Từ những ngày đầu thành lập năm 2016, Hợp tác xã Sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh (xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) gặp nhiều khó khăn, nhưng với nỗ lực của đơn vị, sự đồng hành của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bố Trạch và chính quyền địa phương đã thành công trong việc trồng và sản xuất các sản phẩm từ nấm. Trở thành một mô hình nổi bật trong tiêu chí thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở một số tỉnh Bắc Trung Bộ.
Bà Ngô Thị Kim Liên, Giám đốc điều hành Hợp tác xã Tuấn Linh (xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cho biết, từ một hợp tác xã thủ công chuyên trồng nấm, sau khi tìm hiểu, học hỏi từ nhiều nơi cùng với ngồn vốn sẵn có và sự hỗ trợ cho vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bố Trạch, hợp tác xã đã mua sắm ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, cho hệ thống máy móc, nhà xưởng phục vụ sơ chế, chế biến…Theo quy trình khép kín từ khâu giống, nguyên liệu, bịch phôi, nấm thành phẩm, đến chế biến nấm ra các sản phẩm hàng hóa.
Qua 2 năm hoạt động, hợp tác xã sản xuất nấm sạch Tuấn Linh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cho các thành viên. Hợp tác xã đã liên kết trực tiếp với 31 tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, tạo công ăn việc làm cho khoảng 400 người lao động; trong đó có cả chị em khuyết tật, hộ nghèo, cận nghèo, phụ nữ chiếm trên 95%. Tại đơn vị đã giải quyết việc làm cho 25 công nhân, với thu nhập bình quân từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng, doanh thu hàng năm của hợp tác xã đạt hơn 2,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, hợp tác xã đã tạo điều kiện cho những bà con không đủ vốn mua bịch phôi nấm về trồng, sau khi thu hoạch nấm mới thanh toán, cung ứng đầu và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con…
Bà Liên nhấn mạnh, định hướng của hợp tác xã là quyết tâm đưa thực phẩm an toàn để phục vụ tốt cho người tiêu dùng trên khắp mọi miền và hướng đến thị trường xuất khẩu. Từ định hướng này, hợp tác xã đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nấm và ứng dụng công nghệ cao để sản xuất các loại giống bấm, nấm ăn và nấm dược liệu…Ngoài ra, còn có các sản phẩm chế biến sâu như trà linh chi, rượu linh chi. Sản phẩm sản xuất sạch theo quy trình khép kín, bảo đảm các tiêu chuẩn nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của hợp tác xã.
Sản phẩm nấm sạch, chất lượng cao của hợp tác xã Tuấn Linh đã được thị trường chấp nhận. Hợp tác xã đã ký kết hợp đồng và liên kết sản xuất, tiêu thụ nấm thương phẩm với các công ty, siêu thị Co.opmart Quảng Bình, Co.opmart Hà Tỉnh, Co.opmart Huế , Co.opmart Quảng Trị, các cửa hàng nông sản trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm từ nấm đã được đa dạng hóa như nấm linh chi quả thể, nấm linh chi thái lát, nấm linh chi bột…
Theo bà Ngô Thị Kim Liên, từ những sản phẩm đầu tiên, hợp tác xã chú trọng đến việc thiết kế bao bì, nhãn mác. Lãnh đạo hợp tác xã luôn lắng nghe các phản hồi của khách hàng để điều chỉnh bao bì, nhãn mác phù hợp với nhu cầu của thị hiếu. Nhờ vậy, các sản phẩm của hợp tác xã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh, thậm chí cả thị trường nước ngoài (Thái Lan, Lào, Nga) tin tưởng, lựa chọn.
Thông qua các hoạt động can thiệp, nâng cấp trong khuôn khổ dự án, sản phẩm nấm Linh Chi Tuấn Linh tham gia chương trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh và được UBND Tỉnh Quảng Bình công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao từ năm 2019. Đến nay, hợp tác xã chế biến và cung cấp ra thị trường hơn 200.000 tấn cho tất cả sản phẩm từ nấm.
Thời gian tới, hợp tác xã nấm sạch Tuấn Linh dự kiến đầu tư 3 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng đạt tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài như Đức và EU. Bên cạnh đó, hợp tác xã tiếp tục gia tăng sản lượng đầu vào, mở rộng thêm từ 10 đến 20 tổ hợp tác, 200 hộ trồng nấm tham gia liên kết nữa để gia tăng ổn định nguồn nguyên liệu sạch và an toàn.
Với kết quả đã đạt được, nấm sạch Tuấn Linh được chọn là một trong những sản phẩm điển hình của tỉnh Quảng Bình. Các sản phẩm nấm sạch do hợp tác xã Tuấn Linh sản xuất cũng được sự hỗ trợ từ dự án xây dựng mô hình mỗi xã một sản phẩm OCOP ở một số tỉnh Bắc Trung Bộ.
Đức Thọ