Ông Phan Văn Hùng - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác dân tộc. Ảnh: Tùng Lâm – TTXVN. |
Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Hà Ngọc Chiến đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc. Đồng bào các dân tộc thiểu số phát huy hơn nữa truyền thống cần cù trong lao động và sản xuất, khắc phục tâm lý trông chờ, tự ti. Mỗi người, từng gia đình đồng bào dân tộc thiểu số cần khắc phục khó khăn để con em mình được đến trường học tập, học nghề, nâng cao trình độ và kiến thức. Đồng thời, làm tốt công tác vận động đồng bào ăn ở hợp vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh, duy trì thăm khám bệnh; giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.
Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Tùng Lâm – TTXVN. |
Với chủ đề “Các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển”, Đại hội đề ra mục tiêu đến năm 2024, giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các xã vùng dân tộc thiểu số của tỉnh bình quân 3-4%/năm; thu nhập bình quân đầu người/năm bằng 1/2 thu nhập bình quân của tỉnh; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước phục vụ sản xuất; sắp xếp dân cư ổn định số hộ cư trú phân tán trong các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Bên cạnh đó, nâng tỷ lệ lao động trong độ tuổi người dân tộc thiểu số qua bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo lên trên 50%, trong đó 25% được đào tạo nghề; 100% xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, dành nguồn lực để đầu tư hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có tỉnh Bắc Giang. Cụ thể, giai đoạn 2014 - 2019, Bắc Giang đã triển khai hơn 63 chính sách của Trung ương và địa phương, với tổng nguồn lực gần 10 nghìn tỷ đồng, đầu tư trên 1,3 nghìn công trình giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực và bảo đảm an sinh xã hội. Kết quả, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh có sự tăng trưởng và phát triển mạnh về kinh tế xã hội: tổng giá trị sản xuất năm 2018 đạt khoảng 31,5 nghìn tỷ đồng, tăng 13,2 nghìn tỷ đồng so với năm 2014; thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số khoảng 65 triệu đồng/năm. Hiện nay, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh không còn hộ đói; tỷ lệ hộ nghèo ở vùng dân tộc và miền núi của tỉnh giảm bình quân 3 - 4%/năm. Đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự chuyển biến trong nhận thức, cùng sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu tạo thành các phong trào sản xuất kinh doanh giỏi. Niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước được nâng lên.
Toàn cảnh Đại hội. Ảnh: Tùng Lâm – TTXVN. |
Bên cạnh đó, phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số của tỉnh còn chậm, chưa đồng bộ và vững chắc; tình trạng thiếu đất sản xuất chưa được giải quyết triệt để; tỷ lệ hộ nghèo cao so với bình quân chung; kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội còn yếu kém. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc nhiều nơi chưa quan tâm đúng mức; một số hủ tục lạc hậu chưa được xóa bỏ... Nhân dịp này, 2 cá nhân ở tỉnh Bắc Giang được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 2 tập thể, 8 cá nhân được nhận Bằng khen của Ủy ban Dân tộc và 37 tập thể, 38 cá nhân được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang do có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc.
Đồng Thúy