Xây dựng nông thôn mới ở Hưng Yên (Bài 1)

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng góp sức của người dân, đến nay bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã thay đổi rõ nét, khoác lên mình "chiếc áo mới" với cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, chất lượng giáo dục, y tế hiện đại, mang lại sự hài lòng cho người dân. Hưng Yên là một trong ba địa phương đầu tiên của cả nước về đích xây dựng nông thôn mới, tỉnh có 102/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 153 khu dân cư được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 3 bài viết về "Thành quả trong xây dựng nông thôn mới ở Hưng Yên" nhằm nêu bật những kết quả đã đạt được; đồng thời đưa ra những giải pháp, kế hoạch cụ thể trong xây dựng nông thôn mới, để mỗi làng, quê trên mảnh đất "xứ nhãn" thực sự trở thành “những miền quê đáng sống.”

Bài 1: Làm giàu trên mảnh đất quê hương

Ở Hưng Yên một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới được xác định là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Từ đó, các địa phương trong tỉnh đã tập trung nâng cao thu nhập cho người dân trên cơ sở phát triển sản xuất, tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; hình thành chuỗi sản xuất với giá trị tăng cao.

Làm giàu từ sự đồng thuận

Từ nhiều năm nay, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về làng hoa Xuân Quan, huyện Văn Giang luôn đón Tết sớm hơn các vùng quê khác, bởi đây là một trong những vùng trồng hoa cây cảnh lớn nhất tỉnh Hưng Yên đang mở ra tiềm năng lớn, dệt lên bức tranh đầy màu sắc về một làng hoa trù phú bên sông Hồng.

bai1.jpg
Hình ảnh nông thôn mới nhìn từ làng hoa Xuân Quan, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Quang Nhiều - TTXVN

Chia sẻ về sự ra đời của làng hoa Xuân Quan, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quan Lê Mạnh Tuyến cho biết, trước đây người dân trong xã Xuân Quan chủ yếu trồng cây rau màu, lương thực nên đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Năm 2004, khi một phần diện tích đất nông nghiệp được bàn giao để triển khai khu đô thị Ecopark nên chính quyền địa phương rất trăn trở phải làm thế nào để tăng thu nhập cho người dân khi đất nông nghiệp bị thu hẹp. Với lợi thế giáp Thủ đô Hà Nội, nhận thấy nhu cầu sử dụng hoa, cây cảnh ở địa bàn này là rất lớn, vì thế xã đã tổ chức nhiều đoàn đưa nông dân đến các làng hoa, cây cảnh trên cả nước để tham quan, học tập kinh nghiệm.

Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quan cho rằng, xác định Xuân Quan là một làng nghề trẻ nên người dân trong xã đã lựa chọn trồng hoa chậu, hoa thảm để cung cấp ra thị trường, đây là sự khác biệt của làng hoa Xuân Quan so với các làng hoa khác. Từ những hộ nhỏ lẻ ban đầu đến nay trên địa bàn xã có 1.200 hộ trồng hoa cây cảnh. Đến nay, thu nhập bình quân trên 1 ha canh tác trên địa bàn xã là 830 triệu đồng/ha, đặc biệt những diện tích trồng hoa, cây cảnh cho doanh thu từ 1,2 -1,5 tỷ/ha.

Năm 2023, xã Xuân Quan đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là thành quả của sự đồng thuận giữa chính quyền và nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Với xuất phát điểm chỉ có 7/19 tiêu chí nên xã xác định phương châm "Tiêu chí nào dễ làm trước, tiêu chí nào khó làm sau, làm quyết liệt và có hiệu quả; nhận thức đúng là tiền đề; cán bộ tâm huyết là quyết định; 19 tiêu chí là định hướng; phát triển hạ tầng là khâu đột phá; nâng cao đời sống của nhân dân là mục tiêu; lợi ích mang lại cho người dân là động lực; lòng dân đồng thuận là bí quyết thành công".

Ông Nguyễn Văn Khôi ở xã Xuân Quan, huyện Văn Giang phấn khởi nói, nghề trồng hoa đã là thay đổi diện mạo nông thôn ở quê tôi. Giờ đây, bà con trong xã có thể tự hào đây là một "Đà Lạt thu nhỏ" với thu nhập lên tới cả tỷ đồng/ha, gấp hơn 10 lần so với thu nhập trước kia. Sự đổi thay không chỉ ở cảnh quan, ở những tuyến đường được bê tông hóa, những công trình trường học, trạm y tế hiện đại mà là sự đổi thay trong tư duy làm nông nghiệp và quan trọng hơn cả chính là sự đồng thuận giữa ý Đảng, lòng dân trong xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Phát triển kinh tế là mũi nhọn

Với tiềm năng và lợi thế của vùng đất ven Thủ đô Hà Nội, từ nhiều năm nay, huyện Văn Giang đang vươn mình mạnh mẽ và trở thành một trong những vựa hoa cây cảnh lớn nhất miền Bắc.

Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Giang Nguyễn Quốc Chương chia sẻ, xác định phát triển kinh tế là mũi nhọn, huyện khuyến khích thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác hoa, cây cảnh đủ năng lực để hình thành những chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững, giúp sản phẩm hoa, cây cảnh của huyện khẳng định thương hiệu ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Bên cạnh đó, các địa phương tạo điều kiện cho nhà vườn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sử dụng đất và thu nhập cho người dân. Đến nay, Văn Giang hiện có 8 làng nghề chuyên sản xuất hoa cây cảnh, thu hút trên 5.000 hộ tham gia, tạo việc làm cho hơn 13.000 lao động; trong đó, có 2 làng đã được công nhận là làng nghề gồm làng hoa Xuân Quan và làng hoa, cây cảnh Phụng Công.

bai1a.jpg
Nhiều năm trở lại đây nghề trồng hoa, cây cảnh mang lại thu nhập cao cho người dân huyện Văn Giang. Ảnh: Quang Nhiều - TTXVN

Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Giang khẳng định, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã đạt được kết quả ấn tượng, thể hiện ở giá trị thu được trên ha đất canh tác trong sản xuất hoa, cây cảnh đem lại những đổi thay tích cực mang tính đột phá cho sản xuất nông nghiệp của huyện. Theo đó, lĩnh vực kinh tế nông nghiệp tăng trưởng nhanh, toàn diện và tương đối vững chắc, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 16%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đưa nông nghiệp Văn Giang phát triển khá toàn diện theo hướng hiện đại, cơ cấu nông nghiệp có bước chuyển mạnh mẽ theo chiều sâu. Đồng thời, tăng mạnh về giá trị; sản xuất hoa, cây cảnh, cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được đẩy mạnh là điểm sáng của tỉnh.

"Điểm tạo nên sự khác biệt trong xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của Văn Giang với các huyện, thành phố khác trên địa bàn tỉnh là có sự gắn kết giữa xây dựng nông thôn mới với việc phát triển đô thị "làng trong đô thị" và "đô thị trong làng" đang hình thành rõ nét điển hình như khu đô thị Dreamcity, Ecopark... được thiết kế đồng bộ, xây dựng hiện đại, đạt nhiều giải thưởng quốc tế, thu hút hàng vạn người về sinh sống và làm việc, đã góp phần làm thay đổi diện mạo bộ mặt Nông thôn mới ở Văn Giang", Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Giang nói.

Sau khi về đích xây dựng nông thôn mới vào năm 2019, huyện Văn Giang đã bắt tay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, trên địa bàn huyện có 7/10 xã đạt xã nông thôn mới nông thôn mới kiểu mẫu, thu nhập bình quân đầu người đạt 108,8 triệu đồng/người/năm.(Còn tiếp)

Quang Nhiều

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm