Mở cửa trường học: Nhìn từ kinh nghiệm các nước

Mở cửa trường học: Nhìn từ kinh nghiệm các nước

Đại dịch COVID-19 kéo dài hơn hai năm qua đã khiến hàng trăm triệu học sinh bị gián đoạn việc học. Khi chiến lược chống COVID-19 thay đổi theo hướng thích ứng linh hoạt, nhiều nước trên thế giới đã và đang nỗ lực để học sinh có thể trở lại môi trường học tập hiệu quả và an toàn nhất trong đại dịch.

Trẻ cần được đến trường để phát triển toàn diện

Theo ước tính, kể từ năm 2020, đại dịch COVID-19 xuất hiện đã khiến các trường học ở hơn 180 nước phải đóng cửa, làm gián đoạn việc học tập của 1,6 tỷ trẻ em, tương đương 75% trẻ em trong độ tuổi đến trường. Quyết định đóng cửa thời điểm đó là do các nước biết quá ít về COVID-19 và cách đối phó với dịch. Nhưng sau hơn 1 năm chống dịch, thế giới đã biết nhiều hơn về căn bệnh này cũng như cách giảm thiểu lây nhiễm và các tổ chức y tế cũng đã khuyến nghị rằng đóng cửa trường học chỉ nên được coi là lựa chọn cuối cùng.

Trong khi đó, theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), đại dịch COVID-19 bùng phát hơn 2 năm qua đã làm gián đoạn việc học của trên 1,7 tỷ học sinh, sinh viên tại ít nhất 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một năm sau đại dịch, gần 50% học sinh toàn cầu vẫn bị ảnh hưởng vì trường học đóng cửa toàn bộ hoặc một phần. Thực tế này cũng ảnh hưởng tới hơn 100 triệu giáo viên và nhân viên trường học. Rõ ràng là COVID-19 đã gây ra “tình trạng khẩn cấp về giáo dục” vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực tới quyền học tập và hưởng các phúc lợi xã hội tại trường học, đồng nghĩa với việc tương lai và hạnh phúc của trẻ em cũng chịu tác động.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) nhấn mạnh trường học đóng cửa càng lâu, nguy cơ trẻ em và thanh thiếu niên mất đi tương lai càng cao. Hơn 100 triệu trẻ em sẽ không đạt được trình độ đọc hiểu thông thạo tối thiểu do tác động của việc đóng cửa trường học. Khoảng 24 triệu trẻ em và thanh niên có nguy cơ bỏ học. Ngoài tình trạng “hổng kiến thức”, việc trường học đóng cửa kéo dài cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tinh thần của trẻ em. Những trẻ dễ bị tổn thương nhất và những em không thể tiếp cận giáo dục từ xa có nguy cơ không bao giờ được trở lại trường học. Đối với trẻ em tại các gia đình có thu nhập thấp, việc đóng cửa trường học làm tăng nguy cơ các em bị buộc phải làm việc, bị bóc lột sức lao động, bị lạm dụng và bạo hành.

Các chuyên gia về giáo dục nhận định mặc dù tồn tại nguy cơ lây nhiễm cao, song việc quay trở lại lớp học là cần thiết để bù đắp kiến thức cũng như tạo sự hòa nhập xã hội trở lại đối với học sinh. Bởi vậy, Liên hợp quốc đã khuyến khích các nước sớm đưa học sinh trở lại trường học khi điều kiện cho phép. Bên cạnh đó, mô hình giáo dục kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên các nền tảng công nghệ đã và đang được áp dụng trong tình hình đại dịch COVID-19, để vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch cho giáo viên và học sinh khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, vừa bảo đảm trẻ em “dừng đến trường không dừng việc học”.

Lộ trình mở cửa trường học tại một số quốc gia

Mặc dù virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục lây lan, song trên cơ sở đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng, những quy định giãn cách và quy trình vệ sinh dịch tễ, sau các kỳ nghỉ Đông hay nghỉ lễ năm mới, nhiều chính phủ đều xác định duy trì kế hoạch mở cửa trở lại trường học để trẻ em tiếp tục được học trực tiếp sau thời gian dài gián đoạn vì dịch bệnh, nhằm bảo đảm lợi ích của trẻ em.

Trong quá trình mở cửa trường học, một số nước phát hiện bất cập thì đã có những điều chỉnh quy định để tránh gián đoạn hoặc cản trở các quy trình dạy và học trực tiếp.

Tại Mỹ, nhiều học khu đã liên tục cập nhật quy định để duy trì mở cửa các trường trong bối cảnh số ca mắc mới vẫn cao. Các bậc phụ huynh đã được yêu cầu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho con hằng ngày trước khi đến lớp và cập nhật kết quả lên một trang mạng của chính phủ. Tình trạng thiếu giáo viên khiến một số học khu ở Mỹ áp dụng cách tiếp cận sáng tạo hơn nhằm duy trì các lớp học, như đề nghị thành viên Lực lượng cảnh vệ quốc gia làm thay các giáo viên trợ giảng hay kêu gọi cha mẹ có bằng đại học hãy lấp chỗ trống của giáo viên.

Tại Bỉ, để giảm thiểu tình trạng các lớp học đóng mở liên tục theo quy định cũ, chính phủ nước này nhất trí sẽ không đóng cửa kể cả khi có các trường hợp mắc COVID-19, chỉ những học sinh xét nghiệm dương tính hoặc có các triệu chứng mới phải cách ly ở nhà. Với những quy định mới, giới chức Bỉ nhận định sẽ có nhiều ca mắc mới hơn nhưng sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ trở lại cuộc sống bình thường, ngăn chặn đại dịch mà vẫn đảm bảo học sinh được đến trường học trực tiếp.

Tại Israel, chính phủ nước này dựa trên kinh nghiệm rút ra từ những đợt dịch trước, đã hiểu rằng đóng cửa trường học là một sai lầm, tác động tiêu cực tới trẻ em và phải tính tới giải pháp khác nhằm duy trì việc học trực tiếp trên lớp đồng thời đảm bảo cho học sinh an toàn và mạnh khỏe. Để trường học tiếp tục mở cửa, Israel đẩy mạnh thực hiện xét nghiệm, nhất là xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại nhà. Hiện 1/4 trẻ em trong độ tuổi 5-11 tại Israel đã được tiêm phòng nên việc mở cửa trường học rất thuận lợi. Quy định đeo khẩu trang vẫn được duy trì, đồng thời các lớp học được chia nhỏ để giãn cách học sinh.

Ai Cập thì đã đề ra 10 “quy tắc vàng” để ngăn ngừa virus, đảm bảo an toàn cho học sinh khi quay lại trường học. Học sinh cần đảm bảo ngủ đủ, sử dụng đồ cá nhân khi ở trường, không chạm vào đồ dùng của người khác, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước để phòng ngừa tất cả các bệnh truyền nhiễm, tránh bám vào thanh vịn cầu thang hay lan can, trừ khi cần thiết, ghi nhớ giữ khoảng cách an toàn với người khác. Đối với lớp học, điều kiện tốt nhất để phòng dịch luôn là thoáng khí tự nhiên.

Australia cũng tiếp tục thực hiện kế hoạch mở cửa các trường từ đầu tháng 2 dù số ca mắc mới tăng, kể cả trong nhóm trẻ em. Một số bang tại Australia ưu tiên xét nghiệm sàng lọc để phát hiện sớm ca bệnh nhằm mở cửa trường học an toàn. Hai bang đông dân nhất của Australia là New South Wales (NSW) và Victoria sẽ xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho học sinh mỗi tuần 2 lần nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại trường học. Các trường cũng sẽ hạn chế tối đa tiếp xúc giữa các nhóm lớp cũng như hạn chế khách tới trường. Bên cạnh đó, các trường cũng đưa ra dự phòng nhân sự, trong đó có việc sử dụng giáo viên đã nghỉ hưu hoặc đang đi học, tham gia giảng dạy khi thiếu giáo viên.

Tại Nhật Bản, nước này quyết định rút ngắn thời gian đóng cửa lớp học và trường học có ca dương tính từ 7 ngày xuống còn 5 ngày. Ngoài ra, các trường học cũng cần lưu tâm tới việc đảm bảo cơ hội học tập cho học sinh, đưa ra quyết định về việc đóng cửa lớp học hay toàn bộ trường học một cách linh hoạt.

Trong khi đó, Ấn Độ đã quyết định mở cửa trở lại trường học ở hầu hết các bang từ ngày 7/2 khi số ca mắc mới trên cả nước có xu hướng giảm.

Còn tại Lào, để được mở cửa, các trường phải tuân theo các quy trình “trường học an toàn” được Ủy ban quốc gia Lào về phòng chống COVID-19 phê duyệt, bao gồm việc đáp ứng 70% trở lên 10 biện pháp và 40 khuyến nghị do Bộ Giáo dục và Thể thao đưa ra…

Nhìn chung, các chuyên gia đều nhận định để đảm bảo cho trẻ trở lại trường học an toàn thì các nước vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng COVID-19, từ tiêm vaccine cho người lớn trong nhà, tiêm mũi tăng cường cho người cao tuổi đến tiêm phòng cho các nhân viên trường học và trẻ nhỏ.

An Ngọc (tổng hợp)

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm