh nhân hậu COVID nên tái khám sau 2-4 tuần khỏi bệnh


Bệnh nhân hậu COVID nên tái khám sau 2-4 tuần khỏi bệnh để đảm bảo khỏe mạnh hoàn toàn, không còn di chứng – Đó là thông điệp được các bác sĩ khuyến cáo tại Hội thảo “Tư vấn Chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19”, do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Cần Thơ phối hợp với Hội Y học thành phố Cần Thơ tổ chức ngày 25/2.

Theo Bác sĩ Chuyên khoa II, Bệnh viện Đa khoa Trung Ương Cần Thơ Vũ Thị Hương Giang, đa phần bệnh nhân phục hồi sức khỏe sau khi điều trị các triệu chứng hậu COVID-19. Một số thống kê cho thấy bệnh nhân không điều trị vẫn có cải thiện, song cần nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân bị biến chứng nặng, không được điều trị kịp thời có thể trở thành di chứng vĩnh viễn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Các vấn đề chủ yếu mà người bệnh gặp phải hậu COVID là: mệt mỏi (58%), đau đầu (44%), rối loạn chú ý, rụng tóc, khó thở, lú lẫn, loạn thần, nổi mề đay, đau cơ, trầm cảm, đánh trống ngực... Về tâm lý, nhiều bệnh nhân bị stress, rối loạn lo lâu, rối loạn giấc ngủ... Do đó, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám sớm. Các bác sĩ sẽ được thực hiện xét nghiệm, đánh giá tổng quát thể trạng. Từ đó, kịp thời điều trị di chứng do SARS-CoV-2 gây ra, giúp bệnh nhân trở lại cuộc sống bình thường, khỏe mạnh.

Bác sĩ Chuyên khoa II Triệu Anh Đệ, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ nêu lưu ý các nhóm bệnh nhân hậu COVID cần đặc biệt quan tâm đến việc tái khám sau khi khỏi bệnh, đó là: những người có bệnh nền (như huyết áp, mạch vành, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa...); nhóm người từ 60 tuổi trở lên; nhóm người khi mắc COVID có các triệu chứng nặng (suy hô hấp, sốt cao...).

Các bác sỹ cũng khuyến cáo người bệnh hậu COVID nên tăng cường các bài tập thở, đi bộ, tập dưỡng sinh, chạy xe đạp... để phục hồi chức năng phổi. Đồng thời, cần chú ý dinh dưỡng, chia nhỏ bữa ăn thành 3-5 bữa/ngày, với thực đơn nhiều rau, trái cây, nước ép. Đặc biệt, bổ sung sữa và chuối để tăng kali...

P. V

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm