Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân các dân tộc Yên Bái đang thi đua lập thành tích để chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Yên Bái (11/4/1900 - 11/4/2020) và 75 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Yên Bái (30/6/1945 - 30/6/2020). Trong suốt chiều dài lịch sử, trải qua các bước thăng trầm, Yên Bái có những biến động nhất định về mặt địa lý, dân cư và lịch sử... nhưng kể từ khi chính thức thành lập tỉnh Yên Bái, trở thành mốc son, đánh dấu một sự kiện quan trọng của nhân dân các dân tộc trên mảnh đất quê hương này.
Phát huy truyền thống anh hùng
Ngày 11/4/1900, Toàn quyền Đông Dương đã ra nghị định chính thức thành lập tỉnh Yên Bái, chấm dứt thời kỳ thực hiện chế độ quân quản để Yên Bái trở thành đơn vị hành chính cấp tỉnh nhưng vẫn nằm dưới sự cai trị của bộ máy chính quyền phong kiến tay sai của thực dân Pháp. Đồng bào các dân tộc trong tỉnh Yên Bái vẫn bị nô dịch trong vòng tăm tối, lạc hậu, cuộc sống cơ cực, lầm than.
Không cam chịu số phận làm nô lệ cho thực dân phong kiến, đồng bào các dân tộc Yên Bái cùng nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân Pháp, các cuộc khởi nghĩa của đồng bào Kinh, Tày, Dao... ở nhiều nơi trong tỉnh đã liên tục nổ ra đấu tranh chống bắt phu, bắt lính, cướp ruộng đất… Đỉnh cao của tinh thần yêu nước đó là cuộc Khởi nghĩa Yên Bái của tổ chức yêu nước Việt Nam Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học khởi xướng.
Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập đã mở ra một trang sử mới cho lịch sử cách mạng Việt Nam, tác động mạnh mẽ đến Yên Bái. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tập hợp, đoàn kết, đi theo cách mạng; đến đầu năm 1945, nhiều cơ sở cách mạng đã được hình thành, phát triển ở khắp các huyện trong tỉnh, tạo khí thế cách mạng của quần chúng dâng cao. Ngày 07/5/1945, Chi bộ Đảng thị xã Yên Bái được thành lập, đây là chi bộ đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Yên Bái - từ hạt giống đỏ này, phong trào cách mạng đã lan rộng khắp nơi.
Khi cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng của tỉnh, tiếp thu gia tài đổ nát do chế độ cũ để lại: công nghiệp phá sản, nông nghiệp đình đốn, tài chính kiệt quệ, nạn đói đe dọa trầm trọng, hơn 90% dân số mù chữ, tệ nạn xã hội phức tạp... Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Yên Bái, chính quyền công nông non trẻ vẫn đứng vững, chống lại mọi âm mưu và thủ đoạn phá hoại của bọn phản cách mạng; lãnh đạo nhân dân các dân tộc, động viên cao độ sức người, sức giải phóng quê hương, cùng cả nước góp phần làm nên Chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng miền Bắc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Yên Bái tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường trong chiến tranh cách mạng, đem hết sức lực, trí tuệ vượt qua khó khăn, chiến đấu bảo vệ quê hương, khắc phục hậu quả, hàn gắn vết thương chiến tranh; cùng cả nước chi viện cho miền Nam, góp phần làm nên thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trước bộn bề khó khăn, cùng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân trên cả nước, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh từng bước giành được những thành tựu quan trọng, đẩy lùi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đưa cách mạng Việt Nam bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo.
Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới
Bước vào giai đoạn xây dựng, kiến thiết đất nước, sau gần 30 năm tái lập tỉnh và gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Yên Bái anh hùng, đoàn kết một lòng, đồng tâm, hiệp lực, tự lực, tự cường, khơi dậy tiềm năng, phát huy nội lực, huy động mọi nguồn lực phục vụ xây dựng và phát triển quê hương. Đến nay, sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội 18 Đảng bộ tỉnh, với ý chí, tinh thần cách mạng tiến công, cùng khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Yên Bái đã vượt lên mọi khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện, tạo nên diện mạo mới.
Ông Nguyễn Văn Hùng (78 tuổi ở phường Hồng Hà) nhớ lại: Trước đây cả thị xã Yên Bái (nay là thành phố Yên Bái) chỉ có một con đường nhựa chính xuyên suốt thành phố. Con đường đó ngày nay là các các đoạn Đinh Tiên Hoàng, Điện Biên, Hoàng Hoa Thám, nhưng 2 đoạn đường Điện Biên, Đinh Tiên Hoàng được xây dựng vào tháng 3/1979 nên còn được gọi là Đường 379. Con đường này sau khi hoàn thành và được đưa vào sử dụng khoảng 5 đến 6 năm mà vào các buổi tan tầm chỉ lác đác vài chiếc xe đạp đi trên đường, trông buồn lắm, còn vào các giờ làm việc hành chính hay buổi trưa thì hầu như vắng bóng người qua lại. Ngày nay, dọc các tuyến đường trong thành phố như đường Âu Cơ, đường Nguyễn Tất Thành, các đoạn đường Đinh Tiên Hoàng, Điện Biên, Hoàng Hoa Thám hay đường Nguyễn Thái Học... đều rợp bóng cờ hoa, người xe nhộn nhịp. Hai bên những tuyến đường nội thị các nhà cao tầng đã đua nhau mọc lên, cùng hàng loạt các nhà hàng, khách sạn. Nhịp sống đô thị đã đổi thay nhanh chóng, người dân của thành phố Yên Bái đang sống cuộc sống của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên cuộc sống trở lên gấp gáp hơn. Yên Bái đã và đang bước vào thời kỳ công nghệ 4.0.
Cùng với cả nước, hiện nay Yên Bái đang tiến những bước vững chắc và tự tin trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển. Những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, những hiệu quả thiết thực từ các chỉ thị, nghị quyết, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, có lợi cho dân mà Yên Bái đã đạt được chính là kết tinh trí tuệ, tâm huyết, sức lực, bản lĩnh của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Kết quả đó, thành công đó tiếp tục tạo đà cho Yên Bái phấn đấu đi lên trên hành trình xây dựng tỉnh phát triển khá trong Vùng trung du và miền núi phía Bắc của Tổ quốc.
Bằng quyết tâm, nỗ lực phấn đấu và sự năng động, sáng tạo, đổi mới không ngừng, Yên Bái ngày nay đã đạt được những thành quan trọng, vượt bậc: Kinh tế tăng trưởng khá theo hướng bền vững, gắn với bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội và thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân... Vai trò, vị thế Yên Bái là trung tâm liên kết phát triển vùng được khẳng định.
Đặc biệt, trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững Yên Bái là điểm sáng của cả khu vực Tây Bắc - tỉnh đã có 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm trên 50% số xã toàn tỉnh, gấp 3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra...
Đức Tưởng