Trồng vải thiều ở Bắc Giang được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Nhật Bản góp phần nâng cao đời sống người dân. Ảnh: Đồng Thúy-TTXVN |
Tỉnh chủ động nắm tình hình vùng đồng bào dân tộc, thực hiện tốt các chính sách, chế độ và nâng cao hiệu quả hoạt động của người có uy tín trong đồng bào dân tộc. Bắc Giang thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các Chương trình, chính sách, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trọng tâm là Chương trình 135 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; Đề án thực hiện Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và hỗ trợ tín dụng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định 2085/QĐ-TTg; Nghị quyết số 12/2018/NQ-HĐND ngày 11/8/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đối với 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2019-2021; chính sách đối với người uy tín theo Quyết định 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ... Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp nhận và tổng hợp phân tích kết quả điều tra 53 dân tộc thiểu số trên địa bàn. Tỉnh tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, sự ủng hộ giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp tham gia giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn; tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách có liên quan nhằm phối hợp các nguồn lực đầu tư thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc. Từ nay đến hết năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo các huyện, xã xây dựng và triển khai Đề án hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng tập trung xây dựng mô hình, trong đó xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện, lợi thế từng địa bàn để thực hiện; định kỳ tổ chức đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng. Sở Nội vụ tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ; quan tâm bố trí các lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc, tiếng dân tộc thiểu số theo kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Đề án bồi dưỡng kiến thức dân tộc, tiếng dân tộc theo Quyết định 771/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2019-2025… Dân số toàn tỉnh Bắc Giang hiện nay trên 1,8 triệu người, với 37 thành phần dân tộc. Người dân tộc thiểu số ở tỉnh có trên 257.000 người, chiếm 14,26% dân số toàn tỉnh. Trong số này, 7 dân tộc thiểu số có dân số đông, sinh sống thành cộng đồng (Nùng, Tày, Sán Dìu, Cao Lan, Sán Chí, Dao, Hoa) chiếm 99,1%; còn lại 30 dân tộc thiểu số khác chiếm 0,9%. Vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Bắc Giang có 188 xã, chiếm 72% diện tích tự nhiên của toàn tỉnh. Theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt khu vực miền núi, tỉnh Bắc Giang có 58 xã khu vực I; 90 xã khu vực II; 40 xã khu vực III; 407 thôn bản đặc biệt khó khăn. 4 tháng đầu năm 2020, tỉnh Bắc Giang tiếp tục triển khai đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả công tác dân tộc và các chính sách dân tộc trên địa bàn. Tỉnh triển khai đảm bảo tiến độ nguồn vốn trung ương phân bổ trên 90 tỷ đồng thực hiện Chương trình 135 theo kế hoạch năm 2020. Theo đó, tỉnh thực hiện dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên 18 tỷ đồng; thực hiện dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trên 64 tỷ đồng đầu tư xây dựng mới 78 công trình giao thông, thủy lợi, y tế, trường học, văn hóa (đến nay đã khởi công được 10 công trình, các công trình còn lại chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục để tiến hành khởi công xây dựng). Ngoài ra, nguồn vốn trên còn phân bổ cho thực hiện duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư; triển khai dự án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn bản và cộng đồng. Thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg, tổng vốn năm 2020 là trên 2,5 tỷ đồng, thực hiện hỗ trợ hộ thiếu đất sản xuất có nhu cầu chuyển đổi nghề, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang đã tham mưu phân bổ cho các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế để triển khai thực hiện. Thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ cho các thôn bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh theo Nghị quyết số 12/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang, tổng vốn năm 2020 là 18 tỷ đồng, giao cho các xã làm chủ đầu tư, hỗ trợ xây dựng 12 công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi ở 12 thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh. Đến nay, các chủ đầu tư đang chuẩn bị các thủ tục để khởi công xây dựng. Theo Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang, thời gian qua, công tác giảm nghèo, an sinh xã hội vùng dân tộc được tỉnh quan tâm thực hiện. Tỉnh không còn hộ đói và tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 5%/năm. Trong năm 2019, tỉnh có 93/93 công trình đầu tư thuộc Dự án cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình 135 áp dụng cơ chế đặc thù giao cộng đồng dân cư, tổ nhóm thợ, cá nhân (những người hưởng lợi trực tiếp) thực hiện xây dựng. Nhờ đó chi phí trung gian giảm, tiết kiệm khoảng 20 tỷ đồng; nâng cao hiệu quả đầu tư, đồng thời tăng thu nhập cho nhiều hộ dân tại địa phương.
Việt Hùng