Các nhà khoa học Mỹ ngày 27/2 cho biết băng ở vùng biển Nam cực trong tuần trước có thể đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 45 năm kể từ khi các nhà khoa học bắt đầu theo dõi dữ liệu vệ tinh.
Theo Trung tâm dữ liệu băng tuyết quốc gia (NSIDC) thuộc Đại học Colorado Boulder (Mỹ), diện tích băng ở Nam cực đã giảm xuống còn 1,79 triệu km2 vào ngày 21/2, ít hơn 136.000 km2 so với mức thấp kỷ lục đo được năm 2022. Các nhà khoa học NSIDC nhấn mạnh đây là thống kê sơ bộ vì băng có thể tan chảy thêm vào cuối mùa. Dự kiến NSIDC sẽ công bố con số cuối cùng về diện tích băng vào đầu tháng 3 tới.
NSIDC cho biết thêm rằng sự biến mất của băng biển làm lộ ra các thềm băng và sông băng, dễ chịu tác động của những con sóng và điều kiện thời tiết ấm dẫn đến tan chảy và nứt vỡ.
Chu kỳ băng tuyết Nam cực biến đổi đáng kể hằng năm, khi mùa Hè băng tan và mùa Đông đóng băng dày. Lục địa này không trải qua tình trạng băng tan nhanh trong 4 thập kỷ qua như băng ở Greenland và Bắc Cực do khí hậu toàn cầu ấm lên. Tuy nhiên, tỷ lệ băng tan tại đây tăng cao từ năm 2016, gây lo ngại xu hướng băng tan có thể kéo dài.
Băng ở biển tan góp phần làm tăng tốc độ ấm lên toàn cầu. Băng trắng ở biển có tác dụng đẩy 90% năng lượng từ Mặt Trời trở lại không trung. Khi băng trắng bị thay thế bởi mặt biển ấm và tối màu, nước biển sẽ hấp thu sức nóng từ Mặt Trời với tỷ lệ tương đương, thay vì đẩy trở lại không trung.
Văn Khoa