Tây Nguyên (gồm 5 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng) hiện có khoảng 2,55 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên khoảng 2,206 triệu ha, còn lại là rừng trồng; độ che phủ rừng bình quân là 46,19%. Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là lệnh “đóng cửa rừng” của Thủ tướng chính phủ, các tỉnh Tây Nguyên triển khai nhiều biện pháp để giữ rừng và đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng vẫn là vấn đề “nóng” ở Tây Nguyên làm giảm cả về diện tích, trữ lượng rừng. Đặc biệt, thời gian gần đây, trên địa bàn Tây Nguyên liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng hết sức nghiêm trọng.
Loạt 4 bài viết với chủ đề: “Áp lực giữ rừng ở Tây Nguyên”, TTXVN muốn đề cập đến những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Tây Nguyên từ khi Thủ tướng Chính phủ có chủ trương đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên; những áp lực, khó khăn, vướng mắc; đề xuất giải pháp từ các lực lượng chức năng, địa phương trong khu vực để làm tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Tây Nguyên hiện nay.
Bài 3 - Nhiều thách thức trong giữ rừng tự nhiên
Áp lực bảo vệ rừng
Theo ông Hà Công Tài, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng IV (Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Với đặc thù địa lý của của khu vực Tây Nguyên, rừng tự nhiên trải rộng trên khắp các địa phương, địa hình có nhiều núi cao, hiểm trở, khó di chuyển. Đặc biệt, trong mùa mưa Tây Nguyên việc di chuyển tuần tra, truy quét tại các khu vực núi cao, rừng có nhiều gỗ quý gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây các đối tượng "lâm tặc" trở nên manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng quản lý bảo vệ rừng khi bị phát hiện và khống chế. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý bảo vệ rừng trong thời gian tới.
Đơn cử như việc tiếp cận được khu vực phân bố những quần thể pơ mu tại tiểu khu 1219, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông (Đắk Lắk), lực lượng quản lý bảo vệ rừng phải đi bộ mất hai ngày với địa hình vô cùng hiểm trở ở độ cao trên 1.600 mét so với mực nước biển. Có thể nói, để tiếp cận, bảo vệ được khu vực phân bố gỗ quý đã rất khó khăn thì việc bắt quả tang, truy bắt đối tượng phá rừng là “nhiệm vụ bất khả thi” đối với lực lượng quản lý bảo vệ rừng tại khu vực này.
Đặc biệt, thời gian gần đây nhiều kiểm lâm phải “đổ máu” trong rừng bởi các đối tượng "lâm tặc" chống trả khi bị phát hiện và truy bắt. Một trong những vụ việc nghiêm trọng xảy ra vào tháng 9/2018 là tổ tuần tra của Vườn quốc gia Chư Yang Sin (Đắk Lắk và Lâm Đồng) do kiểm lâm Ngô Đức Liên làm tổ trưởng bị một nhóm người tấn công bằng súng tự chế. Hậu quả, khiến anh Liên bị trúng 20 viên đạn tự chế khắp cơ thể. Mặc dù tích cực điều trị và cứu được tính mạng nhưng đến nay trong cơ thể anh Liên vẫn còn những viên đạn do bị "lâm tặc" tấn công. Hiện anh Ngô Đức Liên phải nghỉ việc do sức khỏe yếu và trở thành gánh nặng cho gia đình khi không còn sức lao động.
Hay gần đây nhất là hai vụ việc hành hung cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk và Đắk Nông) xảy ra vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Khi lực lượng quản lý bảo vệ rừng phát hiện các vụ phá rừng, vận chuyển gỗ rừng từ Vườn gia Yok Đôn nên tổ chức truy đuổi và vây bắt. Tuy nhiên, khi phát hiện lực lượng chức năng có ít người, các đối tượng "lâm tặc" đã quay lại tấn công khiến nhiều cán bộ kiểm lâm phải “đổ máu” giữa rừng.
