Năm 2016, có 4 doanh nghiệp được Quỹ Đầu tư và Phát triển tỉnh Đắk Nông cho vay gần 17 tỷ đồng để trồng rừng thay thế diện tích rừng đã chuyển đổi mục đích sang các dự án thủy điện. Tiếc thay sau 4 năm, số tiền được giải ngân đã không thành rừng, còn diện tích thành rừng thì sắp tới chu kỳ khai thác trắng, cơ bản không đạt mục tiêu đề ra là thay thế diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng đã chuyển đổi sang các công trình thủy điện.
Được vay ưu đãi, nhưng không trồng đủ rừng
Tháng 8/2016, Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Bảo Lâm được phê duyệt dự án đầu tư trồng rừng thay thế trên diện tích rừng đã chuyển đổi mục đích sang xây dựng công trình thủy điện. Địa điểm trồng rừng trên lâm phần quản lý của công ty tại một số xã thuộc huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông với tổng diện tích thiết kế hơn 300ha. Loại cây trồng là keo lai, phương thức trồng thuần loài (tức là chỉ trồng duy nhất cây keo), mật độ gần 1.700 cây/ha.
Tổng mức đầu tư của dự án được xác định là gần 23 tỷ đồng; trong đó, vốn vay từ nguồn vốn đầu tư trồng rừng thay thế hơn 9 tỷ đồng, chiếm 40% tổng dự toán. Thời gian cho vay là 7 năm, lãi suất ưu đãi 0%.
Cuối năm 2016, đầu năm 2017, Quỹ Đầu tư và Phát triển Đắk Nông tiến hành giải ngân cho Công ty TNHH Bảo Lâm. Tổng số tiền giải ngân hơn 7,1 tỷ đồng, thấp hơn 1,9 tỷ đồng so với dự toán ban đầu do diện tích trồng thực tế của Công ty TNHH Bảo Lâm không đủ so với thiết kế (hơn 237ha so với hơn 300ha trong hồ sơ thiết kế ban đầu).
Đến tháng 8/2018, đoàn công tác liên ngành do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông chủ trì đã tổ chức kiểm tra, đánh giá số lượng, chất lượng rừng trồng của Công ty TNHH Bảo Lâm. Kết quả kiểm tra, ngành chức năng tỉnh Đắk Nông không khỏi bất ngờ khi cả số lượng, chất lượng rừng đều thấp một cách bất thường.
Cụ thể, Công ty TNHH Bảo Lâm còn hơn 106ha rừng keo lai, chỉ đạt gần 45% diện tích đã được giải ngân cho vay. Diện tích “biến động giảm” được xác định là hơn 130ha, chiếm hơn 55% so với diện tích được giải ngân.
Theo báo cáo của công ty, nguyên nhân là do bị cháy, người dân lấn chiếm và một số diện tích chưa được chăm sóc nên không đủ mật độ theo quy định. Báo cáo của ngành chức năng cũng xác định, phần lớn diện tích rừng của Công ty TNHH Bảo Lâm chưa được phát dọn thực bì và phòng chống cháy, cây trồng chính (keo lai) bị chen lấn, dẫn tới sinh trưởng phát triển kém, nguy cơ cháy rừng cao, ảnh hưởng xấu đến việc thu hồi vốn vay sau này.
Tương tự như Công ty TNHH Bảo Lâm, từ tháng 9 – 11/2016, 3 doanh nghiệp gồm: Công ty cổ phần Nông lâm nghiệp Khải Vy, Doanh nghiệp tư nhân cây kiểng Đức Minh và Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai cũng được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt dự án trồng rừng thay thế diện tích rừng đã chuyển đổi mục đích sang xây dựng các công trình thủy điện. Loại cây trồng là keo lai, phương thức trồng thuần loài. Tổng diện tích được phê duyệt gần 340ha và tổng số tiền đã được giải ngân cho vay hơn 9,5 tỷ đồng.
Kết quả kiểm tra của đoàn công tác liên ngành do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông chủ trì vào tháng 8/2018 cũng xác định số tiền giải ngân vượt diện tích rừng đã trồng đối với 3 doanh nghiệp trên gần 1 tỷ đồng.
Loay hoay giải quyết hậu quả
Theo ông Trịnh Anh, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Đầu tư và Phát triển Đắk Nông, đơn vị đã xin ý kiến lãnh đạo tỉnh và đang tiến hành các thủ tục thẩm định, bán đấu giá tài sản thế chấp của Công ty TNHH Bảo Lâm để thu hồi số tiền gần 4 tỷ đồng đã giải ngân cho công ty này. Đây là số tiền đã cho vay trồng rừng, nhưng không còn diện tích trên thực tế.
Cũng theo ông Trịnh Anh, Quỹ Đầu tư và Phát triển Đắk Nông buộc phải tiến hành các biện pháp siết nợ vì đơn vị nhiều lần có văn bản đề nghị Công ty TNHH Bảo Lâm hoàn trả số tiền đã giải ngân đối với diện tích “biến động giảm” hơn 130ha. Giám đốc Công ty TNHH Bảo Lâm là ông Hoàng Ngọc Việt đã nhiều lần hứa hẹn cân đối, hoàn trả nợ, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
Ngày 10/4/2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông cũng đã có công văn tham mưu UBND tỉnh Đắk Nông không đồng ý gia hạn thời gian hoàn trả nợ đối với Công ty TNHH Bảo Lâm và đề nghị áp dụng các biện pháp, chế tài cần thiết để thu hồi nợ.
Văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông khẳng định, nhu cầu kinh phí để triển khai trồng rừng thay thế trong năm 2020 và các năm sau là rất lớn. Do đó, cần sớm thu hồi số tiền đã giải ngân đối với diện tích không còn rừng tại dự án của Công ty TNHH Bảo Lâm để bố trí cho các đơn vị khác.
“Trong trường hợp không bán đấu giá được để thu hồi vốn vay (gần 4 tỷ đồng), chúng tôi sẽ tổ chức thuê quản lý, bảo vệ hơn 106ha rừng keo lai đến chu kỳ khai thác dự kiến vào năm 2022”, ông Trịnh Anh cho biết thêm.
Ông Hoàng Ngọc Việt, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Lâm nhận định trồng keo lai hiệu quả kinh tế không cao. Thời gian từ khi trồng đến khi khai thác là 7 năm nên các vấn đề chăm sóc, phòng cháy, chữa cháy rừng rất tốn kém. Dự án của công ty cũng kém hiệu quả vì người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng cây nông nghiệp, dù công ty đã bố trí lực lượng quản lý, bảo vệ.
Để làm rõ vấn đề này về phương diện pháp lý đối với các dự án nêu trên; việc thẩm định, đánh giá năng lực nhà đầu tư; quy trình giải ngân cho vay, thu hồi vốn…, chúng tôi đã liên hệ với Nguyễn Hải Định, Nguyên Giám đốc Quỹ Đầu tư và Phát triển Đắk Nông, nhưng ông liên tục báo bận “việc gia đình” và không hợp tác. Hiện ông Nguyễn Hải Định là nhân viên Quỹ Đầu tư và Phát triển Đắk Nông.
Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, keo lai là cây ngắn ngày, không phù hợp để trồng rừng thay thế rừng phòng hộ, đặc dụng đã chuyển đổi sang các dự án thủy điện. Từ năm 2017 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông chỉ phê duyệt các dự án trồng rừng thay thế bằng các loại cây dài ngày, cây bản địa như: sao, dầu, thông, gáo…
Phóng viên TTXVN tại Đắk Nông sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan và thông tin về vụ việc này.
Hưng Thịnh