Yên Bái lan tỏa phong trào trồng rừng

Năm 2020, các địa phương trong tỉnh Yên Bái đã gieo ươm trên 100.000 cây giống các loại. Ảnh: Đức Tưởng - TTXVN
Năm 2020, các địa phương trong tỉnh Yên Bái đã gieo ươm trên 100.000 cây giống các loại. Ảnh: Đức Tưởng - TTXVN

Trong 2 năm, 2019-2020, sau khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát động phong trào "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ", phong trào trồng rừng ở Yên Bái đã lan tỏa mạnh mẽ. Nhận thức về trồng cây, trồng rừng của người dân từng bước được nâng cao rõ rệt: đa số người dân Yêu Bái đều hiểu trồng rừng không chỉ để xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho gia đình mà còn góp phần tích cực trong việc chống xói mòn, biến đổi khí hậu để bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Thái Bình, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Yên Bái cho biết, đến nay không khí trồng cây, trồng rừng ở Yên Bái đã lan tỏa đến tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Nếu như trước đây, mỗi năm Yên Bái thường trồng 14 - 15 nghìn ha rừng, thì năm 2019 toàn tỉnh trồng hơn 16 nghìn ha rừng, năm 2020 trồng được gần 17 nghìn ha rừng, đưa độ che phủ rừng lên 63%.

Nhờ phong trào trồng rừng phát triển mạnh mẽ nên hiện nay diện tích đất để trồng rừng không còn nhiều. Đặc biệt đối với các huyện vùng thấp như Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên... toàn bộ đất lâm nghiệp đã được canh tác khá ổn định. Đa phần người dân chỉ trồng rừng thay thế trên diện tích rừng trồng mới được khai thác. Chính vì thế việc trồng rừng ở các huyện này hiện người dân đang tập trung nâng cao hiệu quả của rừng trồng như: chọn những giống cây cho năng suất, chất lượng cao, trồng rừng cây gỗ lớn...

Yên Bái lan tỏa phong trào trồng rừng ảnh 1Năm 2020, các địa phương trong tỉnh Yên Bái đã gieo ươm trên 100.000 cây giống các loại. Ảnh: Đức Tưởng - TTXVN

Thực tế cho thấy tỉnh Yên Bái có 522,9 ha đất lâm nghiệp với gần 433.414 ha đất là rừng tự nhiên và rừng trồng ổn định, còn lại hơn 89.000 ha chưa thành rừng; trong đó, có hơn 28.000 ha đã được trồng rừng nhưng chưa đạt tiêu chí thành rừng và gần 12.000 ha là rừng khoanh nuôi tái sinh. Đa phần số diện tích này nằm ở các xã vùng cao đặc biệt khó khăn thuộc các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải... Đối với các huyện này tỉnh Yên Bái đã có Đề án trồng cây sơn tra xen kẽ với các giống cây bản địa để bảo vệ được rừng đầu nguồn nhưng vẫn đem lại thu nhập quả sơn tra cho người dân.

Theo ông Lê Văn Nhen, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Thác Bà, đã nhiều năm nay diện tích rừng trồng của công ty và của cả nhân dân trong khu vực đã ổn định. Hàng năm công nhân của công ty và người dân chỉ trồng rừng thay thế và diện tích vừa khai thác xong chứ không thể có đất để trồng mới thêm rừng... Đời sống người trồng rừng từng bước được cải thiện, nhiều hộ không chỉ xóa được đói giảm được nghèo mà còn làm giàu được nhờ trồng rừng.

Ông Hà Văn Lạng nguyên Phó chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh cho biết, trước đây toàn bộ các hộ thuộc thôn Khang Chính sống bằng canh tác chè, nhưng do diện tích chè trong thôn đã cằn cỗi kém hiệu quả nên xã đã khuyến khích người dân chuyển đổi mục đích từ trồng chè sang trồng quế và các loài cây nguyên liệu giấy. Người dân đồng tình ủng hộ nên đến nay đa số diện tích chè đã được chuyển sang trồng rừng vi vậy thu nhập của người dân cao hơn và ổn định hơn...

Để phong trào trồng rừng ở Yên Bái bền vững, hiệu quả, tỉnh Yên Bái đã quy hoạch các vùng trồng rừng tập trung như, vùng quế ở các huyện Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn... vùng tre măng bát độ ở Trấn Yên, Yên Bình, vùng nguyên liệu giấy ở Yên Bình, Trấn Yên... Cùng với đó, Yên Bái luôn có chính sách ưu tiên thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp chế biến nông lâm sản để tiêu thụ các sản phẩm rừng trồng cho người dân.

Trong định hướng tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, Yên Bái đã tập trung chỉ đạo phát triển trồng rừng sản xuất thành hướng đi quan trọng đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề rừng; cải thiện sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số và những đối tượng khác được hưởng lợi thông qua phí dịch vụ môi trường rừng. Nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng theo hướng phát triển lâm nghiệp đa chức năng, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ nhỏ sang khai thác gỗ lớn nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp gỗ cho công nghiệp chế biến đồ gỗ, góp phần vào tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và bảo vệ môi trường.

Đức Tưởng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm