Du lịch Cà Mau sẵn sàng bứt phá (Bài 1)

Du lịch Cà Mau sẵn sàng bứt phá (Bài 1)

Trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19, các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đã mở cửa trở lại với nhiều tín hiệu lạc quan, lượng khách du lịch đến Cà Mau tăng hơn so với cùng kỳ. Nhằm từng bước kích cầu, khôi phục du lịch trong tình hình mới, ngành du lịch Cà Mau đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thích ứng với các cấp độ dịch. Đồng thời, Cà Mau mở thêm các tour, tuyến, phát triển những sản phẩm du lịch mới để thu hút, giữ chân du khách. Phóng viên TTXVN thực hiện 2 bài về vấn đề này với chủ đề "Du lịch Cà Mau sẵn sàng bứt phá".

Bài 1: Khơi nguồn tiềm năng

Cà Mau có vị trí địa lý nằm ở điểm "Cực Nam Tổ quốc", đồng thời trong hành lang phát triển kinh tế phía Nam của chương trình hợp tác phát triển kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng, có điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế với các nước Đông Nam Á... Do đó, bên cạnh phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế thì việc hợp tác, hội nhập để phát triển lĩnh vực du lịch biển là chiến lược rất quan trọng để ngành du lịch địa phương phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Du lịch Cà Mau sẵn sàng bứt phá (Bài 1) ảnh 1Mũi Cà Mau. Ảnh: TTXVN

Trải nghiệm nhiều loại hình du lịch độc đáo

Huyện Trần Văn Thời, từ lâu đã được biết đến khi có cả 2 hệ sinh thái mặn - ngọt với rừng vàng, biển bạc... Bên cạnh đó, huyện còn có 5 di tích lịch sử cấp quốc gia, 3 di tích cấp tỉnh cùng nhiều loại hình văn hóa độc đáo của cộng đồng dân tộc Kinh - Hoa - Khmer... Nơi đây đã và đang xây dựng thành điểm đến du lịch có sức hút mạnh mẽ với du khách bởi nguồn tài nguyên quý giá, sản phẩm du lịch đặc sắc, đa dạng và hấp dẫn.

Những năm qua, kết cấu hạ tầng được đầu tư, nâng cấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan khi đến các khu, điểm du lịch nằm trên địa bàn huyện. Hiện nay, chỉ trong một ngày, khách du lịch có thể đến với nhiều điểm du lịch khác nhau, thưởng thức nhiều loại thực phẩm vùng ngọt, vùng mặn và hải sản; trải nghiệm nhiều loại hình sinh hoạt độc đáo như: đờn ca tài tử, câu cá, ăn ong, đặt lọp…

Huyện Trần Văn Thời có các điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, mua sắm. Hòn Đá Bạc thuộc xã Khánh Bình Tây ghi dấu chiến công vang vội Chuyên án CM12, được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Điểm du lịch này mỗi năm đón hàng chục ngàn du khách thập phương về chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên và tìm hiểu lịch sử.

Đặc biệt, gần 100 năm qua, ngư dân vùng biển thị trấn Sông Đốc luôn duy trì Lễ hội Nghinh Ông truyền thống vào ngày 15/2 âm lịch. Khách thập phương hội tụ về đây sẽ được ra khơi cùng đoàn tàu rước cá Ông và được hòa mình với biển cả bao la. Hoạt động này mang tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.

Những năm qua, hoạt động du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng ở huyện Trần Văn Thời có nhiều khởi sắc. Ông Huỳnh Khánh Lập, chủ Điểm dừng chân Anh Minh (ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi) tâm đắc, với đặc điểm tự nhiên đa dạng, phong phú, Làng rừng Vồ Dơi sẽ là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch. "Gia đình tôi đã xây dựng điểm dừng chân phục vụ du khách các món ăn dân dã từ sản vật quê hương, giúp khách trải nghiệm nghề lấy ong, cùng chế biến các món ngon, đi tham quan rừng… Song song đó là kết hợp kinh doanh các mặt hàng truyền thống như khô cá bổi, mật ong, chuối khô… Tôi dự tính sẽ xây dựng những căn nhà tranh vách lá, nền đất tại điểm dừng chân. Sau một ngày trải nghiệm với các loại hình du lịch, du khách có thể chọn nghỉ ngơi tại đây để tìm cảm giác thư thái và có thêm trải nghiệm mới trong chuyến du lịch đến Làng rừng Vồ Dơi", ông Huỳnh Khánh Lập phấn khởi cho biết về dự định của mình.

Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Trần Tấn Công khẳng định, chính sự đa dạng về tiềm năng, cộng với sự đầu tư nâng cấp hạ tầng những năm gần đây là điều kiện để Đảng bộ huyện vạch ra nhiều giải pháp nhằm nâng tầm du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Cụ thể, Đảng bộ huyện Trần Văn Thời đã xây dựng Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng và phát triển du lịch trở thành điểm đến hấp dẫn, có uy tín và sức cạnh tranh cao. Xây dựng một số sản phẩm, loại hình du lịch đạt thương hiệu du lịch khu vực, quốc gia. Theo đó, huyện phấn đấu đến năm 2025 đón ít nhất 150.000 lượt khách, trong đó có 300 lượt khách quốc tế, doanh thu từ du lịch đạt khoảng 30 tỷ đồng/năm, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho trên 2.000 lao động trong lĩnh vực du lịch, có 100 buồng khách sạn. Đến năm 2030, huyện đón ít nhất 200.000 lượt khách/năm, trong đó có 500 lượt khách quốc tế, doanh thu từ du lịch đạt khoảng 40 tỷ đồng/năm, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho trên 2.000 lao động trong lĩnh vực du lịch, có 120 buồng khách sạn và tương đương.

Du lịch Cà Mau sẵn sàng bứt phá (Bài 1) ảnh 2Cột cờ Hà Nội trên quê hương Đất Mũi Cà Mau là điểm nhấn quan trọng thúc đẩy ngành du lịch của địa phương. Ảnh: TTXVN

Đẩy mạnh phát triển du lịch biển

Nằm trong hành lang phát triển kinh tế phía Nam của Chương trình hợp tác phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế với các nước Ðông Nam Á, do vậy hợp tác và hội nhập là chiến lược rất quan trọng đối với du lịch Cà Mau. Để phát huy tối đa lợi thế, tỉnh đã xác định kinh tế du lịch là trọng tâm và lâu dài. Ngày 10/10/2016, Tỉnh ủy Cà Mau khóa XV ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Từ đó, du lịch Cà Mau có những bước tiến bứt tốc, phong phú, cả về số lượng lẫn chất lượng.

Địa phương rất chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch vùng ven biển và các đảo có tiềm năng; khuyến khích đầu tư xây dựng một số khu nghỉ dưỡng ven biển và Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Bên cạnh đó, tỉnh khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch vùng ven biển để thúc đẩy phát triển du lịch; xây dựng, phát triển đa dạng hoá các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, Khu Ramsar, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và các di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc của tỉnh.

Cà Mau tiếp tục hoàn thiện thủ tục mời gọi đầu tư xây dựng cảng biển tổng hợp Hòn Khoai; nạo vét cửa biển Bồ Ðề, khôi phục hoạt động Cảng Năm Căn; xây dựng mới Cảng biển Sông Ðốc thành cảng hàng hóa kết hợp với phát triển du lịch; phát triển đội tàu vận tải biển, nâng cao năng lực vận chuyển hàng hoá qua các cảng biển của tỉnh. Tỉnh khuyến khích đầu tư phát triển các tuyến vận chuyển hành khách, hàng hóa kết nối từ Năm Căn, Khai Long, Sông Ðốc ra đảo Phú Quốc, Thổ Chu, Nam Du và ngược lại. Khai thác tốt các tuyến vận tải biển kết nối các tỉnh lân cận. Đồng thời, Cà Mau tập trung phát triển các cụm kinh tế biển kết nối tuyến đường trên đê biển Tây, đường Nam Sông Ðốc và đường trục chính Ðông Tây.

