Vai trò của AI trong lĩnh vực thời trang hiện đại

Vai trò của AI trong lĩnh vực thời trang hiện đại

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang biến đổi thế giới thời trang, song dù phát triển đến đâu đi chăng nữa, công nghệ này sẽ không bao giờ có thể thay thế được “sự sáng tạo nguyên bản” của các nhà thiết kế. Nhà tiên phong về đổi mới trong lĩnh vực thời trang Calvin Wong đã khẳng định như trên khi đánh giá về vai trò của (AI) trong ngành thời trang hiện đại.

Ông Calvin Wong đã phát triển trợ lý thiết kế thời trang AiDA - hệ thống AI do các nhà thiết kế quản lý đầu tiên trên thế giới. AiDA sử dụng công nghệ nhận dạng hình ảnh, giúp rút ngắn thời gian đưa một mẫu thiết kế từ bản phác thảo đầu tiên lên đến sàn catwalk.

Ông Wong cho biết: "Các nhà thiết kế có các bản in trên vải, hoa văn, tông màu, bản phác thảo ban đầu và họ tải lên những hình ảnh ấy. Sau đó, hệ thống AI của chúng tôi nhận diện các yếu tố thiết kế và đưa ra đề xuất để các nhà thiết kế tinh chỉnh và sửa đổi thiết kế ban đầu của họ". Ông Wong nhấn mạnh điểm mạnh đặc biệt của AiDA là khả năng đưa ra "tất cả những sự kết hợp có thể có" để nhà thiết kế xem xét. Đây là điều mà ông cho rằng không thể có trong quy trình thiết kế hiện tại.

Tháng 12/2022, một cuộc triển lãm thời trang đã được tổ chức tại Bảo tàng M+ ở Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), giới thiệu các bộ sưu tập của 14 nhà thiết kế được thực hiện với AiDA. Tuy nhiên, ông Wong nêu rõ điều này nhằm "tạo cảm hứng cho các nhà thiết kế" chứ không phải "sử dụng AI để đảm nhận công việc của nhà thiết kế, tiếp quản khả năng sáng tạo của họ". Ông nói thêm rằng: “Chúng ta phải trân trọng sự sáng tạo ban đầu của nhà thiết kế”.

Ông Wong hiện là quản lý Phòng thí nghiệm AI trong thiết kế thời trang (AidLab) - một sự hợp tác giữa Đại học Nghệ thuật Hoàng gia Anh (RCA) và Đại học Bách khoa Hong Kong, nơi ông là giáo sư về thời trang.

Phó Hiệu trưởng RCA Naren Barfield dự đoán tác động của AI đối với ngành thời trang sẽ mang tính "chuyển đổi". Ông đánh giá: "Tác động sẽ rất lớn, từ giai đoạn lên ý tưởng và hình thành ý tưởng, cho đến tạo nguyên mẫu, từ khâu sản xuất, phân phối đến cuối cùng là tái chế". Theo ông, sự cá nhân hóa đã được ứng dụng để cải thiện trải nghiệm của khách hàng, với các đề xuất sản phẩm tốt hơn và tìm kiếm hiệu quả hơn, giúp người mua hàng tìm thấy thứ họ muốn một cách nhanh chóng và dễ dàng, nhưng khi công nghệ phát triển thì hàng loạt công cụ chuyên môn cao cũng sẽ phát triển theo.

AiDA chỉ là một trong những dự án của AidLab được trưng bày tại thủ đô nước Anh trước thềm Tuần lễ thời trang London, bắt đầu vào ngày 15/9 vừa qua. Ngoài AiDA, còn có một số dự án khác, như dự án Neo Couture nhằm mục đích sử dụng các công nghệ tiên tiến để bảo tồn theo hình thức kỹ thuật số các kỹ năng và kỹ thuật chuyên biệt được các nhà thiết kế thời trang sử dụng. Một dự án khác hướng tới mục tiêu tăng cường tính bền vững của trang phục, nhằm giảm khoảng 92 triệu tấn quần áo bị đưa tới các bãi rác mỗi năm. Trong khi đó, ứng dụng tiềm năng của dự án AI Loupe lại giúp các nhà thiết kế khắc phục vấn đề khi tái sử dụng vải cũ...

Mặc dù vậy, tương lai của AI trong thiết kế thời trang vẫn chưa rõ ràng. Người sáng lập thương hiệu Collina Strada ở New York (Mỹ) Hillary Taymour cuối tuần trước đã thừa nhận rằng cô và các cộng sự đã sử dụng công cụ tạo hình ảnh AI Midjourney để thực hiện bộ sưu tập trình diễn trong Tuần lễ thời trang New York. Tuy nhiên, các vấn đề pháp lý có thể khiến quần áo do AI tạo ra không được xuất hiện trên sàn diễn thời trang.

Về phần mình, ông Barfield cho biết: "Tôi chưa rõ AI sẽ chuyển đổi nhanh đến mức nào, nhưng nếu công nghệ này mang lại cho các công ty lợi thế cạnh tranh, tôi nghĩ họ sẽ đầu tư và tiếp nhận nó một cách nhanh chóng". Theo chuyên gia này, điều duy nhất đang cản trở các công ty là "đầu tư lớn" vào cơ sở hạ tầng cần thiết, nhưng ông khích lệ rằng "một khi thực hiện được điều này, họ sẽ tiết kiệm được vật liệu phế thải và năng suất lao động".

Thanh Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm