Vĩnh Phúc nhiều tiềm năng phát triển nấm ăn, nấm dược liệu

Vĩnh Phúc nhiều tiềm năng phát triển nấm ăn, nấm dược liệu

Sáng 20/10, Trung tâm khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức tọa đàm giải pháp phát triển nấm ăn, nấm dược liệu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo các đại biểu, nhiều năm qua các chuyên gia trong và ngoài nước đều khẳng định nấm là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, dược liệu quý - một loại rau sạch có giá trị dinh dưỡng, kinh tế cao. Chính những điều hữu ích này, người tiêu dùng sử dụng mặt hàng nấm ngày càng tăng.

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh nấm có hiệu quả ở quy mô hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nấm. Diện tích và sản lượng nấm liên tục tăng, nếu như năm 2018, diện tích trồng nấm chỉ có 0,6 ha, sản lượng 34 tấn thì đến năm 2022 đã tăng diện tích lên 7,66 ha, sản lượng đạt hơn 954 tấn. Sản phẩm nấm ở Vĩnh Phúc được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, ưa chuộng.

Ông Phùng Văn Định, Giám đốc Công ty nấm Phùng Gia, cho hay, ở Vĩnh Phúc nguyên liệu để trồng nấm rất sẵn có như rơm rạ, mùn cưa, thân cây gỗ, thân lõi ngô… Tỉnh có lợi thế khác đó là một số địa hình đồi núi có chất lượng nước và không khí tốt, nền nhiệt độ phù hợp, khu đồi núi mật độ dân cư thấp. Nghề trồng nấm vẫn đang có những bước phát triển tích cực, nhiều loại nấm được người dân nuôi trồng như nấm rơm, nấm sò, nấm mộc nhĩ… mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tại địa bàn tỉnh đã có một số cơ sở sản xuất đầu tư quy mô lớn và tổ chức sản xuất ổn định cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như Công ty Nấm Phùng Gia ở xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên với sản phẩm nấm đùi gà, nấm yến, mỗi ngày doanh nghiệp cung cấp cho thị trường cả tấn sản phẩm; Hợp tác xã Nấm Tam Đảo tại thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo có sản phẩm nấm sò tươi, nấm đông trùng hạ thảo… Nấm Tam Đảo đã sử dụng làm nguyên liệu để chế biến ra các sản phẩm cao cấp và tiện dụng như trà đông trùng hạ thảo Hồng Chi Tam Đảo, Cốm Đông trùng hạ thảo Bào Ngư...

Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế sẵn có, sản xuất nấm ở Vĩnh Phúc đang ở quy mô nhỏ, phân tán, năng suất lao động chưa cao, chưa hình thành được chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng; thị trường tiêu thụ chưa ổn định, xuất khẩu còn ít; giống nấm chưa phong phú, công nghệ sản xuất lạc hậu và thiếu chủ động,…

Tại buổi tọa đàm, các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia đã tập trung giải đáp nhiều câu hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm liên quan đến chính sách hỗ trợ sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu; vai trò của nấm trong sản xuất nông nghiệp; các điều kiện thuận lợi để phát triển nấm, nguyên liệu cần thiết để sản xuất nấm; các loại nấm được thị trường ưu chuộng, dễ tiêu thụ và mang lại hiệu quả kinh tế cao; các mô hình, địa chỉ liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nấm.

Một số ý kiến yêu cầu các chuyên gia giới thiệu các mô hình làm hay, làm tốt trong việc sản xuất, tiêu thụ nấm ổn định, nơi cung cấp giống uy tín để bà con nông dân có thể dễ dàng tiếp cận nguồn giống.

Ông Trần Văn Thơ, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh tỉnh cho rằng để sản phẩm có chất lượng cao, người dân tin dùng, các cơ sở sản xuất phải tuân thủ tốt các yêu cầu về kỹ thuật như kiểm soát được các yếu tố ánh sáng, nhiệt độ, nước tưới, chăm sóc, các khâu thu hoạch, đóng gói, vận chuyển phải đúng quy định... Bà con cũng phải thường xuyên cập nhập các kiến thức liên quan tới nhu cầu thị trường đối với mỗi sản phẩm nấm.

Tại buổi tọa đàm các cán bộ chuyên môn cũng cung cấp thêm chi tiết kiến thức về cách chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, đóng gói... sản phẩm nấm hiệu quả nhất, chỉ ra những sai lầm trong trong sản xuất, bảo quản nấm....

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, những năm gần đây, việc sản xuất nấm của các cơ sở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc luôn có lãi ở mức cao và không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Đây đang là một tiềm năng, thế mạnh cho nhiều nông dân đang quan tâm đến sản xuất các sản phẩm nấm...

Nguyễn Trọng Lịch

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm