Bà Hồ Thị Thanh Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Nấm Hải Nam (thôn Phước Thành, xã Tân Hòa, Thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu) dù đã 60 tuổi nhưng vẫn đam mê trồng nấm hữu cơ với mong muốn đưa ra thị trường những loại nấm an toàn và chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống 3 đời làm nghề trồng nấm, công việc trồng nấm đã ngấm vào máu đam mê của bà Hồ Thị Thanh Hồng. Cách đây 10 năm, ngay sau khi nghỉ việc tại một công ty vì lý do sức khỏe, bà Hồng đã nối nghiệp ông, cha tiếp tục nghề trồng nấm. Bà Hồng đã mày mò thay đổi phương thức sản xuất nấm, từ trồng nấm vô cơ sang trồng nấm hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ, nhằm giúp nâng cao chất lượng cho sản phẩm, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Dù khi bắt tay vào làm bà gặp rất nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm nên dẫn đến thất bại, tốn kém nhiều kinh phí nhưng bà Hồng vẫn rất kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình mà không nản lòng. Lúc đầu bà Hồng trồng nấm linh chi, sau đó do muốn đa dạng các sản phẩm về nấm để tăng thêm thu nhập cung như đa dạng hóa các sản phẩm nấm đến tay người tiêu dùng, bà Hồng đã tự mày mò trồng thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và học hỏi ở rất nhiều nơi, đến nay trang trạng nấm của gia đình bà đã trồng thành công các loại nấm như: nấm chân dài, nấm bào ngư xám, nấm sò thái, hoàng đế, hoàng kim, hồng ngọc, nấm linh chi và nấm mối đen.
Bà Hồng cho biết, nấm sò thái, nấm hoàng đế và nấm mối đen là những loại nấm bà mất rất nhiều thời gian nghiên cứu mới có thể trồng được thành công, nhất là nấm sò thái bà đã mất 2,5 năm mới có sản phẩm bán ra thị trường. Đây là loại nấm ưu thời tiết lạnh từ 13-18 độ C được người ta trồng nhiều tại các tỉnh miền Bắc nhưng bà Hồng đã có thể trồng thành công tại Bà Rịa-Vũng Tàu và thuần hóa nó có thể thích nghi và phát triển được với khí hậu nóng tại khu vực này.
Theo bà Hồng, nấm là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Đó là lý do nấm được dùng làm thực phẩm chế biến món ăn hàng ngày đặc biệt là không thể thiếu trong khẩu phần ăn chay. Trồng nấm không cần diện tích lớn, việc thiết kế nhà trồng đơn giản, có thể làm bằng cây tre lá, ít tốn nhân công chăm sóc, một người lao động bình thường có thể chăm sóc khoảng từ 8.000 -10.000 bịch phôi. Nấm trồng một lần nhưng thu hoạch được nhiều lần. Mô hình trồng nấm phù hợp với những hộ nông dân nhàn rỗi tại địa phương, ít đất canh tác, không có công việc ổn định có thể áp dụng trồng nấm tại gia đinh.
Vì nấm trồng theo hướng hữu cơ nên các công đoạn sản xuất đều phải thực hiện một cách nghiêm ngặt. Dinh dưỡng cung cấp cho nấm phát triển dùng để phối trộn với giá thể mùn cưa của gỗ cây cao su không dùng các loại phân hóa học mà dùng các sản phẩm hữu cơ ủ lên men làm chất dinh dưỡng, sử dụng chế phẩm vi sinh đều chế từ các tinh dầu thực vật xử lý thay thuốc bảo vệ thực vật. Túi phôi sau khi thanh trùng, cấy meo được ươm thời gian khoảng 2 tháng lúc này bịch phôi có hiện tượng trắng đều là có thể xếp lên dàn đặt trong nhà thiết kế chuyên cho trồng nấm.
Mỗi bịch phôi chăm sóc tốt có thể thu hoạch trung bình khoảng 250gram nấm thành phẩm. Khi bịch phôi không còn cho thu hoạch nấm thì có thể chuyển sang sử dụng làm giá thể để trồng nấm rơm. Nhà trồng nấm luôn giữ nhiệt độ và độ ẩm phù hợp để cây nấm phát triển và cho sản lượng ổn định trong suốt thời kỳ sinh trưởng của nấm.
Mỗi năm, cơ sở nấm của bà Hồng cung cấp cho thị trường từ 50-70 tấn nấm các loại, cung cấp giống cho khoảng 10 trại giống vệ tinh. Bà Hồng cũng đang trăn trở và nghiên cứu làm sao để giảm chi phí đầu tư cho việc sản xuất các phôi nấm nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng của sản phẩm, từ đó giúp cho giá thành của nấm hữu cơ không quá cao khi đến tay người tiêu dùng. Cùng với đó, giúp các trang trại vệ tinh giảm bớt chi phí đầu tư cho trang trại nấm, yên tâm phát triển nghề trồng nấm mà họ đang theo đuổi.
Nhờ sản xuất nấm sạch mà sản phẩm của bà Hồng luôn được người tiêu dùng đón nhận và thu mua với giá cao hơn thị trường từ 5.000-10.000 đồng/kg, thậm chí 20.000 đồng/kg. Thu nhập từ việc trồng nấm đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình bà và giải quyết việc làm cho khoảng 6 lao động tại địa phương.
Đặc biệt hằng năm, cơ sở nấm đón nhận và hướng dẫn miễn phí quy trình trồng nấm cho nhiều sinh viên đến thực tập làm đề tài tốt nghiệp cũng như bà con nông dân có nhu cầu trồng nấm theo hướng hữu cơ để phát triển kinh tế gia đình. Sản phẩm nấm hữu cơ sản xuất tại cơ sở ngày càng được người tiêu dùng đón nhận và khẳng định thương hiệu.
Theo bà Dương Thị Thu Sương, phụ trách Trạm Bảo vệ thực vật, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thì trồng nấm hữu cơ đang là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại địa phương, giúp người dân có thêm lựa chọn, định hướng trong sản xuất.
Trạm bảo vệ thực vật thị xã Phú Mỹ hiện đang phối hợp với trang trại nấm của bà Hồng để lấy mẫu phân tích, kiểm nghiệm đất, giá thể và sản phẩm để đánh giá tiêu chuẩn chất lượng; phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện thủ tục cần thiết để đăng ký thương hiệu nấm hữu cơ thuộc Công ty TNHH Nấm Hải Nam.
Hoàng Nhị