Giữ màu xanh cho rừng Chư Mom Ray

Một góc rừng khu vực vườn Quốc gia Chư Mom Ray. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Một góc rừng khu vực vườn Quốc gia Chư Mom Ray. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Những nỗ lực giữ màu xanh cho các cánh rừng ở Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (Kon Tum) đã mang lại sức sống mới cho nơi đây. Niềm vui mới đến với những người dân sống quanh rừng khi Chư Mom Ray đang từng bước phủ xanh các mảng đồi trọc nơi đây.

Giữ màu xanh cho rừng Chư Mom Ray ảnh 1Một góc rừng khu vực vườn Quốc gia Chư Mom Ray. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Không gian sống cho buôn làng

Năm 2015, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray có chủ trương thu hồi một số diện tích rẫy dân xâm canh trong vườn, đây là diện tích dân gieo trồng từ trước khi vườn được thành lập. Theo đó, 15 hộ tại làng Đăk Đê bị ảnh hưởng khi có 7,5 ha đất rẫy được thu hồi. Nhằm giúp dân ổn định cuộc sống, Vườn đã bố trí đất sản xuất cho dân vào khu vực khác.

Ông A Thun - một hộ ở Đăk Đê bị thu hồi 4 sào đất rẫy cho biết, thời gian đầu có thông báo, ông cũng băn khoăn về việc Vườn quốc gia lấy rẫy thì gia đình ông sẽ khó khăn hơn nhưng khi được bố trí đất mới thì ông đã đồng tình. "Sau này, Vườn quốc gia còn giúp dân có việc làm, tăng thu nhập bằng cách giao diện tích này cho dân trồng rừng. Sau trồng, mình nhận chăm sóc, quản lý, bảo vệ và hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng trên chính mảnh đất này", ông A Thun cho hay.

Anh A Sur cũng người làng Đăk Đê chia sẻ, sau 2 năm trồng, đến nay 7,5 ha đất rẫy thu hồi nói trên đã được người dân làng Đăk Đê trồng hàng loạt cây mới như sao, dầu, muồng… Cây sinh trưởng, phát triển cao 1,5-2 mét. Những ngày đầu tháng 8 này, khi những cơn mưa rừng xuất hiện nhiều và đều, người dân Đăk Đê lại tổ chức đi trồng dặm. “Một số cây chết nên mình phải đi trồng dặm, kết hợp phát quang cây. Các cây trồng sinh trưởng bình thường thì không cần lo. Chỉ thêm một năm, khi cây khép tán lúc đó người dân khỏe hơn, ít chăm sóc, không dọn thực bì”, anh A Sur nhớ lại.

Từ khi có thêm thu nhập qua việc quản lý, bảo vệ rừng thì ý thức bảo vệ của người dân Đăk Đê, cộng đồng sống quanh rừng được nâng cao. Cụ thể, làng Đăk Đê có hai cộng đồng trực tiếp tham gia quản lý, bảo vệ gần 1.000 ha rừng quanh làng. Khu vực này lại được hưởng tiền từ Quỹ dịch vụ môi trường rừng với đơn giá 720 nghìn đồng/ha nên thời gian qua công tác phối hợp trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng nơi đây được người dân chủ động, nghiêm túc thực hiện, hằng tuần chia nhau phối hợp bảo vệ rừng.

Anh A Sur cho biết, mỗi lần đi bảo vệ rừng, anh cũng như người dân Đăk Đê đều phối hợp với chủ rừng. "Cả cộng đồng cùng tham gia nên công việc cũng nhàn. Tiền từ việc tham gia quản lý, bảo vệ rừng sẽ góp phần mua lương thực, thực phẩm hay các nhu yếu phẩm trong nhà. Có thêm thu nhập nên ai cũng háo hức tham gia. Giữ rừng là giữ mái nhà, giữ không gian sống cho buôn làng”, anh A Sur nói.

Mầm xanh cho tương lai

Theo Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Rờ Kơi (Ban quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray) Hoàng Văn Hương, với người dân Tây Nguyên giữ rừng, gieo ươm màu xanh cho các cánh rừng là giúp người dân giữ được không gian sống quanh mình. Người dân xã Rờ Kơi bao đời sinh ra, lớn lên gắn bó mật thiết với rừng nên dân hiểu và mong muốn giữ màu xanh cho rừng. Bên cạnh đó, việc tham gia bảo vệ rừng người dân sẽ được chủ rừng chi trả tiền lấy từ nguồn Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trả công, tạo thêm nguồn thu nhập nên người dân hứng khởi hơn.

“Giờ người dân ý thức hơn việc giữ rừng, tích cực tham gia tuần tra bảo vệ rừng. Ngoài phạm vi nhận khoán, khi có vụ việc người dân và cộng đồng vẫn tích cực hỗ trợ cùng chủ rừng bảo vệ rừng”, Trạm trưởng Hoàng Văn Hương nói. Thời gian qua, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray đã phủ xanh 150 ha đất trống thành rừng, đây là những mầm xanh mới cho tương lai nơi này.

Theo Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray Đào Xuân Thủy, để phủ xanh các diện tích đồi trọc, thời gian qua vườn đã khoanh nuôi, xúc tiến tái xanh tự nhiên để rừng có cây gỗ nhỏ, tre nứa phục hồi chất lượng rừng.

Giữ màu xanh cho rừng Chư Mom Ray ảnh 2Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, di sản ASEAN, nằm trên địa phận Sa Thầy và Ngọc Hồi của tỉnh Kon Tum, là vườn Quốc gia duy nhất của Việt Nam tiếp giáp với hai nước bạn Lào và Campuchia. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN

Với diện tích khoanh nuôi, tái sinh tự nhiên, chủ rừng sẽ phát quang cây phi mục đích để cây rừng phát triển. Với diện tích đất trống, đơn vị đưa vào kế hoạch trồng mỗi năm. Với diện tích đất dân làm rẫy chồng lấn, đơn vị tiếp tục tuyên truyền, vận động dân trả, tự nguyện trồng lại rừng. Người dân trồng thì đơn vị cung cấp giống, phân, hỗ trợ kỹ thuật, Khi thành rừng diện tích trên sẽ giao dân quản lý, bảo vệ và đơn vị lấy tiền từ nguồn Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng để chi trả, góp phần bảo vệ rừng và tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân sống quanh rừng

Hàng trăm ha rừng mang mầm xanh mới đã bắt đầu hình thành ở các cánh rừng trong Vườn Quốc gia Chư Mom Ray. Đây là những mầm xanh của niềm tin và hy vọng cho tương lai mai sau.

Cao Nguyên
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm