Nông dân xử lý rơm, rạ sau thu hoạch. Ảnh: baothuathienhue.vn |
Từ vụ Hè Thu 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp cùng các địa phương xây dựng mô hình "Ứng dụng các biện pháp canh tác tổng hợp để xử lý rơm rạ sau thu hoạch"; được triển khai tại 11 hợp tác xã với tổng diện tích là 106 ha. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hướng dẫn cho các địa phương sử dụng chế phẩm sinh học CNX - thành phần Trichoderma spp để phân hủy gốc rạ. Cụ thể, sử dụng 250g sản phẩm trộn đều với 1 - 2 kg lân, rải đều ruộng trước hoặc sau khi phay, lồng đất (trên diện tích 1.000m²); hoặc trộn chung với các loại phân bón để bón vào các thời kỳ lúa ở giai đoạn bón lót, bón thúc. Theo đánh giá của nông dân, trên ruộng có xử lý bằng chế phẩm vi sinh rơm, rạ phân hủy nhanh, nền ruộng xốp, mặt nước trong, ít có hiện tượng váng đỏ, đất mềm, tỷ lệ lúa chết lúc mới gieo (do ngộ độc hữu cơ, rơm rạ chưa phân hủy…) ít hơn, giảm được công dặm tỉa. Lúa sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, thân to, lá có màu xanh bền, hạn chế tình trạng lúa bị bệnh bệnh nghẹt rễ vàng lá sinh lý. Đáng chú ý, trên ruộng có xử lý bằng chế phẩm vi sinh mặt nước trong hơn, ít xuất hiện váng đỏ do phèn; đặc biệt bộ rễ lúa phát triển mạnh, bám sâu vào đất là điều kiện thuận lợi để cây hút dinh dưỡng từ bên ngoài và cây lúa hạn chế gãy, ngã khi có gió to. Kinh nghiệm của các hợp tác xã đã sử dụng chế phẩm này thì cần dùng máy cày để phay, lồng đất 1-2 lượt trước khi rải chế phẩm vi sinh đã tạo các điều kiện cho quá trình phân hủy rơm rạ được nhanh hơn, hiệu quả tốt hơn. Trong vụ đầu thực hiện trên 20 ha tại các xã Vinh Thái, Phú Thanh (huyện Phú Vang), Thủy Châu (thị xã Hương Thủy), Phong Bình huyện (Phong Điền); chi phí sử dụng chế phẩm từ 35.000 - 40.000 đồng/sào (500m2), nhưng cung cấp một nguồn phân hữu cơ cho đất, giảm chi phí sản xuất, tỷ lệ lúa chết lúc mới gieo do ngộ độc hữu cơ, rơm rạ chưa phân hủy ít hơn, cho năng suất cao hơn từ 2- 4 tạ/ha, đã giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường đến mức thấp nhất... Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng này, ngoài việc sử dụng chế phẩm sinh học CNX để phân hủy gốc rạ, ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế còn khuyến cáo, vận động người dân làm và sử dụng nấm trichoderma từ rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp An Lỗ (huyện Phong Điền) cho biết, bình quân 1 sào lúa thu được khoảng 10 - 12 cuộn rơm (đường kính 80cm). Với giá 20.000 đồng/cuộn cung cấp cho các cơ sở làm nấm thì đầu ra của rơm cuộn tạm thời chỉ đủ phục vụ cho một số hộ dân địa phương trồng nấm. Hiện, hợp tác xã đang quảng bá nguồn rơm hữu cơ từ diện tích 22 ha lúa hữu cơ của địa phương để trồng nấm hữu cơ, xây dựng chuỗi thương hiệu hữu cơ khép kín. Quan trọng hơn cả là hợp tác xã đã giải quyết được tình trạng rơm rạ tồn dư, bị đốt bỏ. Với lượng rơm rạ khô sau mỗi vụ thu hoạch đạt khá lớn, nếu biết sử dụng hợp lý là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và mang lại hiệu quả cao. Tỉnh Thừa Thiên - Huế có diện tích gieo cấy lúa hàng năm khoảng 28.000 ha (vụ Đông Xuân). Riêng vụ Hè Thu khoảng hơn 20.000 ha, nhưng tiến hành ngay sau thu hoạch lúa vụ Đông Xuân nên thời gian chuẩn bị đất quá ngắn, đất không được làm kỹ, rơm rạ vụ trước chưa kịp phân hủy, trong điều kiện yếm khí sẽ tạo ra các chất độc ức chế sự phát triển, thậm chí làm thối rễ, dẫn đến cây lúa không hút được chất dinh dưỡng, bị suy yếu; những nơi ảnh hưởng nặng làm lúa bị chết, phải gieo sạ lại, gây thiệt hại như trễ thời vụ, tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến vụ sau. Tính ra, sau mỗi vụ thu hoạch có khoảng 80% lượng rơm rạ bị đốt hủy gây ô nhiễm môi trường, làm tăng phát thải khí nhà kính, đặc biệt gây mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng. Với lượng rơm rạ khô sau mỗi vụ thu hoạch đạt khá lớn như vậy, nếu biết sử dụng hợp lý là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và mang lại hiệu quả cao. Việc xử lý và sử dụng hiệu quả nguồn rơm, rạ sau thu hoạch như đã nêu ở trên đang là vấn đề cấp bách được nhiều địa phương, hợp tác xã quan tâm đầu tư, nhân rộng...
Quốc Việt