Khi hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ cơ bản thông suốt, đảm bảo tính kết nối, đồng bộ đến các điểm du lịch chính như: Ðất Mũi, Khai Long, hòn Ðá Bạc, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ… và tất nhiên, kéo theo đó là sự dịch chuyển tất yếu của du lịch biển. Ðến nay, ven tuyến đường Hồ Chí Minh về xã Ðất Mũi (huyện Ngọc Hiển) đã có trên 14 điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Khi phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng thông qua sản phẩm du lịch đã tạo ra thị trường việc làm, góp phần bảo vệ phát triển rừng, bảo vệ môi trường tự nhiên, tạo việc làm, thu nhập cho người dân bản địa, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Là địa phương có chiều dài bờ biển khoảng 98 km, huyện Ngọc Hiển đã và đang đón nhận 3 dự án điện gió đầy tiềm năng. Địa phương đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế biển phù hợp với điều kiện thực tế, như đầu tư nâng cấp đội tàu vươn khơi; chuyển đổi công năng phương tiện khai thác gần bờ sang hình thức du lịch biển; phát triển cụm, khu du lịch cộng đồng... Theo ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, ngành du lịch biển sẽ là một trong những điểm nhấn quan trọng của Ngọc Hiển. Do vậy, huyện đã và đang xúc tiến nhiều nội dung, lĩnh vực quan trọng. Riêng đội tàu công suất nhỏ không đủ điều kiện vươn khơi của huyện trong chiến lược vươn khơi đến năm 2030, huyện sẽ hỗ trợ cải hoán và chuyển đổi công năng thành những chuyến tàu vận chuyển khách du lịch ven vùng bãi bồi, vùng Mũi Cà Mau và những thuyền viên, chủ tàu được đào tạo trở thành những hướng dẫn viên du lịch, lực lượng phục vụ chuyên nghiệp. Với kinh nghiệm đi biển, lực lượng này sẵn sàng và chủ động cho các tình huống bất khả kháng trong các chuyến du hành, sẽ rất thuận lợi và phù hợp.

Hiện huyện Ngọc Hiển đang tăng cường phát triển mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng mang nét đặc trưng của vùng Ðất Mũi. Cộng với các công trình, kiến trúc tầm cỡ quốc gia đã hoàn thiện sẽ là điểm nhấn quan trọng cho hướng phát triển mới giàu tiềm năng.

Ở phía biển Tây, giáp vịnh Thái Lan, vùng biển từ Cái Ðôi Vàm (huyện Phú Tân) đến Tiểu Dừa (huyện U Minh) cũng đã và đang manh nha các mô hình du lịch biển đầy triển vọng. Ông Châu Minh Ðảm, Chủ tịch UBND xã Khánh Hội (huyện U Minh), chia sẻ: "Ðiều kiện phát triển du lịch biển Khánh Hội hoàn toàn thuận lợi. Chúng tôi dự tính sẽ tham mưu thực hiện trên tuyến đê biển Tây từ cửa biển Khánh Hội đến cống T29 bằng quy mô công trình du lịch lấn biển. Tạo được hành lang này đảm bảo sẽ mang tính kết nối thông suốt và hiệu quả với các khu du lịch trong tuyến như hòn Ðá Bạc, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, đầm Thị Tường, du lịch sinh thái miệt vườn và kết nối các tua tuyến với tỉnh bạn Kiên Giang, Bạc Liêu".

Tỉnh Cà Mau đã ban hành kế hoạch hiện thực hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Cà Mau sẽ tiếp tục quy hoạch chi tiết các khu du lịch ven biển như Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, đầm Thị Tường, hòn Ðá Bạc, Hòn Khoai; xây dựng, phát triển các tuyến du lịch đường biển kết nối Hòn Khoai, Sông Ðốc, Cảng Năm Căn, Nam Du, Phú Quốc. Tỉnh đầu tư hạ tầng du lịch vùng ven biển và các đảo có tiềm năng; khuyến khích, thu hút đầu tư xây dựng một số khu nghỉ dưỡng ven biển ở Năm Căn, Ngọc Hiển, U Minh, Trần Văn Thời để du khách lưu trú, ở lại với địa phương lâu hơn.

Ðể biến những ý tưởng trở thành hiện thực với niềm khát vọng lớn lao, Cà Mau khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lich nghỉ dưỡng; trọng tâm là khai thác tiềm năng, lợi thế của Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau. (Xem tiếp Bài 2: Phát triển đồng bộ các sản phẩm, dịch vụ du lịch)

Huỳnh Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm