Hiện nay, M’Đrắk là huyện có diện tích rừng trồng (chủ yếu là cây keo lai) lớn nhất tỉnh Đắk Lắk, với khoảng 15.000 ha. Rừng trồng không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định, làm thay đổi bộ mặt của những vùng quê nghèo mà còn góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng ở địa phương, cải thiện môi sinh môi trường.
Mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng
Cây keo bén duyên với vùng đất M’Đrắk từ khoảng năm 1996, nhưng thực sự phát triển thì vào khoảng năm 2010. Ban đầu, cũng chỉ có một số hộ trồng thí điểm, nhưng khi nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng keo, người dân ở đây đã mạnh dạn chuyển nhiều diện tích sang trồng loại cây này. Hiện nay, keo lai được trồng chủ yếu ở các xã Ea Trang, Cư K’róa, Cư M’ta...
Xã Ea Trang (giáp tỉnh Khánh Hòa) là địa phương có diện tích trồng keo lớn nhất của huyện M’đrắk, với khoảng 4.000 ha. Ông Y Đôi Niê, Chủ tịch UBND xã Ea Trang cho biết, đất ở đây bạc màu, không phù hợp để phát triển các cây trồng truyền thống của vùng Tây Nguyên như cà phê, hồ tiêu nhưng với cây keo lai lại rất thích hợp.
Cây keo lai khá dễ trồng, tốn ít chi phí đầu tư, công chăm sóc. Năm đầu, các hộ chỉ cần xuống giống làm vài đợt cỏ cho cây keo có sức phát triển. Từ năm thứ 2 cho đến khi thu hoạch, chỉ cần chống cháy cho rừng vào mùa khô, không cần tốn thêm công gì cho rừng trồng.
Không như những loại cây trồng khác, sau khi xuống giống người dân phải bón thêm các đợt phân, phun thuốc để phòng chống sâu bệnh, với cây keo lai thì tuyệt nhiên không.
“Về hiệu quả kinh tế, cây keo này mang lại hiệu quả cao, với chi phí đầu tư cho mỗi héc ta rừng khoảng 20 triệu đồng cho một chu kỳ 5 năm, khi thu hoạch các hộ trồng sẽ thu về khoảng 100 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 50 - 70 triệu đồng/ha”, ông Y Đôi cho biết.
Đến nay, có hơn 1.000 hộ dân trong xã đã chọn trồng rừng để phát triển kinh tế. Trồng keo lai đã trở thành hướng đi đúng, là cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Ông Y Man Niê ở thôn 3, xã Ea Trang có 3 ha đất đồi cho biết, trước đây diện tích này gia đình ông dùng để trồng các cây ngắn ngày như ngô, sắn. Tuy nhiên do chi phí đầu tư cao, năng suất bấp bênh nên may lắm gia đình ông cũng chỉ đủ ăn. Khi nhà nước có chủ trương trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc lại thấy trồng keo hiệu quả, gia đình ông chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng loại cây này nhờ đó cuộc sống đã trở nên cuộc sống ổn định hơn.
Ông Y Man phấn khởi cho biết, từ khi trồng keo đến nay, gia đình đã khai thác được 2 chu kỳ, sau khi trừ chi phí cũng có được cả trăm triệu tiền lãi, hơn hẳn so với trồng ngô, sắn.
“Trong năm đầu tiên cây keo còn nhỏ mình có thể trồng xen cây ngô hoặc sắn, vừa ngăn không cho cỏ dại mọc, vừa tạo được thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Năm 2019, nhà mình mới khai thác keo, tiền lãi cũng đủ dựng căn nhà mới”, ông Y Man nói.
Cũng nhờ trồng rừng mà gia đình anh Y Liu Byă ở thôn 3, xã Ea Trang đã có của ăn của để. Sau khi lập gia đình, ra ở riêng, anh được ông bà chia cho 3 héc ta đất trống. Thấy bà con trong vùng trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình anh cũng xuống giống 3 ha keo lai. Sau 5 năm trồng và chăm sóc, kỳ thu hoạch đầu tiên đã cho anh thu nhập hơn 150 triệu đồng, một số tiền lớn mà chưa bao giờ anh dám mơ đến.
Đi đôi với phát triển rừng trồng, việc thu mua chế biến gỗ rừng trồng cũng được hình thành và phát triển tạo thuận lợi cho đầu ra cho sản phẩm cũng như tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Hợp tác xã Tiến Nam ( thôn 7, thị trấn M’Đrắk) là một đơn vị trồng, thu mua và chế biến gỗ rừng trồng lớn nhất tại địa phương. Hiện nay, hợp tác xã Tiến Nam đang có diện tích rừng nguyên liệu khoảng 4.000 ha và một nhà máy chế biến dăm gỗ với công suất khoảng 100.000 tấn năm, đảm bảo thu mua và chế biến gần như toàn bộ sản lượng gỗ rừng trồng hàng năm tại địa phương.
Sản phẩm của Hợp tác xã sau khi chế biến thô được xuất sang thị trường Nhật Bản. Hợp tác xã đang tạo công ăn việc làm thường xuyên và thời vụ cho khoảng 500 lao động, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số địa phương, với mức thu nhập bình quân khoảng 7 đến 8 triệu đồng/người/tháng.
“Nhu cầu gỗ rừng trồng trên thị trường thế giới hiện còn rất lớn, do đó việc phát triển rừng trồng theo hướng bền vững, đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao giá trị sản phẩm là mục tiêu hướng đến của Hợp tác xã trong thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Huệ, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tiến Nam cho biết.
Chủ trương phát triển ngành kinh tế lâm nghiệp
Không chỉ mang lại lợi ích to lớn về kinh tế, việc phát triển rừng trồng ở huyện M’Đrắk cũng đang góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, nâng cao độ che phủ rừng, giảm áp lực xâm hại rừng tự nhiên trên địa bàn.
Ông Lê Ngọc Tam, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện M’Đrắk cho biết, hiện nay, độ che phủ rừng trên địa bàn huyện khoảng 53%, cao hơn rất nhiều so với độ che phủ bình quân chung của tỉnh (khoảng gần 39%). Hầu hết diện tích đất trống, đồi trọc trên địa bàn đã được người dân tận dụng để trồng cây keo lai, nhờ đó độ che phủ rừng cũng nâng lên đáng kể.
Trước đây, khi chưa trồng rừng, người dân chủ yếu trồng cây hoa màu, được vài vụ thì đất bạc màu, họ lại tìm cách phá rừng để mở rộng diện tích hoặc khai thác lâm sản để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, nhờ trồng rừng sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thêm rất nhiều việc làm cho người dân nên tình trạng phá rừng tự nhiên để lấy đất sản xuất cũng giảm.
Theo ông Hòa Quang Khiêm, Chủ tịch UBND huyện M’Đrắk, với lợi thế về đất đai, khí hậu trong những năm qua Huyện ủy, UBND huyện cũng đã xác định lâm nghiệp là một thành phần kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương, từ đó, đã đề ra nhiều chủ trương để phát triển ngành kinh tế lâm nghiệp, đặc biệt là trồng rừng nguyên liệu. Khi đi vào cuộc sống, những chủ trương này đã được các doanh nghiệp và bà con nhân dân ủng hộ.
Đến nay, toàn huyện có khoảng 15.000 ha rừng trồng, mỗi năm khai thác khoảng 1.000 ha với sản lượng gỗ hơn 100.000 m3. Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục quy hoạch, duy trì vùng sản xuất ở phía đông và đông nam; gắn sản xuất với chế biến tạo thành chuỗi giá trị cho sản phẩm, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế rừng trồng...
Ngoài ra, huyện M’Đrắk định hướng sẽ chuyển một số diện tích rừng trồng sang trồng các loài cây gỗ lớn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Anh Dũng