Mô hình trồng nấm của chị Lương Thị Kim Ngọc, sinh năm 1989, tại xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, được triển khai từ năm 2015. Đến nay, mô hình đã trở thành điển hình, mở ra hướng đi mới cho phong trào phụ nữ phát triển kinh tế tại địa phương. Vừa qua, trong Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc năm 2020, mô hình của chị được chọn là một trong 8 ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp xuất sắc nhất.
Tốt nghiệp Đại học Nông lâm Thái Nguyên, khoa công nghệ sinh học năm 2012, cùng như nhiều thanh niên khác, Ngọc đã thử sức đi làm tại một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, với niềm đam mê công nghệ sinh học, kinh doanh, Ngọc đã chọn con đường trở về quê hương lập nghiệp để trồng nấm rơm và nấm sò. Ngọc luôn tìm tòi hướng đi mới, vạch ra kế hoạch, xác định mục tiêu cụ thể, mỗi năm mô hình của chị đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 350-400 triệu đồng.
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình, chị Ngọc cho biết, năm 2015, sau một thời gian tìm hiểu và nhận thấy nấm là loại thực phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhu cầu thị trường lớn. Cùng với những kiến thức đã được học trong trường, Ngọc cùng chồng là anh Đinh Trọng Duân, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, bắt đầu khởi nghiệp với nghề trồng nấm. Với số vốn 100 triệu đồng, Ngọc quây lưới lại thành khu nhà xưởng 300m2, mua máy móc làm nấm theo tiêu chuẩn Viet Gap.
Theo Ngọc, khác với trồng nấm theo cách thông thường, trồng nấm theo tiêu chuẩn Viet Gap người trồng cần tuân thủ những quy định ngặt nghèo trong từng khâu làm nấm. Cụ thể, các khâu vệ sinh, khử trùng nguyên liệu làm phôi nấm cùng những hóa chất sử dụng trong quá trình sản xuất, chăm sóc nấm đều phải tuân thủ những quy định của Nhà nước, thuộc danh mục những hóa chất được phép sử dụng. Đặc biệt, gia đình Ngọc chủ yếu sử dụng các chế phẩm sinh học chăm sóc nấm.
Ban đầu, hai vợ chồng Ngọc gom rơm rạ trong vùng trộn lẫn mùn cưa làm phôi nấm, sau đó sử dụng bông trộn lẫn mùn cưa. Qua quá trình ủ, cùng sự tâm huyết của hai vợ chồng, những mẻ nấm đầu tay thành công. Có sản phẩm, hai vợ chồng Ngọc vui mừng đem sản phẩm của mình giới thiệu ở khắp các cửa hàng bán thực phẩm trên địa bàn xã. Năm đầu tiên, trừ chi phí, cơ sở sản xuất nấm của Ngọc cho lãi 150 triệu đồng. Đây là động lực to lớn thúc đẩy 2 vợ chồng tiếp tục mở rộng sản xuất.
Tuy nhiên, niềm vui không kéo dài, khi trời lạnh, xuất hiện gió Bắc, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên toàn bộ mầm nấm của gia đình chị bị thui. “Nấm thích hợp với thời tiết nóng, độ ẩm cao. Tuy nhiên, do xưởng làm nấm chỉ quây kín bằng những tấm lưới nên khi bị gió lùa, toàn bộ mầm nấm bị hỏng. Hai vợ chồng chỉ biết gắng sức khắc phục, vượt qua khó khăn, tìm nguồn kinh phí xây dựng nhà xưởng theo đúng quy trình”, chị Ngọc chia sẻ.
Mặc dù trồng nấm mang lại giá trị kinh tế, tuy nhiên thường xuyên chịu tác động của thời tiết, sâu bệnh. Trước tình trạng đó, chị đã quyết tâm tìm tòi, khắc phục khó khăn, đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt hệ thống chiếu sáng tự động, máy tưới phun bán tự động thuận tiện cho việc điều chỉnh độ ẩm, hệ thống ánh sáng nhân tạo bằng bóng đèn tiết kiệm điện, điều khiển nhiệt độ, giàn giá nuôi trồng hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Với những thành công bước đầu của mô hình và nắm chắc quy trình sản xuất Viet Gap, năm 2018 được sự giúp đỡ của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Gia Bình, xưởng nấm của Ngọc chính thức được công nhận theo tiêu chuẩn Việt Gap và được hỗ trợ vay vốn phụ nữ khởi nghiệp với số tiền 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, chị tích cực vận động, liên kết được 7 thành viên khác trong thôn tham gia góp vốn hoạt động sản xuất để thành lập hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Minh Ngọc. Đây cũng là một trong những điểm nhấn trong mô hình khởi nghiệp của Ngọc. Ngọc chia sẻ “Mục đích của việc liên kết, thành lập hợp tác xã là Ngọc đứng ra hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật, kết hợp bao tiêu sản phẩm trong hợp tác xã. Để từ đó, tạo nên thương hiệu nấm riêng của mình, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo đầu ra ổn định”.
Quy trình sản xuất Viet Gap được hoàn thiện, cơ sở hạ tầng được nâng cấp, trang trại nấm của chị Ngọc nhanh chóng cho năng suất, chất lượng sản phẩm vượt trội, hướng tới xây dựng thương hiệu nấm sạch. Với thị trường tiêu thụ ổn định, bình quân mỗi tháng chị xuất bán ra thị trường 1 tấn nấm sò và 700kg nấm rơm. Trong đó nấm Sò được bán với giá từ 30 đến 45.000/kg và nấm rơm bán với giá 90-100.000 đồng/kg. Trừ chi phí, cơ sở sản xuất nấm của chị cho lợi nhuận bình quân trên 30 triệu đồng/tháng. Đây là một trong những hướng đi mới cho phụ nữ nói riêng, nông dân nói chung để khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Trong thời gian tới, Ngọc tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường liên kết các hộ trồng nấm trong vùng.
Đến nay, sau gần 5 năm thành lập và đi vào hoạt động hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Minh Ngọc đã trở thành điểm sáng trong mô hình trồng nông sản năng suất cao. Không chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế gia đình mà mô hình của chị Ngọc đã tạo công việc thường xuyên cho 3 lao động và 2 lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân 6 triệu/người/tháng. Cô Đào Thị Chắt, thôn Hiệp Sơn, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: Trước khi chưa có nghề trồng nấm ở địa phương, mọi sinh hoạt trong gia đình cô đều trông chờ vào 5 sào ruộng. Khoảng 4 năm trở lại đậy, nhờ làm việc trong mô hình trồng nấm của Ngọc giúp cô có thêm thu nhập, không chỉ giúp gia đình có thêm khoản chi phí trong sinh hoạt mà giúp gia đình có tiền nuôi con ăn học.
Đặc biệt, mô hình trồng nấm của Ngọc đã mở đi hướng đi mới trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp của huyện Gia Bình nói riêng và tỉnh Bắc Ninh nói chung. Bà Trần Thị Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cho biết: Từ sự thành công của Ngọc, Ngọc nhiệt tình chia sẻ bí quyết và hướng dẫn nhiều chị em trong Hội phụ nữ xã, nông dân cùng thực hiện. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Gia Bình kết nối các xã, phụ nữ các chi hội có nhu cầu trồng nấm, từ đó mở lớp để Ngọc truyền tải kinh nghiệm, kỹ năng trồng nấm. Đặc biệt, Hội cũng kết nối với các đơn vị thu mua để Ngọc đứng ra tiêu thụ sản phẩm không chỉ của gia đình Ngọc mà của phụ nữ làm nấm trong huyện. Bên cạnh đó, với vai trò “đỡ đầu”, Hội đã kết nối với các nhà khoa học giúp Ngọc xây dựng thương hiệu sản phẩm. Từ đó, tạo đầu ra sản phẩm ổn định.
Thanh Thương