Không chỉ tấn công gây thương tích cho cán bộ kiểm lâm giữ rừng mà các “tổ chức” phá rừng, đầu nậu gỗ còn thực hiện “khủng bố tinh thần” của lực lượng Kiểm lâm bằng tin nhắn đe dọa qua điện thoại và mạng xã hội. Rõ ràng, một nghịch lý đang diễn ra trong công tác quản lý bảo vệ rừng khi lực lượng kiểm lâm lại trở thành “mục tiêu” tấn công của các đối tượng vi phạm pháp luật. Đây cũng là áp lực không nhỏ “đè nặng” lên lực lượng quản lý bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó, tình trạng di dân ngoài kế hoạch tại khu vực Tây Nguyên diễn biến phức tạp trong những năm qua cũng làm diện tích rừng tự nhiên bị suy giảm bởi nhu cầu đất ở, đất sản xuất của dân di cư tự do. Từ năm 2005 đến nay, tỉnh Đắk Lắk không đón nhận người dân di cư theo kế hoạch. Tuy nhiên, từ năm 2005 đến 31/12/2019 vẫn có có 1.841 hộ với 9.109 khẩu của 51 tỉnh, thành, di cư tự do đến 10 huyện trên địa bàn tỉnh. Riêng trong 2 năm (2018-2019) đã có 150 hộ với 748 khẩu di cư đến địa bàn tỉnh Đắk Lắk, trong đó chủ yếu là đồng bào Mông với 134 hộ, 698 khẩu, tập trung đến các huyện Ea Súp, Lắk, M’Đrắk. Cùng với số dân trước đó chưa được quy hoạch, giải quyết đất ở, đất sản xuất tạo ra sức ép rất lớn cho các vấn đề kinh tế, xã hội, anh ninh trật tự tại địa phương, trong đó có cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Hiện nay tỉnh Đắk Lắk đang triển khai 13 dự án bố trí dân di cư tự do với quy mô bố trí cho 4.402 hộ với 23.269 khẩu, số này còn sống rải rác trong rừng nhưng chưa được Trung ương bố trí đủ kinh phí để thực hiện. Ngoài ra, qua rà soát trên địa bàn tỉnh còn phát sinh 7 điểm có dân di cư tự do cần đầu tư cấp bách với quy mô 2.635 hộ cần phải lập dự án quy hoạch để có cơ sở đầu tư sắp xếp, ổn định dân cư với tổng mức đầu tư dự kiến 945.283 triệu đồng. Tại tỉnh Đắk Nông vẫn còn gần 6.000 hộ dân, với gần 17.000 nhân khẩu đang cư trú trái phép trên diện tích gần 12.000 ha rừng.
Tình trạng người dân di cư tự do, phá rừng làm nương rẫy cũng tạo áp lực không nhỏ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại khu vực Tây Nguyên. Theo thống kê của Chi Cục Kiểm lâm vùng VI, chỉ tính từ tháng 1 đến tháng 11/2019 trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã có trên 550 vụ phá rừng làm nương rẫy, trong đó, tỉnh Đắk Nông xảy ra 382 vụ; Lâm Đồng xảy ra 116 vụ; Gia Lai có 44 vụ…
Cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện
Sau khi thực hiện chủ trương đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2016. Trung ương cùng các bộ, ngành đã triển khai các văn bản pháp luật như Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng; Quyết định số 297/QĐ-TTg ngày 18/3/2019 về phê duyệt Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030 và một số quyết định, thông tư về chính sách hỗ trợ kinh phí quản lý bảo vệ rừng cho các công ty lâm nghiệp không được khai thác rừng tự nhiên.
Tuy nhiên, theo Chi cục Kiểm lâm vùng IV, việc thực hiện các cơ chế, chính sách trên còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: Đối với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, chỉ được thực hiện đối với các chủ rừng có diện tích rừng nằm trong lưu vực các hồ, đập thủy điện. Đối với các chủ rừng còn lại chỉ được cấp kinh phí theo Quyết định số 2242/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, do đó gặp nhiều khó khăn về tài chính khi không đủ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng.
Theo quy định trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí quản lý, bảo vệ rừng thì chỉ có những công ty lâm nghiệp Nhà nước được hỗ trợ. Đối với các công ty lâm nghiệp ngoài quốc doanh, được Nhà nước giao đất, giao rừng hoặc cho thuê đất, thuê rừng thì không được hỗ trợ kinh phí để quản lý, bảo vệ rừng. Điều này cũng làm giảm hiệu quả trong quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên khi các doanh nghiệp tư nhân phải trả tiền thuê rừng cho Nhà nước và phải bỏ kinh phí để quản lý bảo vệ rừng nhưng không được hưởng lợi từ rừng.
Cũng theo Chi cục Kiểm lâm vùng IV, một trong những nguyên nhân khiến rừng tự nhiên tại Tây Nguyên bị suy giảm là một bộ phận lớn các chủ rừng, đặc biệt là các công ty lâm nghiệp Nhà nước, các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ mặc dù được Nhà nước giao quản lý với diện tích lớn nhưng không đủ năng lực, nhân lực và kinh phí để bảo vệ lâm phần được giao.
Chính quyền và các cơ quan chuyên môn ở địa phương chưa thực sự quan tâm, thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao; sự phối hợp giữa các cấp, ngành, lực lượng chức năng, chủ rừng còn chưa đồng bộ để kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm "lâm luật".
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về diễn biến tài nguyên rừng năm 2018 tại Tây Nguyên, diện tích rừng tự nhiên do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý là 300.453 ha, đây thực sự là những diện tích rừng “vô chủ” và dễ bị xâm hại nhất khi hầu hết cấp xã không đủ kinh phí và lực lượng để quản lý, bảo vệ rừng.
Những khó khăn, áp lực trong công tác quản lý bảo vệ rừng cùng những bất cập trong việc thực hiện hệ thống cơ chế, chính sách khiến nguồn tài nguyên rừng Tây Nguyên đang bị suy thoái nghiêm trọng về cả số lượng lẫn chất lượng dẫn đến nguy cơ “sa mạc hóa” khu vực Tây Nguyên khi liên tục mất rừng. Thực trạng này đòi hỏi các cấp, ngành, hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương phải có những giải pháp thật sự hiệu quả, phù hợp với tình hình mới để khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng Tây Nguyên bền vững. (Còn nữa)
Nhóm PV TTXVN tại Tây Nguyên