Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với chế biến tại huyện vùng cao Lang Chánh

Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với chế biến tại huyện vùng cao Lang Chánh
Chế biến lâm sản tại Công ty CP Chế biến lâm sản Lang Chánh ở Cụm Công nghiệp Bãi Bùi, xã Quang Hiến. Ảnh : baothanhhoa.vn
Chế biến lâm sản tại Công ty CP Chế biến lâm sản Lang Chánh ở Cụm Công nghiệp Bãi Bùi, xã Quang Hiến. Ảnh :  baothanhhoa.vn
Lang Chánh là huyện miền núi có hơn 50.000 ha diện tích rừng, để thực hiện đề án phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với chế biến phát triển rừng và giúp người dân nâng cao thu nhập, UBND huyện Lang Chánh đã giao nhiệm vụ cho các ban, ngành chức năng liên quan và UBND các xã thị trấn để thực hiện đề án có hiệu quả. Trong giai đoạn 2015-2018, huyện Lang Chánh đã phối hợp với các khối đoàn thể, chính trị để vận động nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Huyện đã tổ chức 58 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thâm canh, phục tráng rừng luồng, kỹ thuật trồng keo cho 2.829 người. Đồng thời, huyện cũng xây dựng mô hình trồng cây Vầu Đắng tại xã Yên Khương và Yên Thắng với tổng diện tích 40 ha. Đối với việc phát triển, phục tráng, cải tạo rừng luồng, huyện đã trồng mới rừng luồng 135 ha, diện tích trồng thâm canh đạt 3.000 ha, diện tích cải tạo và phục tráng đạt 1.350 ha. Bên cạnh đó, huyện cũng đã tập trung phát triển các cơ sở chế biến lâm sản, hiện trên địa bàn đang có 13 số cơ sở đang sản xuất, chế biến lâm sản, các sản phẩm làm ra chủ yếu là giấy vàng mã, tăm xiên, đũa ăn, dăm gỗ keo, gỗ xẻ, ván sàn. Hiện các cơ sở sản này đang tạo việc làm cho 300-350 lao động địa phương với mức lương 5 triệu/người/tháng. Tính đến nay, huyện đã trồng mới và trồng lại rừng sau khai thác được khoảng 3.438 ha, trong đó trồng mới 1.150 ha, trồng lại rừng sau khai thác hơn 2.288  ha. Số hộ nghèo trên địa bàn đã giảm còn 1.895 hộ, hiện giá trị sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn ngày càng tăng cao. Năm 2015, giá trị sản xuất lâm nghiệp của huyện chỉ đạt 518,99 tỷ/năm, cứ 1 ha luồng thu 7 triệu đồng/năm, cây keo 35 triệu/ha/chu kỳ, thì đến nay đã tăng lên 797 tỷ/năm, trong đó giá trị bình quân của 1 ha luồng tăng lên 13 triệu/năm, cây keo giá trị bình quân đạt 60 triệu/ha/chu kỳ. Tại xã Giao Thiện, để triển khai đề án, xã đã tuyên truyền, vận động bà con tham gia trồng rừng kinh tế, đồng thời UBND xã cũng mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kĩ thuật cho người dân phát triển kinh tế rừng. Nhờ phát triển  kinh tế rừng, thu nhập bình quân đầu người trong xã tăng lên 22 triệu đồng/người/năm. Ông Lê Xuân Tầm, trú tại thôn Poọng, xã Giao Thiện cho hay, trước đây hoàn cảnh khó khăn nên ông phải đi làm xa, tới năm 2015 ông quyết định về quê lập nghiệp. Tuy nhiên, thời điểm này vốn không có nên ông phải đi vay mượn người thân 30 triệu để xây dựng mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi. Ông nhập giống cây keo, luồng và vật nuôi về trồng trọt và chăn nuôi. Với đức tính chịu khó, cộng với tinh thần ham học hỏi, tới nay ông Tầm đã gặt hái được nhiều thành công trong phát triển kinh tế rừng, các sản phẩm gỗ của gia đình ông được Công ty lâm nghiệp Lang Chánh thu mua. Hiện gia đình ông đang trồng 7 ha rừng, bao gồm keo, luồng, kết hợp chăn nuôi 20 con lợn và trồng thêm một số loại cây hái quả như bưởi, ổi, thu nhập bình quân của gia đình ông khoảng 110 triệu đồng/năm. Chị Nguyễn Thị Chinh, thôn Poọng, xã Giao Thiện cho biết, năm 2015, nhận thấy địa phương đang có nhiều người dân phát triển kinh tế rừng, tuy nhiên lại có rất ít cơ sở thu mua và chế biến lâm sản, vì vậy chị quyết định thành lập xưởng chế biến, kinh doanh lâm sản. Khởi đầu gian nan, có những lúc xưởng gỗ làm ăn kém hiệu quả tưởng như phải đóng cửa nhưng chị vẫn quyết tâm làm lại từ đầu. Nhờ cố gắng trong công việc, tới nay cở sở chế biên lâm sản của gia đình chị đã ngày càng phát triển, các sản phẩm làm ra là ván, thảm các loại đều được bán ra trong và ngoài tỉnh. Hiện thu nhập bình quân của gia đình chị đạt 300 triệu đồng/năm, chị đang tạo việc làm cho 15 lao động với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng. Theo ông Lê Văn Tá, Chủ tịch UBND xã Giao Thiện cho biết, toàn xã có khoảng 7.000 ha rừng, số hộ trồng rừng khoảng 800 hộ, nhiều hộ đã mở được cơ sở chế biến lâm sản và vươn lên làm giàu. Những năm tiếp theo, xã sẽ tiếp tục chỉ đạo người dân phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với chế biến, phấn đấu năm 2020 thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng lên 25 triệu đồng/năm. Mặc dù đạt được nhiều thành công, thế nhưng việc thực hiện đề án vẫn đang còn nhiều hạn chế do một số người dân chăm sóc, bảo vệ và khai thác rừng trồng chưa tuân thủ quy trình, thậm chí khai thác non nên ảnh hưởng đến chất lượng rừng trồng. Trong khi đó, việc bón phân phục tráng rừng luồng có hộ chưa tuân thủ theo đúng kỹ thuật. Việc quản lý nhà nước đối với các cơ sở chế biến sản phẩm từ lâm nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, có doanh nghiệp đi vào hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường hoặc chưa tuân thủ đầy đủ các điều kiện sản xuất, kinh doanh. Ông Lương Văn Phúc, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Lang Chánh cho biết, thời gian tới, huyện Lang Chánh sẽ tiếp tục tăng cường quản lý, bảo vệ và chăm sóc diện tích rừng trồng hiện có và diện tích rừng mới trồng gồm cây keo, cây luồng. Đồng thời, tổ chức trồng lại rừng sau khai thác, không thực hiện việc chuyển đổi từ rừng nghèo kiệt sang trồng mới, tiếp tục thực hiện mô hình trồng cây Vầu và khuyến khích để người dân đầu tư trồng mới cây keo, luồng, lát theo đề án. Cùng với đó, huyện sẽ duy trì các cơ sở chế biến lâm sản hiện có, hướng dẫn các cơ sở hoàn chỉnh đầy đủ các điều kiện sản xuất, kinh doanh, tăng cường công tác giám sát việc hoạt động của các cơ sở. Huyện Lang phấn đầu từ nay đến cuối năm sẽ trồng mới và trồng lại rừng sau khai thác 1.000 ha, tổ chức 20 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rừng cho nhân dân nhằm giúp bà con nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Nguyễn Nam

Có thể bạn quan tâm