Xây dựng nông thôn mới ở Hưng Yên (Bài 2)

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở Hưng Yên đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân. Kết quả này là sự nỗ lực, sáng tạo của các cấp ủy, chính quyền và hơn cả là sự ủng hộ, chung sức, đồng lòng của nhân dân trong tỉnh. Đây chính là “chìa khóa” để mỗi làng, xã trên mảnh đất “xứ nhãn” đều là “những miền quê đáng sống”.

Bài 2: Để mỗi làng, xã đều là một miền quê đáng sống

bai2a.jpg
Xã Tân Dân là xã đầu tiên của huyện Khoái Châu và là một trong 6 xã đầu tiên của tỉnh Hưng Yên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: Quang Nhiều-TTXVN

Phát huy sức mạnh nội sinh

Từ huyện khó khăn nhất tỉnh nhưng với cách làm năng động, sáng tạo cộng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, chính quyền và nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, đến nay diện mạo nông thôn ở huyện Phù Cừ đã không ngừng khởi sắc và trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hưng Yên.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ Vũ Xuân Thủy cho biết, với xuất phát điểm thấp, huyện Phù Cừ xác định tiêu chí "dễ làm trước, khó làm sau", không để tư tưởng nóng vội chạy theo thành tích. Các cán bộ từ xã đến thôn đã thực hiện tốt phương châm 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với nhân dân và là đầu tàu gương mẫu bám sát cơ sở, đến từng hộ dân để "cầm tay chỉ việc" cùng nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phù Cừ lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành 7 nghị quyết chuyên đề, trong đó có Nghị quyết số 200-NQ/HU ngày 16/4/2021 về Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu huyện Phù Cừ, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo ông Vũ Xuân Thủy, xác định khi được công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu phải có đặc trưng để tạo ra sự khác biệt, vì thế Phù Cừ đã lựa chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về bảo vệ môi trường và sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung định hướng ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025. Với sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, cùng sự đồng thuận của nhân dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng cây ăn quả đặc sản giá trị cao. Đến nay, huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn với tổng diện tích trên 3.000 ha; trong đó nổi tiếng nhất là vải trứng, đây là đặc sản riêng có của mảnh đất Phù Cừ, được đông đảo khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

Cùng với phát triển nông nghiệp, huyện cũng đã quy hoạch và triển khai hình thành các cụm công nghiệp như Quán Đỏ-Đoàn Đào; Trần Cao-Quang Hưng và Đình Cao, từ đó tạo nên sự đồng bộ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Sự đột phá đó đã đưa kinh tế của huyện Phù Cừ tăng trưởng nhanh (năm 2022 tăng 11%; năm 2023 tăng 13,6%).

“Thành công lớn nhất sau 13 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của Phù Cừ là từ huyện có xuất phát điểm thấp đến nay đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao, với mức thu nhập bình quân 82 triệu đồng/người/năm. Huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới từ năm 2019 và đến nay đã có 12/13 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; 6/13 xã kiểu mẫu và huyện cơ bản hoàn thiện các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao”, ông Vũ Xuân Thủy chia sẻ.

bai2.jpg
Vải trứng một đặc sản riêng có của vùng đất Phù Cừ nói riêng và tỉnh Hưng Yên nói chung. Ảnh: Quang Nhiều - TTXVN

Những miền quê đáng sống

Về xã Tân Dân, huyện Khoái Châu trong những ngày này, dọc hai bên các tuyến đường được treo cờ hoa rực rỡ chào đón năm mới và các sự kiện trọng đại của đất nước. Tân Dân giờ đây đã thực sự "thay da, đổi thịt" với các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng, nâng cấp khang trang, những ngôi nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều.

Năm 2021, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là xã đầu tiên của huyện Khoái Châu và là một trong 6 xã đầu tiên của tỉnh Hưng Yên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Đỗ Xuân Huấn, Chủ tịch UBND xã Tân Dân cho biết, ngay sau khi đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2019, xã Tân Dân quyết tâm tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí phấn đấu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, từ năm 2011 đến nay, xã đã huy động hơn trên 250 tỷ đồng để thực hiện chương trình; trong đó, nhân dân đóng góp hơn là 100 tỷ đồng, hơn 5.000m2 đất, hơn 25.000 ngày công tham gia xây dựng các công trình…

Những năm qua, công tác phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân được xã đặc biệt quan tâm. Trong sản xuất nông nghiệp, địa phương thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; giá trị sản xuất trên 1ha canh tác năm 2022 đạt 265 triệu đồng.

Theo Chủ tịch UBND xã Tân Dân, bên cạnh phát triển nông nghiệp, xã cũng tạo điều kiện, khuyến khích các hộ, doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh. Qua đó, nâng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế lên 85,8%. Đến nay, xã Tân Dân đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các tiêu chí của xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, điển hình như thu nhập bình quân đầu người của xã năm đạt trên 93 triệu đồng; 3/3 trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 97%; tỷ lệ chất thải rắn phát sinh trên địa bàn xã được thu gom đạt 100%...

Chủ tịch UBND xã Tân Dân chia sẻ, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, xã lấy chuyển đổi số làm khâu đột phá, xây dựng mô hình thôn thông minh tại thôn An Dân. Sau một thời gian, nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả điều hành, bảo đảm an ninh, trật tự, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xã đã triển khai nhân rộng mô hình trong toàn xã.

Tại các nơi sinh hoạt cộng đồng, các điểm công cộng, xã lắp đặt hoặc xã hội hóa mạng wifi miễn phí phục nhu cầu của người dân. Xã cũng đã trích kinh phí gần 1 tỷ đồng đầu tư hệ thống truyền thanh thông minh tới các thôn, giúp truyền tải thông tin, văn bản, chỉ đạo của các cấp đến người dân nhanh hơn và tiện lợi hơn. Cùng với đó, chính quyền xã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền và phục vụ người dân trong xã tốt hơn. Đến nay, 100% các văn bản, công việc của xã được xử lý trên môi trường mạng, ứng dụng Internet; 7/7 khu dân cư lắp đặt 133 camera giám sát an ninh…

Ông Phạm Văn Thái ở xã Tân Dân, huyện Khoái Châu chia sẻ, khi địa phương phát động chương trình xây dựng nông thôn mới, bà con trong xã đều rất phấn khởi và ủng hộ, cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại. Giờ đây, được hưởng những thành quả từ xây dựng nông thôn mới bà con ai nấy cũng hạnh phúc và tự hào về sự đổi thay quê hương mình.

Về các vùng nông thôn ở Hưng Yên, chúng ta đều dễ dàng cảm nhận được sự thay da đổi thịt từ phong trào xây dựng nông thôn mới. Sự thay đổi không chỉ hiện hữu ở các công trình trường học, trạm y tế, nhà ở khang trang, đường bê tông trải dài từ đầu làng đến cuối xóm mà còn niềm tự hào của người dân khi được hưởng thành quả từ nơi mà họ đã gọi với cái tên thân thuộc là “những miền quê đáng sống”...(Còn nữa)

Quang Nhiều

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm