Băng trên đảo Greenland ngày 13/7/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Nghiên cứu trên ghi nhận sự gia tăng liên tục và lớn nhất lượng băng bị tan chảy từ đầu năm 2003 đến giữa năm 2013 xảy ra tại Tây Nam Greenland, một khu vực mà giới khoa học chưa quan tâm cho đến nay. Dựa trên dữ liệu được thu thập bởi các vệ tinh Gravity Recovery và Climate Experiment (Grace) từ năm 2003 đến 2013, nghiên cứu cho thấy sự gia tăng lượng băng bị tan chảy từ khối băng ở Greenland đã tăng gấp 4 lần. Nghiên cứu cho rằng sự ấm lên liên tục của không khí sẽ dẫn đến việc Tây Nam Greenland trở thành một nhân tố lớn khiến mực nước biển dâng lên.
Grace gồm 2 vệ tinh quay quanh Trái Đất, được phóng lên tháng 3/2002. Đây là kế hoạch hợp tác giữa Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Trung tâm vũ trụ Đức (German Aerospace Center).
Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Khoa học Hàng hải Scotland (SAMS) được công bố trước đó, lớp băng bao phủ trên đảo Greenland đang tan chảy giữa mùa Đông do nhiệt độ đại dương cao. Dựa trên các mô phỏng trên máy tính, nghiên cứu cho thấy những đợt gió mùa Đông mạnh ở Đông Bắc Đại Tây Dương tạo ra các dòng hải lưu ấm, sau đó đẩy các dòng hải lưu này tới vịnh hẹp Greenlandic, khiến một lượng băng lớn dưới đại dương bị tan chảy. Trong báo cáo được công bố của Tạp chí Nature hồi đầu tháng 12/2018, các nhà khoa học đến từ Mỹ, Bỉ và Hà Lan cho biết băng tại khu vực này đang tan với tốc độ nhanh nhất trong 350 năm qua và sẽ tiếp tục tan nhanh do hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Đảo Greenland được bao phủ bởi 1.710.000 km2 băng (chiếm 80% diện tích đảo). Lượng băng tan bổ sung thêm 0,8 mm nước vào lượng nước biển toàn cầu mỗi năm, giúp mực nước biển dâng và làm sạch đại dương.
Thúc Anh