Các nhà khoa học ở Italy đang tìm hiểu về sự xuất hiện bí ẩn của lớp băng màu hồng trên dãy Alps (An-pơ), vốn được cho là tảo sinh sôi do các tác động của biến đổi khí hậu.
Băng tuyết phủ trên dãy Alps ở Val d'Isere, Pháo ngày 5/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Lớp băng màu hồng đã làm dấy lên một cuộc tranh luận về việc loài tảo này đến từ đâu. Theo chuyên gia Biagio Di Mauro thuộc Hội đồng nghiên cứu quốc gia Italy, lớp băng tuyết màu hồng xuất hiện tại một số khu vực thuộc sông băng Presena nhiều khả năng giống với loài tảo đã được tìm thấy ở Greenland.
Là người từng nghiên cứu về nhiều loài tảo - trong đó có tảo tại sông băng Morteratsch ở Thụy Sĩ, ông Biagio Di Mauro cho biết: "Loài tảo này không nguy hiểm, đây là một hiện tượng tự nhiên xảy ra trong thời gian mùa Xuân và mùa Hè ở các khu vực ở độ cao trung bình và ở cả các cực của Trái Đất".
Loài tảo có tên khoa học là Ancylonema nordenskioeldii này xuất hiện tại khu vực được đặt tên là Dark Zone (Vùng tối) của Greenland - nơi cũng đang chứng kiến hiện tượng băng tan chảy do biến đổi khí hậu. Thông thường băng dội lại hơn 80% bức xạ của Mặt Trời vào khí quyển, nhưng khi tảo xuất hiện, chúng khiến băng trở nên tối màu hơn, qua đó hấp thụ nhiệt và tan nhanh hơn.
Thêm nhiều tảo xuất hiện khi băng tan nhanh hơn, cung cấp cho chúng những yếu tố sống còn là nước và không khí, đồng thời bổ sung sắc đỏ vào lớp băng tuyết trắng ở Passo Gavia - nơi có độ cao 2.618 mét.
Ông Di Mauro cho biết: "Mọi yếu tố khiến tuyết tối màu đều sẽ làm băng tuyết tan chảy vì hiện tượng này làm tăng tốc độ hấp thụ bức xạ". Ngoài ra, chuyên gia này lưu ý rằng sự hiện diện của người đi bộ và cáp treo phục vụ người trượt tuyết cũng có thể tác động đến tảo. Ông nêu rõ: "Chúng tôi đang cố gắng đánh giá ảnh hưởng của các hiện tượng khác ngoài yếu tố con người đối với tình trạng Trái Đất ấm dần lên".
Thanh Phương