Bắc Giang: Tăng chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Hộ chăn nuôi lợn Trần Văn Tư, thôn Vàng, thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên đầu tư hơn 300 triệu đồng nuôi 30 con lợn nái, đến nay đã cho sinh sản và phát triển tốt, dự kiến từ nay đến cuối năm cung cấp cho thị trường khoảng hơn 30 tấn thịt lợn đảm bảo ch
Hộ chăn nuôi lợn Trần Văn Tư, thôn Vàng, thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên đầu tư hơn 300 triệu đồng nuôi 30 con lợn nái, đến nay đã cho sinh sản và phát triển tốt, dự kiến từ nay đến cuối năm cung cấp cho thị trường khoảng hơn 30 tấn thịt lợn đảm bảo ch

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang Dương Thanh Tùng, thời gian tới tỉnh tập trung vào giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng các tiêu chí để xây dựng nông thôn mới bền vững ở những xã đã đạt chuẩn.

Bắc Giang xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao chất lượng tiêu chí ở xã đạt chuẩn nông thôn mới để khi đạt chuẩn phải thực sự nổi bật so với các xã còn lại trên mọi lĩnh vực. Tỉnh xác định rõ mục tiêu, giải pháp thực hiện và phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 40% số xã nông thôn mới nâng cao, 10% số xã nông thôn mới kiểu mẫu, thu nhập bình quân đầu người gấp từ 1,2–1,5 lần so với bình quân toàn tỉnh.

Tỉnh chú trọng làm tốt quy hoạch vùng huyện, xác định rõ lợi thế, thế mạnh của các xã để phát triển đúng hướng như: vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, chuyên canh sản phẩm chủ lực, tiểu thủ công nghiệp, cụm công nghiệp...; đồng thời, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bên cạnh đó, tỉnh huy động các nguồn lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, giao thông, thủy lợi nội đồng, tạo thuận lợi vận chuyển hàng hóa; áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; trọng tâm là vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch được duyệt. Tỉnh sẽ chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng các loại cây, con khác có hiệu quả hơn; tiếp tục vận động người dân thực hiện dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất xây dựng cánh đồng lớn, vùng sản xuất hàng hóa tập trung để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư.

Bắc Giang: Tăng chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ảnh 1Hộ chăn nuôi lợn Trần Văn Tư, thôn Vàng, thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên đầu tư hơn 300 triệu đồng nuôi 30 con lợn nái, đến nay đã cho sinh sản và phát triển tốt, dự kiến từ nay đến cuối năm cung cấp cho thị trường khoảng hơn 30 tấn thịt lợn đảm bảo chất lượng. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Thời gian tới, Bắc Giang thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; mỗi xã có tối thiểu 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh gắn với xây dựng thương hiệu, mẫu mã, bao bì đóng gói, tem truy xuất nguồn gốc. Tỉnh nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách, tăng nguồn lực đầu tư cho khu vực nông thôn, nhất là chính sách hỗ trợ sản xuất nông sản sạch, an toàn, hữu cơ, cơ giới hóa nông nghiệp; thu hút các dự án nhà máy sản xuất, chế biến nông sản hướng đến xuất khẩu gắn với vùng nguyên liệu theo quy hoạch và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Qua 10 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương, đến nay Bắc Giang có 115/184 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 3 huyện Việt Yên, Lạng Giang, Tân Yên đạt huyện nông thôn mới. Dự kiến, hết năm 2020, tỉnh có 124/184 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 67,4%); bình quân tiêu chí đạt 16,2 tiêu chí/xã; có 8 xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí.

Nét nổi bật trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Bắc Giang thời gian qua là huy động nguồn lực cho phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo thế mạnh của từng địa phương với 52 nhóm sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng, tiềm năng. Nhiều sản phẩm đã khẳng định được vị thế, khả năng cạnh tranh trên thị trường; một số sản phẩm có quy mô đứng tốp đầu cả nước như cây ăn quả, gà, lợn.

Toàn tỉnh có hàng trăm mô hình ứng dụng công nghệ cao, trang trại quy mô lớn, sản xuất tiêu thụ theo chuỗi liên kết. Nhờ đó đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn ở tỉnh, làm cơ sở để huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh có gần 50 nghìn hộ tham gia hiến trên 334 ha đất các loại, người dân đã đóng góp trên 3 nghìn tỷ đồng (chiếm gần 25% tổng nguồn vốn huy động) để xây dựng nông thôn mới.

Tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh đã có sự chuyển biến rõ nét về hạ tầng kinh tế xã hội, phát triển sản xuất; thu nhập của người dân tăng cao, bình quân đạt trên 45 triệu đồng/người/năm, gấp 1,3 lần so với yêu cầu tiêu chí (yêu cầu tiêu chí thu nhập bình quân trên người/năm ở xã đạt chuẩn nông thôn mới là 36 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh còn dưới 3%.

Mỗi xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh đều hình thành được các ngành nghề phát triển kinh tế tạo thu nhập ổn định cho người dân và phù hợp với thế mạnh của địa phương. Điển hình như mô hình trồng vải thiều, cây ăn quả tại các xã Hồng Giang, Quý Sơn, Thanh Hải, Phúc Hòa; mô hình trồng rau an toàn, ứng dụng công nghệ cao tại các xã Tiến Dũng, Việt Tiến, Phúc Sơn, Đông Phú; mô hình trồng hoa chất lượng tại các xã Thái Đào, Song Mai; mô hình nuôi trồng thủy sản tại các xã Xuân Phú, Việt Lập, Đại Lâm; mô hình chăn nuôi tại các xã Đồng Tâm, An Thượng, Ngọc Vân; mô hình trồng cây lâm nghiệp tại xã Tuấn Đạo.

Việt Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm