Văn minh nơi thờ tự tại Hà Nội dần đi vào nền nếp

Văn minh nơi thờ tự tại Hà Nội dần đi vào nền nếp

* Bớt lộn xộn tại khu nội tự 

Phủ Tây Hồ những ngày đầu năm luôn chật kín khách đến tham quan, chiêm bái. Theo những người quản lý Phủ Tây Hồ, trung bình mỗi ngày điểm tâm linh này đón khoảng 1 vạn lượt khách thập phương. Từ cổng vào đến sân Phủ, đặc biệt tại khu nội tự, người người chen chúc khấn lễ. Trên ban thờ, ban đặt lễ chồng chất các khay lễ với đủ mọi loại hương hoa quả phẩm. Tuy vậy, điều ghi nhận tại Phủ Tây Hồ là khu nội tự không thắp hương tràn lan, chỉ duy nhất hương vòng bởi trước cửa Phủ có bảng hướng dẫn và khi khách thắp hương cũng được người của Ban quản lý đến nhắc nhở. Đa phần khách đến dâng lễ đều là lễ chay, không có lễ mặn. 

Du khách thăm quan chùa Một Cột ở Thủ đô Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Du khách thăm quan chùa Một Cột ở Thủ đô Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Tại các chùa Vạn Niên, Tảo Sách, Kim Liên (quận Tây Hồ) cũng làm tốt công tác hướng dẫn người dân đặt tiền giọt dầu vào đúng hòm công đức. Tại các ban thờ, nhà chùa đều đặt hòm két làm hòm công đức để người dân bỏ tiền lễ, hầu như không còn tình trạng đặt tiền lễ trên ban thờ. Các mâm lễ không đặt tràn lan và nhiều người chỉ tới đặt tiền giọt dầu để cầu khấn. Mặc dù những ngày đầu năm, các ngôi chùa này đều đông khách đến dâng hương nhưng vẫn có thể cảm nhận được sự thanh tịnh, bình yên nơi cửa Phật. 

Tương tự như vậy, tại Tổ đình Phúc Khánh (quận Đống Đa), đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan (huyện Gia Lâm) cơ bản đã làm tốt công tác hướng dẫn người dân hành lễ tại khu nội tự. Người dân không thắp hương, không quá nhiều vàng mã và không đặt lễ tràn lan tại các ban thờ. 

Tuy nhiên, tại một số điểm thờ tự, tình trạng đặt tiền lễ, tiền giọt dầu vẫn còn tràn lan. Điển hình như Phủ Tây Hồ, tiền giọt dầu còn để trên các mâm lễ, các ban thờ, chân tượng và bất cứ nơi nào có thể. Mặt khác, người dân đến lễ tại Phủ Tây Hồ còn đặt nhiều vàng mã, chưa phù hợp với văn minh nơi thờ tự. Ngay cả tại đền Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), tình trạng đặt tiền lẻ tràn lan tại các ban thờ, tạo hình ảnh không đẹp mắt. Hơn nữa, nhiều người đi lễ đền, chùa còn mặc trang phục không phù hợp, không đúng với thuần phong mỹ tục của người Việt. 

* Đảm bảo an ninh, trật tự 

Năm nay, công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại các lễ hội, các điểm thờ tự trên địa bàn Hà Nội được các địa phương đặc biệt coi trọng nhằm đảm bảo an toàn cho du khách và sự lành mạnh cho môi trường các điểm tâm linh. 

Chuyển biến rõ rệt nhất là Hội Gióng Đền Sóc Sơn bởi năm nay huyện Sóc Sơn huy động 300 chiến sĩ công an tham gia bảo vệ lễ hội, hướng dẫn khách tham quan. Do đó, trong phong tục cướp lộc hoa tre và trầu cau không còn xảy ra tình trạng bạo lực như các năm trước. Ông Đoàn Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Sóc Sơn cho biết: Mùa lễ hội 2016, huyện huy động lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia hướng dẫn khách dâng lễ không thắp hương tràn lan, giúp khách đặt lễ, giữ gìn vệ sinh tại các đền trong khu vực diễn ra lễ hội. Ngoài ra, huyện Sóc Sơn còn tổ chức lại các hoạt động dịch vụ như trông giữ xe, sắp xếp hàng quán dịch vụ và tuyệt đối không để tái diễn tình trạng đổi tiền lẻ tại lễ hội. Các dãy hàng bán đồ lễ, đồ lưu niệm, hàng ăn, trông giữ xe đều được bố trí cách xa khu vực lễ hội để đảm bảo an ninh, trật tự. 

Mùa lễ hội này, Phủ Tây Hồ cũng được đánh giá có chuyển biến tích cực khi phường Quảng An và quận Tây Hồ chú trọng đến công tác tổ chức, giữ gìn an ninh, trật tự. Tại đây, hệ thống hàng quán, dịch vụ xung quanh di tích, lễ hội được sắp xếp lại. Năm nay, quận Tây Hồ bố trí điểm trông giữ xe miễn phí rộng 1,7 ha cho khách đi lễ, nhận được sự đồng tình của hầu hết người dân. Tình trạng sư giả, ăn xin, ăn mày, đổi tiền lẻ trước đây khá phổ biến ở Phủ Tây Hồ đến nay đã cơ bản được khắc phục. Nhiều đối tượng trộm cắp, móc túi đã được lực lượng chức năng quận Tây Hồ phát hiện, xử lý. 

Để đảm bảo mùa lễ hội năm 2016 diễn ra văn minh, đúng thuần phong mỹ tục, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị các địa phương thực hiện tốt công tác tổ chức lễ hội; đồng thời thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, khắc phục những vi phạm. Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định, ngành văn hóa luôn coi trọng công tác quản lý di tích, tổ chức lễ hội, phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai các biện pháp hợp lý để đưa hoạt động lễ hội đi vào nền nếp. Từ đó, vừa để bảo tồn, vừa phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, gắn với phát triển du lịch, thu hút ngày càng nhiều hơn du khách đến với các di tích, lễ hội./. 

 

Có thể bạn quan tâm