Australia phục hồi thành công loại cỏ biển có nguy cơ tuyệt chủng

Phục hồi các hệ sinh thái là nhu cầu cấp thiết. Nguồn : wildfor.life
Phục hồi các hệ sinh thái là nhu cầu cấp thiết. Nguồn : wildfor.life

Một loài cỏ biển trước nguy cơ tuyệt chủng được tìm thấy ở ngoài khơi bờ biển bang New South Wales (NSW) của Australia đã được các nhà khoa học biển và nhóm tình nguyện viên bảo vệ môi trường mang tên Storm Squad phục hồi thành công.

Australia phục hồi thành công loại cỏ biển có nguy cơ tuyệt chủng ảnh 1Phục hồi các hệ sinh thái là nhu cầu cấp thiết. Nguồn : wildfor.life

Báo cáo về nỗ lực này đã được công bố trên tạp chí Bảo tồn sinh học (Biological Conservation) ngày 9/9. Dự án trên do nghiên cứu sinh tiến sĩ Giulia Ferretto tại Đại học New South Wales (UNSW) đứng đầu, cùng với khoảng 80 nhà khoa học tình nguyện khôi phục thảm cỏ biển - loài vốn đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái biển.

Theo bà Ferretto, trong 2 năm qua, nhóm Storm Squad đã thu thập được khoảng 1.500 chồi Posidonia tự nhiên trôi dạt lên bờ biển sau các trận bão, gió mạnh và thủy triều cao. Các chồi non cỏ biển này được giữ trong các hộp lớn trước khi được các thợ lặn đem trồng lại xuống đáy biển ở nhiều nơi khác nhau quanh Port Stephens (bang New South Wales). Bà Ferretto cho biết: “Chúng tôi phát hiện ra chồi được trồng vào mùa Đông đã sống tốt hơn chồi được trồng vào mùa Hè. Một số khu vực tái trồng đã đạt tỷ lệ sống sót tới 70% sau một năm”.

Nhóm nghiên cứu hiện đang mở rộng dự án của mình đến các vùng biển khác ở bang NSW như Vịnh Botany và Hồ Macquarie, hai trong các “thánh địa” của cỏ biển từng được liệt vào danh sách đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Những đồng cỏ biển có khả năng cung cấp thức ăn cho hàng trăm loài vật biển, trong đó có cá ngựa trắng hiếm, cua càng xanh và các loài cá như cá tráp, cá hồng và cá luderick. Bà Ferretto cho biết: “Thảm cỏ biển cũng đặc biệt hiệu quả trong việc thu và lưu giữ khí CO2 và có thể làm giảm tốc độ biến đổi khí hậu bằng cách lưu giữ CO2 tốt hơn các cánh rừng trên đất liền, cũng như ổn định trầm tích và bảo vệ bờ biển khỏi bị xói mòn”.

Bích Liên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm