Xử lý rơm sau thu hoạch nâng cao thu nhập và hiệu quả sản xuất lúa ở Đồng Tháp

Hiện nay, diện tích lúa Đông Xuân 2023-2024 thu hoạch 110.475/189.000 ha. Sau khi thu hoạch xong, nhiều thương lái đến mua rơm tươi, giúp người trồng lúa tăng thêm nguồn thu nhập, bình quân mỗi ha lúa vừa thu hoạch xong còn thu thêm từ 600 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/ha từ bán rơm tươi và sử dụng rơm tươi bằng nấm Trichoderma bổ sung phân hữu cơ, tăng độ phì nhiêu cho đất, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, từ vụ lúa Hè Thu 2024.

vna_potal_nong_dan_dong_thap_them_nguon_thu_nhap_tu_ban_rom_tuoi_7286860.jpg
Thu hoạch rơm tươi ở cánh đồng xã Tân Phú, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). Ảnh : Nguyễn Văn Trí – TTXVN

Hàng năm, lượng rơm rạ sau khi thu hoạch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp khá lớn. Trước đây, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, do nhu cầu sử dụng thấp và thời gian chuyển giao mỗi vụ rất ngắn (khoảng 20 ngày) nên phần lớn bà con nông dân chọn cách đốt rơm rạ tại ruộng. Thực trạng này gây ô nhiễm môi trường, làm tăng phát thải khí nhà kính, đặc biệt gây mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng.

Theo tính toán của các chuyên gia ngành nông nghiệp, trong 1 tấn rơm chứa khoảng 7kg đạm, 1,2kg lân, 20kg kali, 40kg silic và 400kg carbon. Do vậy, việc đốt bỏ rơm rạ đồng nghĩa là bỏ đi một lượng phân bón, chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng.

vna_potal_nong_dan_dong_thap_them_nguon_thu_nhap_tu_ban_rom_tuoi_7286867.jpg
Thu hoạch rơm tươi ở xã Tân Phú, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). Ảnh : Nguyễn Văn Trí – TTXVN

Đối với việc bán rơm tươi, được thương lái mua và đưa máy đến thu hoạch tận ruộng lúa để lấy rơm cuốn thành cuộn, bình quân máy cuộn thành từng cuộn nặng từ 20 - 22 kg, mỗi ha lúa thu hoạch hơn 100 cuộn rơm, mỗi ngày có thể cuộn được từ 300 - 500 cuộn rơm/máy, trừ các chi phí, thương lái còn lãi hơn 2 triệu đồng/ngày/máy. Bà con tận dụng phụ phẩm sau thu hoạch là rơm, hạn chế đốt rơm trên đồng ruộng, mang hết rơm rạ thừa sau thu hoạch ra khỏi đồng ruộng để làm sạch đất và cắt mầm bệnh của vụ mùa trước. Rơm cuốn thành cuộn sau đó vận chuyển đi tiêu thụ ở các các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và ra các tỉnh miền Đông để làm nấm rơm, ủ gốc cây, hoa màu hay làm thức ăn cho gia súc.

Ông Nguyễn Thành Dũng ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình vui mừng là hơn 4 năm nay ông đều bán được rơm tươi, ông có 3 ha đất, mỗi năm anh bán 2 đợt rơm tươi được gần 4 triệu đồng, qua đó góp phần tăng thêm nguồn thu từ sản xuất lúa, bên cạnh khỏi phải đốt rơm bỏ đi làm ảnh hưởng đến môi trường. Sau khi đưa rơm ra khỏi ruộng đã giúp ông làm sạch đất và cắt mầm bệnh của lúa mùa vụ trước để vụ lúa tiếp theo sản xuất tốt, tránh được mầm bệnh.

vna_potal_nong_dan_dong_thap_them_nguon_thu_nhap_tu_ban_rom_tuoi_7286868.jpg
Thu hoạch rơm tươi ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Trí – TTXVN

Theo ông Nguyễn Văn Kết ngụ ấp 3, xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, trước đây, do không có nhu cầu sử dụng rơm rạ nên sau mỗi vụ thu hoạch, gia đình thường đốt rơm ngay tại ruộng dẫn đến thực trạng là cây lúa thường bị vàng lá, rễ thâm đen, sinh trưởng chậm, sau khi sử dụng chế phẩm vi sinh bằng nấm Trichoderma rãi lên rơm, giúp rơm phân hủy nhanh, kịp thời trước khi gieo sạ; đồng thời giúp cải tạo đất, cung cấp thêm dinh dưỡng cho lúa, giảm hiện tượng vàng lá ngộ độc hữu cơ, giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt.

Đặc biệt, bộ rễ lúa phát triển mạnh, bám sâu vào đất, tạo điều kiện cho cây hút dinh dưỡng từ bên ngoài, cây lúa hạn chế ngã đổ khi thời tiết xấu. Nhờ vậy, khi sử dụng nấm Trichoderma làm cho rơm phân hủy nhanh, qua đó làm phân hữu cơ giúp cây lúa phát triển tốt, vụ lúa vừa qua ông Kết thực hiện sử dụng nấm Trichoderma, lúa cho năng suất cao từ 9-10 tấn/ha, đồng thời giảm được 40% chi phí sản xuất.

vna_potal_nong_dan_dong_thap_them_nguon_thu_nhap_tu_ban_rom_tuoi_7286869.jpg
Thu hoạch rơm tươi ở xã Tân Phú, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). Ảnh : Nguyễn Văn Trí – TTXVN

Ông Bùi Hữu Soi - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp cho biết, việc xử lý rơm rạ bằng nấm Trichoderma giúp nông dân tránh tình trạng đốt đồng gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn dinh dưỡng trong rơm. Đặc biệt là giảm chi phí mua phân bón và giảm ít nhất 2 lần phun thuốc trừ bệnh đạo ôn. Trong định hướng tới, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp phối hợp với địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền vận động nông dân trồng lúa áp dụng kỹ thuật canh tác xử lý rơm rạ bằng nấm Trichoderma.

Ba vụ lúa trong năm là Đông Xuân, Hè Thu và Thu Đông trong tỉnh Đồng Tháp sản xuất gần 500 nghìn ha lúa, nếu bán và sử lý rơm tươi sau thu hoạch lúa được từ 50% diện tích lúa thì bà con nông dân sản xuất lúa trong toàn tỉnh có thêm nguồn thu nhập thêm hàng trăm tỷ đồng từ nguồn bán rơm tươi và xử lý rơm thành phân hữu cơ bón cho lúa.

Nguyễn Văn Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm