Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch gắn với đặc trưng vùng đất, con người Cà Mau

Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch gắn với đặc trưng vùng đất, con người Cà Mau

Ngày 4/5, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, từ ngày 30/4 đến 3/5, tỉnh đón hơn 83.000 lượt khách đến tham quan các khu, điểm du lịch và di tích trên địa bàn tỉnh, tổng mức doanh thu đạt trên 77 tỷ đồng.

Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch gắn với đặc trưng vùng đất, con người Cà Mau ảnh 1Du khách chiêm ngưỡng một tổ ong ruồi vừa mới thu hoạch. Ảnh: Kim Há-TTXVN

Sự kiện Hương rừng U Minh thuộc Chương trình sự kiện ‘‘Cà Mau – Điểm đến 2022’’ tổ chức thành công thu hút đông khách du lịch đến Cà Mau trong dịp 30/4 và 1/5. Tại sự kiện, nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn như: Đi bộ xuyên rừng, xác lập kỷ lục ‘‘Tổ ong lớn nhất Việt Nam’’ và ‘’Lẩu mắm lớn nhất Việt Nam’’. Bên cạnh đó, Cà Mau tổ chức hoạt động giao lưu Đờn ca tài tử, trò chơi dân gian, đua xuồng ba lá trên sông, trải nghiệm vườn dâu, thu hoạch cá đồng, theo chân thợ gác kèo ong lấy mật... Đây được xem là những sản phẩm du lịch hấp dẫn; góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh đến với du khách trong và ngoài nước gắn với việc bảo tồn những nét văn hóa đặc trưng về con người, vùng đất Cà Mau.

Hai năm qua, ngành Du lịch tỉnh gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19. Nhờ tình hình dịch được kiểm soát tốt,từ giữa tháng 3/2022 đến nay, du lịch Cà Mau phục hồi, tăng trưởng mạnh. Tuy vậy, lũy kế từ đầu năm 2022 đến ngày 3/5, lượng khách đến Cà Mau đạt hơn 558.600 lượt người, giảm 10% và mức doanh thu đạt 660 tỷ đồng, giảm 12% so cùng kỳ năm 2021.

Du lịch Cà Mau đang trên đà phục hồi, phát triển mạnh mẽ. Dự báo lượng khách du lịch đến địa phương trong thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng, nhất là khách quốc tế. Do đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh chủ động triển khai tốt chuỗi chương trình ‘‘Cà Mau – Điểm đến 2022’’, trong đó, Ngày hội cua Cà Mau được xem là điểm nhấn hứa hẹn thu hút đông du khách quốc tế.

Ngành Du lịch chú trọng xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, đặc biệt là sản phẩm OCOP, quà lưu niệm gắn với đặc trưng vùng đất, con người Cà Mau nhằm tăng sức hấp dẫn, khích thích du khách mua sắm mỗi khi đến địa phương tham quan, trải nghiệm, du lịch.

Kim Há

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm