Theo ông Hoàng Phúc Cường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, nhờ làm tốt tuyên truyền vận động người dân thấy rõ lợi ích của việc trồng rừng; sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở nên phong trào trồng rừng ở Yên Bái ngày một phát triển mạnh mẽ.
Cũng theo ông Cường, hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái đang tập trung chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh thương xuyên xuống cơ sở để kiểm tra, phát hiện và tháo gỡ khó khăn cho người dân để có phương án phù hợp đẩy nhanh tiến độ trồng rừng vụ Hè Thu năm 2020; đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng rừng trồng trên địa bàn. Đến hết năm nay, tỉnh phấn đấu hoàn thành kế hoạch trồng 16.000 ha rừng.
Để có cây giống chất lượng đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật cung ứng cho việc trồng rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các Ban Quản lý bảo vệ rừng, các công ty lâm nghiệp, hợp tác xã dịch vụ lâm nghiệp, hộ gia đình... tổ chức chăm sóc và gieo ươm cây giống, phục vụ trồng rừng.
Qua đó, năm 2020 các địa phương đã gieo ươm trên 100.000 cây giống các loại; trong đó có trên 57 triệu cây đã xuất vườn để phục vụ trồng rừng trong và ngoài tỉnh.
Các huyện như Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Yên Bình... đã chủ động tăng cường hàng trăm lượt cán bộ kỹ thuật “ba cùng” với bà con để vận động, tuyên truyền hướng dẫn cho các chủ vườn ươm về kỹ thuật làm đất, gieo cây giống và trồng, chăm sóc rừng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có những chính sách phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và các hộ chủ rừng để trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, hiện nay ở Yên Bái do thời tiết nắng nóng kéo dài, đặc biệt là các huyện, thị xã thuộc khu vực phía Tây của tỉnh Yên Bái như: huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải nên việc trồng rừng vụ Hè Thu đã phải tạm dừng lại để đến khi có mưa xuống mới vận động người dân đẩy nhanh tiến độ trồng rừng.
Ông Vũ Đình Trường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn cho biết, do đặc thù về thời tiết khắc nghiệt tại các xã vùng cao của huyện Văn Chấn và các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải nên việc trồng rừng khó khăn hơn. Đa số người dân phải trồng rừng hàng năm đều thực hiện vào thời điểm cuối mùa Xuân đến những ngày đầu của mùa Hè. Còn vụ Hè Thu thì thường phải trồng vào những ngày đầu mùa thu khi có mưa xuống, thậm chí nhiều năm phải đợi đến mưa ngâu (tháng 7 âm lich) mới tiến hành trồng rừng được.
Hiện nay, tỉnh Yên Bái đã trồng mới được hơn 13.000 ha rừng, đạt trên 82% kế hoạch cả năm, trong đó, người dân tập trung trồng chủ yếu các loài cây như quế, keo, bồ đề và tre măng bát độ theo quy hoạch của tỉnh. Toàn bộ diện tích rừng mới trồng trên địa bàn tỉnh đều phát triển tốt, tỷ lệ cây sống đạt trên 95%.
Ông Nguyễn Thái Bình, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái khẳng định, hiện nay, việc chỉ đạo trồng rừng của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái không chỉ chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ cho đúng thời vụ mà còn giúp nâng cao chất lượng rừng trồng. Đối với trồng rừng kinh tế, các giống cây được lựa chọn có chất lượng gỗ tốt, năng suất cao, trồng liền ô liền thửa tạo vùng rộng lớn, đáp ứng cho nhu cầu chế biến.
Đã nhiều năm nay, người trồng rừng ở Yên Bái không chỉ xóa đói, giảm nghèo, mà nhiều hộ đã trở nên giàu có nhờ trồng rừng. Việc tiêu thụ gỗ rừng trồng và các sản phẩm lâm nghiệp được tạo ra từ rừng trồng ở Yên Bái luôn có giá ổn định, không còn gặp khó khăn như những năm trước đây, do đó, phong trào trồng rừng đang ngày càng phát triển mạnh.
Đức Tưởng