Bắc Giang ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi và dân tộc thiểu số

Bắc Giang ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi và dân tộc thiểu số

Theo Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang, thời gian tới, tỉnh quan tâm thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Bắc Giang ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi và dân tộc thiểu số ảnh 1 Nông dân Bắc Giang thu hoạch vải thiều đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang EU. Ảnh: TTXVN

Theo đó, tỉnh tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào phục vụ sản xuất, sinh hoạt, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, giảm nghèo bền vững. Tỉnh thông tin thường xuyên, kịp thời về kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, các tiến bộ khoa học, các mô hình ứng dụng khoa học cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Bắc Giang đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Dân tộc trình Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số trong những năm tiếp theo theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ tỉnh triển khai các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giải quyết những vấn đề cấp thiết thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bắc Giang. Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, thẩm định, cấp kinh phí triển khai các dự án để các cơ quan chủ trì chủ động triển khai, nhất là những dự án mang tính thời vụ.

Tỉnh Bắc Giang đề nghị Trung ương tiếp tục có các chủ trương, cơ chế, chính sách tăng cường hỗ trợ thực hiện các chương trình, dự án nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ phù hợp với thực tiễn tư liệu sản xuất hiện có và trình độ nhận thức, khả năng áp dụng của các hộ dân trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Cùng với việc đẩy mạnh thu hút, hỗ trợ từ doanh nghiệp tiếp nhận, làm chủ công nghệ mới trong sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản quy mô lớn, gắn kết nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà sản xuất, ngân hàng và thị trường tiêu thụ, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, tỉnh đề nghị Trung ương tăng quy mô, kinh phí thực hiện các chương trình, dự án khoa học và công nghệ triển khai trên vùng dân tộc thiểu số và miền núi…

Trong giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện 11 dự án khoa học và công nghệ thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số với tổng kinh phí trên 114 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và huy động của người dân, doanh nghiệp. Các dự án chú trọng đến những nội dung chuyển giao, làm chủ các quy trình công nghệ, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến; đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho người dân. Nhờ đó, khả năng tiếp thu ứng dụng khoa học kỹ thuật của người dân ở vùng miền núi và dân tộc của tỉnh đã được nâng cao; hiệu quả sản xuất cũng tăng lên rõ rệt.

Các đề tài, dự án đã tập trung nghiên cứu phát triển sản xuất cây lương thực, thực phẩm như lúa thuần chất lượng cao, lúa Nhật, lúa lai 2, 3 dòng, khoai tây giống nhập khẩu Hà Lan, Pháp, rau an toàn, nấm ăn, măng tây; phục tráng giống lạc đỏ tại huyện Tân Yên…

Các đề tài, dự án đã tập trung nghiên cứu phát triển các loại cây ăn quả có thế mạnh của tỉnh như: vải thiều Lục Ngạn, vải sớm Tân Yên, bưởi Diễn Hiệp Hòa, cam đường Canh Lục Ngạn, cam sạch bệnh bằng giống V2, CS1; nghiên cứu tuyển chọn cây đầu dòng vú sữa Tân Yên…

Các dự án lĩnh vực chăn nuôi đã nghiên cứu triển khai mô hình thử nghiệm các giống gà Ri lai, VP34 năng suất, chất lượng bổ sung cơ cấu giống gia cầm của tỉnh; phát triển các mô hình nuôi ong Italia; mô hình sản xuất giống cá Trắm đen, nuôi trai lấy ngọc…

Nhiều dự án mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh. Trong đó, dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống vô tính, trồng thâm canh, cải tạo nương chè già cỗi và chế biến chè an toàn tại huyện Yên Thế đã giúp cải tạo, tăng năng suất chè lên từ 20 - 40%, tạo ra nguồn nguyên liệu an toàn chất lượng cao cung cấp cho nhà máy. Dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển vùng nguyên liệu Địa hoàng theo hướng thực hành tốt trồng trọt và thu hái và chế biến một số thành phẩm từ Địa hoàng” cho hiệu quả kinh tế đạt trên 130 triệu đồng/ha, gấp 2,5 lần trồng lúa.

Việt Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm